Trồng cây dược liệu dưới tán rừng: Khai thác lợi thế ở vùng Tây Núi Thành
Từ tiềm năng và lợi thế về đất đai, khí hậu của vùng đất phía Tây huyện Núi Thành, mới đây, Công ty CP Thương mại - dược - sâm Ngọc Linh đã có phương án thuê đất trồng cây dược liệu dưới tán rừng, mở ra triển vọng mới về việc tăng giá trị sản xuất đất lâm nghiệp trong tương lai.
Nghệ đỏ là một trong những cây dược liệu được chọn trồng của dự án. Ảnh: V.P |
Khu vực Công ty CP Thương mại - dược - sâm Ngọc Linh (có trụ sở tại TP.Tam Kỳ) chọn thuê đất để trồng cây dược liệu dưới tán rừng phòng hộ và du lịch sinh thái là vùng đất đồi, người dân đang trồng cây keo đã đến kỳ thu hoạch thuộc xã Tam Hiệp với diện tích 23,44ha. Đây cũng là khu đất đã được UBND huyện Núi Thành thống nhất để thực hiện dự án đầu tư trồng cây dược liệu từ năm 2018. Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Tưởng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam, tại khu vực này, đơn vị đang thực hiện các thủ tục để trồng khoảng 20ha cây rừng bản địa gồm các loại: sao đen, dầu rái và lim xanh. Sau khi các loại cây này có độ tuổi khoảng 3 - 4 năm, việc trồng cây dược liệu của Công ty CP Thương mại - dược - sâm Ngọc Linh mới có thể thực hiện.
Qua bàn bạc, thảo luận, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam và UBND huyện Núi Thành đã thỏa thuận để Công ty CP Thương mại - dược - sâm Ngọc Linh thông qua hộ gia đình ở xã Tam Hiệp đầu tư dự án và bước đầu trồng khoảng 3ha cây dược liệu dưới tán rừng. Ông Trần Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại - dược - sâm Ngọc Linh chia sẻ: “Việc thực hiện dự án thuê đất trồng cây dược liệu dưới tán rừng phòng hộ và du lịch sinh thái có nhiều tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Qua đó tận dụng được đất lâm nghiệp, tạo công ăn việc làm cho lao động trong khu vực, cung cấp nguồn dược liệu làm thuốc chữa bệnh cho người dân và bảo vệ sức khỏe cộng đồng…”.
Dự án thuê đất trồng cây dược liệu dưới tán rừng phòng hộ bước đầu sẽ trồng các loại cây: cà gai leo, nghệ đỏ, sả chanh, lạc tiên, khổ qua rừng… Theo dự kiến, từ tháng 1 đến tháng 6.2019, công ty sẽ xây dựng các cơ sở hạ tầng, đầu tư máy móc, thiết bị, xây dựng vườn ươm cây giống, làm đất trồng, cây dược liệu; từ tháng 7.2019 tiếp tục thực hiện công tác chăm sóc và thu hái dược liệu. Theo tính toán, sau thời gian tiến hành đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, dự kiến dự án trồng cây dược liệu dưới tán lá rừng bắt đầu có lợi nhuận từ năm thứ 3 trở đi. Đối với cây cà gai leo, dự kiến năm 2019 đạt sản lượng 6.000kg/ha, năm 2020: 6.000kg/ha, năm 2021: 4.000kg/ha; với giá bán 20.000 đồng/kg, sẽ cho doanh thu gần 120 triệu đồng/ha/năm. Đối với cây nghệ đỏ, sản lượng dự kiến các năm 2019, 2020, 2021, mỗi năm đạt 20.000kg/ha, doanh thu hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Đó là chưa kể các loại cây dược liệu sả chanh, lạc tiên, khổ qua rừng… đang trong giai đoạn trồng thử nghiệm nên chưa dự kiến được năng suất, hiệu quả.
Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, việc thực hiện dự án trồng cây dược liệu dưới tán lá rừng phòng hộ và du lịch sinh thái sẽ góp phần bảo tồn những cây thuốc quý hiếm, phòng tránh được tình trạng khai thác tận diệt cây dược liệu tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường. Dự án không những đem lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống ven rừng mà còn góp phần tích cực bảo vệ môi trường với các mô hình trồng dược liệu sạch.
“Chúng tôi sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp triển khai dự án trồng cây dược liệu dưới tán lá rừng, qua đó nhân rộng ra các xã miền núi nhằm phát huy hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp đồng thời bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu quý hiếm, tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân. Núi Thành là địa phương có tiềm năng về đất đai và khí hậu để phát triển các cây dược liệu. Việc thực hiện các dự án trồng cây dược liệu dưới tán lá rừng phòng hộ và du lịch sinh thái mở ra triển vọng mới cho ngành lâm nghiệp tại địa phương và phù hợp với định hướng phát triển cây dược liệu của tỉnh” - ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết.
VĂN PHIN