Chuyên nghiệp hợp tác xã nông nghiệp

XUÂN HIỀN 07/12/2018 02:08

"Làm nông nghiệp cũng là một loại hình kinh doanh. Trồng trọt mà không có động lực về tài chính thì chỉ là làm vườn" - TS. Kees Blokland, Giám đốc điều hành quỹ Agriterra, nhận định. Và các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chính là kênh kết nối để nông dân làm thương mại một cách chuyên nghiệp.

Nhóm nông dân Bình Quý cùng chung ý tưởng về làm nông nghiệp hữu cơ đã thành lập nên HTX và bước vào con đường sản xuất minh bạch.
Nhóm nông dân Bình Quý cùng chung ý tưởng về làm nông nghiệp hữu cơ đã thành lập nên HTX và bước vào con đường sản xuất minh bạch.

Tại buổi chia sẻ kiến thức về HTX cho cán bộ quản lý HTX và tổ hợp tác, do UBND tỉnh phối hợp với Tổ chức Hỗ trợ phát triển Agriterra (Hà Lan) tổ chức mới đây, các chuyên gia nhận định, HTX nông nghiệp là kênh chính yếu giúp nông dân chuyên nghiệp hóa các khâu sản xuất, kinh doanh, đồng thời là tổ chức quan trọng góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Tại Quảng Nam, điều đó cũng đã được nhìn nhận nên thời gian qua, tỉnh triển khai nhiều chính sách hỗ trợ dành cho các HTX nông nghiệp, cũng như ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, để tận dụng tốt nhất những ưu đãi từ chính sách, các HTX phải chú trọng nâng cao năng lực cán bộ, xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu của HTX...

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ, việc liên tục ra đời các nghị định, chính sách ưu đãi dành cho nông dân và tổ chức hợp tác sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp đã cho thấy mức độ quan tâm của Nhà nước. Quảng Nam hiện có hơn 2.500 tổ hợp tác, 216 HTX, 1 liên hiệp HTX hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, y tế...; trong đó riêng nông nghiệp có 180 HTX và 1 liên hiệp HTX. Chỉ trong vòng 2 năm 2016 - 2017, Quảng Nam đã chi 8,4 tỷ đồng hỗ trợ 42 HTX; giải ngân 40 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cho 172 tổ hợp tác và HTX; hỗ trợ 1,6 tỷ đồng cho 20 sinh viên tốt nghiệp đại học về làm giám đốc, phó giám đốc tại các HTX.

Theo Ðề án phát triển 15 nghìn HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 đã ban hành, Quảng Nam hướng đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để có hơn 1.500 HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao chất lượng hoạt động của hơn 5.400 HTX nông nghiệp yếu, kém, thành lập mới và tạo điều kiện cho 5.200 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận từ ngành nông nghiệp, các HTX trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn hoạt động đơn lẻ, thiếu sự liên kết theo hệ thống. Trong khi đó, phạm vi hoạt động ngành nghề còn nhỏ hẹp, thiếu vốn, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, cộng với trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ HTX còn hạn chế, ngành nghề sản xuất kinh doanh còn ít, chủ yếu là các HTX nông nghiệp. Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) cho rằng, việc thiếu liên kết giữa các HTX cũng như giữa các tổ chức hợp tác trên cùng địa bàn là một trong những nguyên nhân dẫn đến HTX hoạt động không hiệu quả. Ngoài ra, sản xuất nhỏ lẻ và công nghệ lạc hậu là những yếu tố liên quan đến khối lượng, chất lượng hàng hóa. "Số lượng ít, chất lượng thấp và không đồng đều là rào cản lớn cho việc tiếp cận thị trường của các HTX nông nghiệp ở Quảng Nam. Chưa kể, các rào cản về thủ tục thương mại cũng là điều gây khó cho HTX" - ông Nguyễn Đức Thành nói.

Tổ chức Hỗ trợ phát triển Agriterra được UBND tỉnh lựa chọn để phối hợp xây dựng kế hoạch phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020. TS. Kees Blokland - Giám đốc điều hành quỹ Agriterra chia sẻ, ngay từ ban đầu, cần xác định nông dân là người sở hữu một doanh nghiệp trang trại. Cần phải phân biệt giữa một nông dân và một người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc người làm công trong nông nghiệp, người làm công nhận lương từ người nông dân. Cũng như vậy, HTX nông nghiệp là một loại hình doanh nghiệp được sở hữu bởi các nông dân. Họ cũng đồng thời sử dụng các dịch vụ của HTX. Do đó, HTX cần phải xác định và lựa chọn loại hình nông dân nào trở thành thành viên của HTX dựa trên các dịch vụ của HTX và nhu cầu kinh tế của các nông dân.

Điển hình từ HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Quý (huyện Thăng Bình), một nhóm hộ nông dân cùng chung nhu cầu và cách thức sản xuất, chọn cùng nhau phát triển từ một tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ, dần dần tiến đến mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, bắt đầu từ khâu chọn giống, công nghệ, phương thức sản xuất đến kinh doanh. Nhóm hợp tác gồm 12 thành viên và đã bắt đầu có sự chọn lọc thành viên tham gia tổ chức HTX này, dù quy mô sản xuất của họ đã mở rộng hơn trước rất nhiều. Điều này được TS. Kees Blokland đánh giá khá cao. Ông cho rằng, trong việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu, giảm mạnh việc sử dụng đất hoặc giảm đến mức thấp nhất hóa chất dùng cho đất là biểu thị sự đóng góp lớn nhất cho hệ sinh thái môi trường cũng như đến gần hơn với nền nông nghiệp thân thiện, là những cách thức để HTX phát triển bền vững.

XUÂN HIỀN

XUÂN HIỀN