Chuyển đổi cây trồng hiệu quả
Sau bão số 12 vào cuối năm 2017, diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp, thiệt hại tại Bắc Trà My khá lớn. Các ngành chức năng của huyện và nhân dân tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, chuyển đổi cây trồng cho giá trị kinh tế cao hơn.
Ông Lê Văn Ba (xã Trà Đông, Bắc Trà My) đã áp dụng mô hình trồng chuối mốc trên những chân ruộng cạn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: D.L |
Tập trung sản xuất
Mô hình vườn - ao - chuồng - rừng của ông Lê Văn Ba (thôn Ba Hương, xã Trà Đông, Bắc Trà My) năm nay đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Sau những đợt mưa bão, ông Ba có diện tích chân ruộng cạn kém hiệu quả bị bồi lấp. Xác định những chân ruộng này dù có cải tạo cũng khó đạt năng suất cao, ông Ba quyết định chuyển sang trồng cỏ nuôi bò lai, trồng chuối mốc, các loại cây họ đậu. Ông Ba nói: “Tính tổng nguồn thu nhập từ chuối, gà, heo, vịt, bò, cây keo... năm nay gia đình tôi có nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Từ khi chuyển những chân ruộng cạn bị bồi lấp sang trồng cỏ nuôi bò, trồng chuối mốc hiệu quả cao hơn hẳn. Nhiều người dân trong thôn thấy vậy cũng đến học hỏi và áp dụng nên có nguồn thu nhập tốt hơn”. Bản thân ông Ba không chỉ là một nông dân biết cách làm ăn, mà còn đảm nhiệm Bí thư Chi bộ thôn Ba Hương nên luôn nỗ lực đi đầu trong sản xuất nông nghiệp, giúp bà con tin tưởng và làm theo.
Ông Dương Minh Anh - Chủ tịch UBND xã Trà Đông cho biết, ngay sau cơn bão cuối năm 2017, xã có đến 16ha lúa đất ruộng bị bồi lấp. UBND xã đã phân công từng cán bộ đến động viên người dân cải tạo đồng ruộng để sản xuất, nếu không cải tạo được thì hỗ trợ cây con giống theo chủ trương của huyện để chuyển đổi sang các loại cây trồng khác cho hiệu quả hơn. “Kết quả đã cải tạo được khoảng 70% trong số diện tích bị bồi lấp. Số diện tích còn lại người dân đã chuyển đổi sang trồng chuối, đậu phụng, thậm chí diện tích đã cải tạo mà trồng lúa kém hiệu quả cũng chuyển đổi cây trồng. Từ đó sản lượng lương thực có hạt của xã đạt hơn 1.300 tấn trong năm 2018, đạt kế hoạch đề ra và giúp ổn định đời sống nhân dân. Từ nguồn vốn nông thôn mới đã hỗ trợ cho 3 hộ tại xã 80 triệu đồng thực hiện mô hình trồng cây ăn quả đang phát triển rất tốt” - ông Anh nói.
Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp
Sau bão số 12, diện tích đất sản xuất, công trình thủy lợi tại huyện Bắc Trà My bị bồi lấp, hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất nông nghiệp. Bằng mọi nguồn lực, Bắc Trà My động viên nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, cải tạo đồng ruộng, chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây có hạt khác hiệu quả hơn. Huyện cũng huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực sửa chữa công trình thủy lợi xuống cấp, đầu tư hoàn thành 13 công trình mới đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Trà My, cho biết: “Riêng diện tích lúa nước bị bồi lấp, sạt lở sau bão là 176ha khiến việc sản xuất lúa của người dân rất khó khăn. Huyện đã tập trung mọi nguồn lực, hỗ trợ lương thực, động viên nhân dân cải tạo đồng ruộng, hỗ trợ giống để yên tâm sản xuất. Đối với diện tích lúa không thể cải tạo được, huyện hỗ trợ các giống cây trồng khác như các loại cây ăn quả, ngô, đậu phụng... Các công trình thủy lợi được tập trung khắc phục để phục vụ tưới tiêu. Bà con nhân dân hưởng ứng, vào cuộc cùng địa phương nên đạt được diện tích gieo trồng hàng năm hơn 2.369ha, sản lượng cây lương thực có hạt đạt hơn 8.226 tấn, vượt kế hoạch đề ra trong năm”.
Đối với cây lương thực chủ đạo là cây lúa, cả 2 vụ đông xuân và hè thu, Bắc Trà My gieo trồng đạt kế hoạch. Cụ thể, vụ lúa ruộng đông xuân, kế hoạch sản xuất 680ha nhưng gieo trồng đạt 725ha, năng suất đạt hơn 45 tạ/ha; vụ lúa ruộng hè thu kế hoạch đưa ra sản xuất 620ha, thực tế đạt 646ha, năng suất hơn 40 tạ/ha. Lúa rẫy hè thu diện tích trồng đạt đến 495ha, năng suất hơn 20 tạ/ha (trong khi kế hoạch đề ra chỉ 400ha). Thực hiện Nghị quyết 03 của Huyện ủy Bắc Trà My, huyện đã cấp phát cây giống như cam đường, quýt đường, bưởi da xanh, thanh trà, sầu riêng, măng cụt cho 248 hộ ở các xã Trà Sơn, Trà Tân, Trà Dương, Trà Đông... với tổng diện tích hơn 43ha. Đối với Đề án bảo tồn và phát triển giống quế Trà My, huyện đã thực hiện cấp 80 nghìn cây quế giống cho xã Trà Giác và Trà Giáp, trị giá 200 triệu đồng. Từ nguồn vốn của Chương trình 135, giảm nghèo bền vững, các dự án, người dân Bắc Trà My đã được hỗ trợ sinh kế phục vụ sản xuất hiệu quả, phát triển kinh tế gia đình.
DIỄM LỆ