Đưa OCOP vào đời sống

NHÃ PHƯƠNG 26/11/2018 03:03

Các cấp, các ngành của tỉnh đang tập trung mọi nỗ lực để triển khai đồng bộ nhiều khâu nhằm đưa Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP đi vào đời sống và triển khai hiệu quả.

Thời gian qua, ngành liên quan và chính quyền các địa phương tích cực hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ảnh: N.P
Thời gian qua, ngành liên quan và chính quyền các địa phương tích cực hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ảnh: N.P

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, thời gian qua các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh gấp rút triển khai nhiều phần việc. Theo đó, UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1599/QĐ-UBND (ngày 22.5.2018). Sau đó, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt phương án thí điểm triển khai thực hiện đề án tại Quyết định số 2290/QĐ-UBND (ngày 31.7.2018). Ngày 20.9.2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2834/QĐ-UBND quy định cụ thể nội dung, mức chi hỗ trợ chương trình OCOP trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2020. Ông Muộn nói: “Với sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của các cấp chính quyền và các ngành liên quan, Quảng Nam trở thành một trong số các tỉnh phê duyệt, triển khai sớm chương trình OCOP”.

Cũng theo ông Lê Muộn, từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2018 UBND tỉnh đã phân bổ cho các địa phương và ngành liên quan hơn 10,1 tỷ đồng để tổ chức thực hiện một số nội dung quan trọng của chương trình OCOP. Trong đó, số tiền hỗ trợ cho chính quyền 18 huyện, thị xã, thành phố gần 7,7 tỷ đồng. “Trong năm nay, các địa phương của tỉnh đã đăng ký xây dựng 35 sản phẩm OCOP. Theo dự kiến, cuối tháng 12.2018 sẽ tổ chức thi phân hạng và phấn đấu có ít nhất 20 sản phẩm đạt 3 sao để tham gia Hội chợ Xuân năm 2019” - ông Muộn cho hay.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, tập huấn về những vấn đề liên quan đến chương trình OCOP cũng được ngành chức năng và chính quyền các địa phương đặc biệt chú trọng. Ngoài việc tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chương trình OCOP, Sở NN&PTNT còn mở 2 lớp tập huấn các nội dung của chương trình với hơn 200 lượt người tham dự, trong đó chủ yếu là cán bộ chuyên trách cấp huyện, xã và chủ thể sản xuất những sản phẩm tham gia OCOP. Đồng thời phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề nhằm chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa các ban ngành, địa phương đối với việc phát triển, xúc tiến sản phẩm trong đề án OCOP tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2020. Các đơn vị liên quan của tỉnh cũng khẩn trương xây dựng trang web về chương trình và thiết lập logo OCOP Quảng Nam để đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ…

Từ tháng 5.2018 đến nay các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương và trung ương cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền về chương trình OCOP của Quảng Nam để cán bộ, nhân dân và các chủ thể sản xuất tích cực tham gia thực hiện. “UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ bổ sung về quản lý, điều hành chương trình cho Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh. Đồng thời thành lập các tiểu ban để giúp Ban chỉ đạo điều hành, chỉ đạo các nhiệm vụ có tính chất chuyên sâu như Tiểu ban phát triển sản phẩm và các hình thức tổ chức sản xuất, Tiểu ban xúc tiến thương mại, Tiểu ban vận động, tuyên truyền” - ông Muộn chia sẻ.

NHÃ PHƯƠNG

NHÃ PHƯƠNG