Kỹ thuật trồng và chăm sóc

HÀ QUANG 22/11/2018 07:04

Sở NN&PTNT đã ban hành Hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh.

Người dân trồng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My. Ảnh: H.Q
Người dân trồng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My. Ảnh: H.Q

Để đảm bảo phát triển sâm trồng bền vững, Sở NN&PTNT khuyến cáo phải tuân thủ hướng dẫn này và chỉ gây trồng dưới tán rừng được quyền sử dụng hợp pháp, trong vùng quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; nghiêm cấm việc gây trồng tại Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu rừng đặc dụng và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan trong sử dụng môi trường rừng.

Chăm sóc vườn sâm

Theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, năm đầu sau khi trồng sâm Ngọc Linh, người trồng cần thường xuyên theo dõi, trồng dặm lại những cây chết (dặm các cây cùng lứa tuổi). Hằng năm, thường xuyên phát dọn các dây leo, bụi rậm tái sinh và nhổ cỏ trong vườn trồng sâm; chỉ cần cắt, nhổ cỏ cục bộ những cây sát gốc sâm; không cắt, nhổ cỏ khi cỏ không ảnh hưởng đến cây sâm. Không làm cỏ trong mùa mưa, nhất là giai đoạn cây ngủ đông để hạn chế rửa trôi, xói mòn đất. Kết hợp với việc làm cỏ, bón bổ sung thêm mùn núi cho cây bằng cách phủ lên mặt đất gần gốc cây một lớp mùn dày khoảng 2cm, để giúp cây sinh trưởng tốt và cho năng suất cao. Có thể sử dụng các chế phẩm vi sinh ủ với lá mục, lá khô tại chỗ… để bón bổ sung cho cây. Những năm mưa ít trong các tháng mùa khô, đất trồng bị khô, cần tưới nước bổ sung để giúp cây sinh trưởng được thuận lợi. Dọn dẹp cành cây đổ gãy xuống vườn sâm; chăm sóc và khắc phục sớm những trường hợp cây bị tổn thương.

Phòng trừ dịch hại

Để phòng trừ dịch hại trên cây sâm Ngọc Linh hiệu quả, người trồng sâm phải áp dụng triệt để biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), chú trọng việc tạo điều kiện tốt nhất cho cây sâm sinh trưởng và phát triển. Cụ thể, chọn cây giống phải đạt tiêu chuẩn, khỏe, sạch sâu bệnh. Chọn đất tốt để trồng, đất có nhiều mùn, không bị úng nước, có độ tàn che từ 70% trở lên. Tăng cường các biện pháp canh tác như: vệ sinh vườn, thu gom, cách ly cây bệnh… để hạn chế các đối tượng dịch hại gây hại. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm các đối tượng dịch hại, xử lý kịp thời bằng các biện pháp thủ công như: cắt tỉa lá bị bệnh, nhổ bỏ và xử lý cây bệnh… Cần làm bẫy lồng, bẫy kẹp, dụng cụ xua đuổi… hoặc dùng ni lông, lưới để ngăn các động vật gây hại vườn sâm. Đối với những vườn giữ giống, nhân giống, vườn ươm khi có nguy cơ dịch hại nặng, có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học) theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để bảo vệ tối đa nguồn giống.

Trồng sâm đúng hướng dẫn kỹ thuật, trồng lan trên mặt đất tự nhiên (không lên luống) để tránh nước mưa tạo thành dòng chảy hay đất trong luống sâm quá ẩm ướt sau mưa nhằm hạn chế bệnh hại sau này, đặc biệt đối với bệnh do vi khuẩn gây hại. Ngoài ra, các đối tượng như chuột, chim và các động vật khác rất thích ăn quả sâm, vì vậy, khi cây ở giai đoạn kết quả, phải làm túi lưới bọc chùm quả. Túi lưới được gắn vào 1 que chắc chắn (que dài hay ngắn tùy thuộc độ cao của chùm quả), que được cắm chắc xuống đất. Ngoài tác dụng bảo vệ các đối tượng gây hại, cọc túi lưới có tác dụng giữ cho cây không bị gió, mưa lay đổ do chùm quả nặng.

HÀ QUANG

HÀ QUANG