Hiệu quả từ dồn điền đổi thửa
Trước thềm vụ đông xuân 2019, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Chánh (gọi tắt: HTX Bình Chánh) triển khai thành công dồn điền đổi thửa trên 25ha tại cánh đồng Đa Trị (Bình Chánh, Thăng Bình), người dân hưởng ứng và bắt đầu hình thành việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp.
Thửa ruộng lớn thuận lợi đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Ảnh: PHAN VINH |
Chung tay
Trước đây, ông Nguyễn Thành Được có 3 thửa ruộng với diện tích khoảng hơn 2.000m2 nằm tại cánh đồng Đa Trị (thôn Ngũ Xã, Bình Chánh). Lâu nay, ông Được không thể phá bờ vì 3 thửa đất này nằm ở vị trí chênh nhau, nơi thấp nơi cao nên việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, HTX Bình Chánh đã chủ công triển khai dồn điền đổi thửa ở cánh đồng Đa Trị và diện tích 3 thửa đất của ông Được cũng được sắp xếp, chỉnh trang cho bằng phẳng và phá bờ tạo thành 1 thửa. Ông Được cho hay: “Bây giờ là một thửa, một số hiệu, một diện tích, năng suất làm ra như nhau, không còn thấp cao gì nữa. Đặc biệt việc đưa máy móc xuống đồng ruộng dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian hiệu quả”.
Trường hợp của ông Được hưởng lợi rõ rệt từ mô hình dồn điền đổi thửa nhưng với 46 hộ dân có đất canh tác ở cánh đồng Đa Trị phải thông qua tuyên truyền mới hiểu và thay đổi thói quen sản xuất cũ. Khi triển khai thi công, đến phần thửa của ai, họ đều chung tay phụ giúp HTX Bình Chánh. Nhờ vậy chỉ sau 1 tháng thi công, 25ha ở cánh đồng Đa Trị như được “thay da đổi thịt”. Bà Nguyễn Thị Ba có đất ở cánh đồng Đa Trị, chia sẻ: “Chúng tôi được nghe hiệu quả từ việc hình thành cánh đồng lớn ở các địa phương khác như Bình Đào, Bình Nam… nên phấn khởi ủng hộ chủ trương. Bây giờ làm xong rồi mới thấy khác hẳn với cánh đồng trước đây, đường sá, kênh mương được quan tâm đầu tư mở rộng. Phá bờ, phá thửa, không còn ruộng manh mún nên tôi nghĩ chắc vụ tới đây sẽ đạt vì điều kiện sản xuất như nhau”.
Liên kết sản xuất
Theo ông Lê Đức Mật - Giám đốc HTX Bình Chánh, triển khai dồn điền đổi thửa trên 25ha ở cánh đồng Đa Trị với tổng kinh phí hơn 350 triệu đồng. Thi công thêm 4 tuyến kênh dài gần 2km, mở rộng tất cả tuyến đường giao thông nội đồng từ 2 - 3m lên 4 - 5m dựa trên cơ sở diện tích bờ thửa đã được phá. Chính vì đầu tư cơ sở hạ tầng được toàn diện như vậy nên HTX Bình Chánh đã nhanh chóng liên hệ và làm hợp đồng liên kết sản xuất lúa giống với Công ty Giống cây trồng Thái Bình trên diện tích 13ha. Ước tính, vụ đông xuân năm 2019 sắp tới, trên diện tích liên kết sản xuất giống này, người dân sẽ thu nhập thêm 350 nghìn đồng/sào. Như vậy, với 13ha người dân sẽ thu thêm được hơn 90 triệu đồng. “Có được cánh đồng lớn như hôm nay phải kể đến sự hưởng ứng nhiệt tình và chung tay thực hiện của người dân. Tuy nhiên, thời gian tới, để mở rộng thêm việc liên kết sản xuất lúa giống với doanh nghiệp, chúng tôi kiến nghị cấp trên việc hỗ trợ, nâng cấp hệ thống giao thông và kênh mương nội đồng ở cánh đồng Đa Trị. Tất cả vẫn chưa được bê tông hóa và về lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất của người dân” - ông Mật nói.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho biết, thời gian qua, địa phương luôn thúc đẩy Ban nông nghiệp thực hiện các mô hình cải tạo, dồn điền đổi thửa để đưa cơ giới hóa xuống đồng ruộng, giảm công, tăng năng suất và đặc biệt tạo nền tảng vững để liên kết sản xuất với doanh nghiệp. “Với cánh đồng Đa Trị, thời gian tới, địa phương có chủ trương ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, bê tông hóa các tuyến đường và kênh mương thủy lợi theo nguồn có thể chủ động. Đồng thời tích cực tham mưu UBND huyện quan tâm hơn nữa đến ngành nông nghiệp tại địa phương bởi kinh tế chính của người dân nơi đây chính là sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện đời sống của họ bền vững” - ông Vũ cho biết thêm.
PHAN VINH