Xơ xác các vườn hoa
(QNO) - Nông dân trồng hoa tết tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh rơi vào cảnh điêu đứng do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua.
Vườn hoa cúc của ông Nguyễn Văn Tâm (thôn Phước Ấm, xã Bình Triều, Thăng Bình) bị ngập úng. Ảnh: THANH THẮNG |
Gia đình ông Mai Văn Hùng (thôn Ngọc Sơn Đông, xã Bình Phục, Thăng Bình) trồng 5.600 chậu cúc. Tuy nhiên, khi cây được 20 ngày tuổi thì bị mưa lớn gây ngập úng không thể cứu vãn. “Không xuống giống trở lại vì không kịp thời gian bán vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, thay vào đó tôi sẽ cải tạo lại đất và xuống giống một số loại rau ngắn ngày như cải bẹ, xà lách để kịp bán tết” - ông Hùng nói.
Ông Lê Thông - Chủ tịch UBND xã Bình Phục cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 20 hộ dân trồng hoa tết với diện tích hơn 10ha, tập trung chủ yếu ở thôn Ngọc Sơn Đông. Đợt mưa lớn vừa qua đã gây ngập toàn bộ diện tích hoa này.
Tại xã Bình Triều (Thăng Bình) cũng có hơn 4ha trồng các loại hoa như cúc, lay ơn, hoa ly, vạn thọ của gần 100 hộ dân bị ngập úng không thể khắc phục. Ông Nguyễn Văn Tâm (thôn Phước Ấm) là người có 15 năm kinh nghiệm trồng hoa quanh năm và bán vào dịp tết, thế nhưng vụ hoa tết năm nay cũng trắng tay khi thiệt hại hơn 20 nghìn cây hoa các loại.
Nông dân tập trung khắc phục các vườn hoa bị ngập nước. Ảnh: THANH THẮNG |
Ông Nguyễn Ba - Chủ tịch UBND xã Bình Triều cho hay, toàn xã có 70ha trồng rau và hoa tết nhưng đợt mưa lớn vừa qua đã gây hư hỏng toàn bộ. Trong đó 4ha trồng hoa tết của bà con không thể xuống giống lại được vì không kịp thời gian. Địa phương cũng khuyến cáo người dân nên xuống giống các loại rau ngắn ngày để kịp bán vụ tết.
Tại Hội An, khối phố Sơn Phô 2 (phường Cẩm Châu) được xem là một trong các vùng trồng hoa tết nhiều nhất của thành phố. Những ngày này, dạo qua các vườn hoa nơi đây đều bắt gặp không khí khẩn trương của các chủ vườn, ai cũng tất tả bên những chậu hoa còn lại sau mưa ngập.
Tại vườn nhà ông Nguyễn Thêm (tổ 8, khối Sơn Phô 2), trận mưa ngập vừa qua khiến 100 chậu thược dược xem như mất trắng, 200 chậu mãn đình hồng “ngậm” búp nguy cơ trễ tết là khó tránh khỏi. Ngoài ra, hơn 200 chậu hồng kiểng cũng trở nên cằn cỗi, một số dạ yến thảo đã ra hoa sớm. “May là 500 chậu cúc vẫn chưa bị hư hại nhiều, còn những loại hoa khác xem như thất bại. Hy vọng những ngày tới thời tiết tốt hơn để có thể cứu được chậu nào không” - ông Thêm nói.
Hoa mãn đình hồng ở làng Hà Đông năm nay xem như trễ vụ tết. Ảnh: KHÁNH LINH |
Với làng hoa Hà Đông (xã Điện Hòa, Điện Bàn), hầu hết vườn hoa nơi đây bị hư hại. Theo ông Nguyễn Văn Sáu - một người trồng hoa trong làng, mưa lớn làm một số cây bị vàng lá, một số bị chết. Trong đó, nặng nhất là vạn thọ. Năm nay ông trồng 300 chậu vạn thọ nhưng bị ngập chết gần 100 chậu, số còn lại đang được vô phân thuốc để kích thích rễ ra trở lại. Tuy nhiên, lo nhất chính là số chậu cúc bị hư lá khiến cây không được đẹp.
“Vạn thọ dễ sống hơn cúc nhưng mưa nhiều quá khiến cây dễ bị bệnh khô vằn, rụng lá thối cây. Trong thôn bây giờ nhiều người nhổ vạn thọ bỏ hết rồi. Riêng với cúc tuy có hư hại nhưng vẫn có thể khắc phục được với điều kiện thời tiết thuận lợi” - ông Sáu chia sẻ.
Mưa lớn khiến làng hoa Hà Đông bị mất giá khoảng 20% do cây không đẹp. Ảnh: KHÁNH LINH |
Theo ước tính, sau những đợt mưa vừa qua hoa cúc làng Hà Đông sẽ mất giá 15 - 20%. Tuy nhiên theo ông Sáu, đây chỉ là con số ước đoán vì phải chờ trời nắng lên mới biết chính xác cây nào chết cây nào sống.
“Trong số khoảng 30 hộ trồng hoa ở làng này ai cũng bị thiệt hại. Tất nhiên, thiệt hại không mất hẳn 100% mà chỉ phần nào thôi. Còn bây giờ phải chờ đến 20.11 hoặc trễ lắm là 25.11 âm lịch mới biết hoa kịp hay chậm, đến ngày này nếu hoa không có búp xem như trễ” - ông Sáu phân tích.
THANH THẮNG - KHÁNH LINH