Cẩm Kim phát triển nông nghiệp sinh thái
Xã Cẩm Kim được TP.Hội An định hướng xây dựng trở thành làng quê – làng nghề sinh thái và là vùng du lịch đặc trưng của thành phố trong tương lai. Vì vậy, hướng phát triển ngành nghề ở vùng quê sinh thái này cũng mang dấu ấn riêng.
Du khách đạp xe khám phá vùng quê xã Cẩm Kim. Ảnh: Đ.H |
Triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng làng quê – làng nghề sinh thái xã Cẩm Kim”, TP.Hội An xác định từ nay đến năm 2020 Cẩm Kim phát triển kinh tế bền vững với cơ cấu: nông nghiệp – du lịch, dịch vụ; thương mại – tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề; thu nhập và đời sống nhân dân được nâng cao. Ông Trần Ánh – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An cho biết: “Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố xác định Cẩm Kim vẫn phát triển theo hướng bảo tồn những giá trị đang có. Kinh tế thì phát triển nông nghiệp vẫn là chủ đạo, trong đó phát huy những cây trồng đặc hữu của địa phương và một số cây trồng khác phù hợp. Bên cạnh đó là phát triển những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, lấy nghề mộc Kim Bồng làm trọng tâm”.
Nông nghiệp ở Cẩm Kim được xác định là nền tảng để phát triển kinh tế hộ theo hướng đa ngành nghề, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp an toàn, sạch và có giá trị tăng cao. Bên cạnh việc giữ ổn định diện tích đất sản xuất lúa, cần mở rộng diện tích các loại cây trồng đã được khẳng định như các loại cây thực phẩm (bắp nếp, ớt, rau màu…), các loại cây cây ăn quả (dưa hấu, đu đủ, mít, chuối…), các loại cây công nghiệp (bông, đậu phụng, cói…). Phát triển diện tích nông nghiệp hữu cơ với nhiều nhóm cây trồng và vật nuôi thích hợp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế. Trong sản xuất nông nghiệp còn có chăn nuôi, khai thác thủy sản… cũng được xác định phát triển theo hướng sạch, an toàn và gắn với dịch vụ phục vụ du lịch.
Nghề mộc Kim Bồng đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 11.2016 chắc chắn là tiềm năng, lợi thế đặc trưng của Cẩm Kim trong quá trình phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp và du lịch dịch vụ trong thời gian tới. Trong những năm qua, tuy chưa được đầu tư và phát triển xứng tầm nhưng hằng năm, làng nghề truyền thống này đã thu hút cả trăm ngàn lượt khách du lịch đến tham quan, khám phá. Hiện nay thành phố đã có chính sách tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng, tổ chức lại không gian làng nghề mộc Kim Bồng, không gian các làng nghề truyền thống ở Cẩm Kim như: đóng sửa tàu thuyền, đan chiếu, may mặc, làm mỳ, làm bánh tráng… Không gian các làng nghề thực sự là không gian “sống” gắn với các dịch vụ phục vụ trải nghiệm của du khách khi đến tham quan, khám phá.
Cẩm Kim còn được định hướng phát triển là một xã nông thôn truyền thống, văn minh, mang sắc thái làng quê sông nước gắn với làng nghề truyền thống trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên sinh thái – nhân văn. Vì vậy, phát triển kinh tế ở Cẩm Kim càng phải gắn chặt với việc xây dựng không gian, cảnh quan xanh, sạch, bảo đảm môi trường sinh thái, phục vụ tốt cho phát triển du lịch. Ông Phan Trọng Nhân – Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim chia sẻ: “Hiện nay chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân giữ gìn cảnh quan nông thôn với việc khôi phục những hàng rào xanh, trồng nhiều cây xanh, chăm sóc và bảo vệ một cách phù hợp nhất để cùng với những sản phẩm từ nông nghiệp, từ những cánh đồng đất màu đất lúa sẽ tạo nên những sản phẩm đặc trưng để thu hút khách du lịch đến với Cẩm Kim ngày càng nhiều hơn”.
ĐỖ HUẤN