Xuống giống rau quả vụ đông xuân

H.LIÊN - P.PHƯƠNG 29/11/2018 06:51

Để cung ứng rau quả vào dịp trước, trong Tết Kỷ Hợi - 2019, nhà nông vùng Bàu Tròn, Phước Yên (xã Đại An), một số nơi của xã Đại Nghĩa và các xã lân cận của huyện Đại Lộc đã xuống giống các loại rau, quả ở các nà bãi ven sông Quảng Huế, Vu Gia với diện tích hàng chục héc ta.

Nông dân Bàu Tròn chăm sóc vùng rau chuyên canh. Ảnh: H.L
Nông dân Bàu Tròn chăm sóc vùng rau chuyên canh. Ảnh: H.L

Hối hả xuống vụ

Nửa tháng trở lại đây, sau khi đã cày đất, phơi ải, bón lót phân vi sinh, vôi để cải tạo đất, bà con nông dân Bàu Tròn tất bật xuống giống rau quả vụ đông trên toàn bộ diện tích vùng chuyên canh. Bà Hồ Thị Tín cho biết, vụ này, bà xuống giống 3 sào khổ qua, dây khổ qua cũng đã bò choái, chỉ 1,5 tháng nữa là có sản phẩm để bán ra thị trường. “Làm nghề la ghim phải tranh thủ, thường thì rau quả vụ đông được giá nhất trong năm. Cỡ 1,5 tháng nữa là đã có hàng bán rồi, thu hoạch tới tận tết, chớ sau tết nông sản thường ít được giá, bởi ai cũng làm được. Như năm ngoái rau quả được giá lắm, chỉ hái bán mấy ngày tết là đã lấy lại tiền vốn rồi. Chỉ với 3 sào khổ qua, bà cũng kiếm được hơn 20 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng khó lường trước được thời tiết, nếu không thuận lợi, mất trắng 6 - 7 triệu đồng tiền giống trồng 3 sào khổ qua” - bà Tín nói. Cũng theo bà Tín, những năm gần đây, nhờ được tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn nên nhiều hộ đã hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học mà tăng cường sử dụng phân vi sinh, chế phẩm vi sinh để bón cho cây trồng, sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép để xử lý sâu bệnh. “Năm nay chưa thấy lũ nên nông dân cũng lo lắm, sợ chuột và côn trùng phá hoại cây trồng” - bà Tín chia sẻ.

Ông Phạm Thành xuống giống 5 sào dưa leo và mấy sào đậu, khổ qua cách đây nửa tháng. “Làm nông phải tranh thủ, nhưng khi đặt cây giống xuống thì cũng giao phó cho trời, một là được, hai là mất trắng. Chưa kể điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” tái diễn vì vụ này ai cũng tranh thủ xuống giống cây laghim, hộ ít thì vài sào, nhiều lên tới cả mẫu nên lo lắng đầu ra là khó tránh khỏi” - ông Thành nói. Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Hiệp tranh thủ xuống giống 5 sào dưa leo và khổ qua trái vụ, tới nay đã có trái để hái bán. Mỗi ký dưa leo thời điểm này có giá 5.000 đồng, khổ qua 5 - 7.000 đồng/kg. Bà Hiệp cho biết, sở dĩ giá cả nông sản thời điểm này rẻ là vì nông sản la ghim các nơi đưa về nhiều và do năm nay thuận trời, dễ sản xuất.

Giống ớt đầu vụ tăng cao

Ông Phan Thiện Tín, người dân thôn Phước Yên (xã Đại An) cho biết, gia đình ông đã xuống giống hơn 2 mẫu trồng đủ các loại cây la ghim và cây màu. Hiện tại, người dân ven sông đã xuống giống đến 2 phần diện tích. Nguồn giống cây màu chủ yếu lấy từ các đại lý trong vùng rồi về tự ươm, cấy vào trành, đưa ra trồng. Theo người dân Phước Yên, năm nay chưa có lũ nên côn trùng và chuột sinh sôi, gây hại nhiều. Sức tàn phá của lũ lụt gần đây cũng đáng sợ, nhưng sản xuất rau màu mà không có lũ thì nguy cơ côn trùng, chuột gây hại cho cây trồng rất lớn khiến chi phí sản xuất, lượng giống tăng cao. Ông Nguyễn Sáu - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Phước Yên cho biết, vùng trồng rau, màu của thôn chủ yếu vẫn là các cây chủ lực như đu đủ, khổ qua, dưa leo, ớt, bắp nếp ngọt, cũng chưa biết phải chuyển sang trồng cây gì nữa vì khâu định hướng cây trồng, khâu khảo nghiệm giống mới vào sản xuất còn hạn chế.

Vụ này, người dân trồng cây màu ở thôn Phước Yên và nhiều nơi khác vất vả xoay xở khi năm nào giống ớt cũng khan hiếm và tăng giá gấp đôi ngay từ đầu vụ. Theo ông Sáu, năm ngoái, giống ớt Ấn Độ 403 thời điểm đầu vụ cũng bất ngờ tăng giá chóng mặt, lại cháy hàng khiến nông dân đỏ mắt tìm mua khắp nơi. Năm nay, giống ớt Ấn Độ 403 không được chuộng do giống chủ yếu bán tươi, phơi khô không đẹp màu, thì giống ớt Ấn Độ 433 bán quả tươi lẫn quả khô đều được nên lại đắt và khan hiếm giống. Từ 100 nghìn đồng/bịch, giống ớt này tăng lên 240 - 250 nghìn đồng/bịch vẫn không có để mua. Đầu vụ, nông dân phải chạy đôn chạy đáo mua giống với giá cao gấp đôi để ươm giống cho kịp vụ, nhưng khi ươm xong thì giống bán đầy. Có hiện tượng đại lý găm giống để tăng giá. Ông Sáu cho rằng, trong sản xuất, khâu chọn giống quyết định hết 80% năng suất cây trồng, song bà con nông dân loay hoay trong việc chọn giống, nhiều giống mới do các công ty đưa về mà chưa có mô hình khảo nghiệm, đánh giá chất lượng giống; cũng không có đơn vị nào đứng ra khuyến cáo nông dân nên chọn giống gì nên việc chọn giống chủ yếu vẫn dựa vào cảm tính, kinh nghiệm là chính.

Ông Đỗ Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đại An chia sẻ, vụ đông xuân năm 2018 - 2019, trên nhóm cây thực phẩm, cây rau quả, UBND xã chỉ đạo cần tập trung gieo trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như ớt lai, dưa hấu, rau quả các loại… Vùng Bàu Tròn và vùng phụ cận rộng hơn 50ha trồng cây la ghim và nhiều loại cây thực phẩm cung ứng vào dịp Tết Nguyên đán. Địa phương cũng phối hợp triển khai các lớp tập huấn về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phòng trừ dịch hại, quản lý bảo vệ cây trồng, tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh bón cho cây trồng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, hướng dẫn thực hiện chương trình VietGAP trên cây rau tạo sản phẩm an toàn. HTX Nông nghiệp Đại An dự kiến thí điểm trồng rau quả VietGAP trên diện tích 1ha tại thôn Bàu Tròn để đánh giá thành công, nhân rộng ra vùng lân cận. Thời điểm này, tại vùng chuyên canh cây màu rộng lớn của xã Đại Nghĩa, nông dân đã hoàn thiện khâu làm đất, ươn giống, chuẩn bị xuống giống đồng loạt với các loại cây trồng chủ lực như ớt, bắp nếp ngọt, đậu phụng, đậu cô ve, dưa hấu, bí đỏ... Các vùng trồng cây la ghim ở Mỹ Thuận (Đại Nghĩa), Phước Yên (Đại An), Quảng Đại 2 (Đại Cường)... đã lên xanh, chờ cung ứng cho vụ đông và dịp tết.

H.LIÊN - P.PHƯƠNG

H.LIÊN - P.PHƯƠNG