Phát triển nông nghiệp hữu cơ

TRUNG LỘ 20/11/2018 07:30

Phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học đang là hướng đi mới bền vững cho ngành nông nghiệp Quảng Nam. Phương thức sản xuất mới này bước đầu mang lại thu nhập cao và tạo động lực phát triển kinh tế ở địa phương.

Làng rau hữu cơ Thanh Đông. Ảnh: T.LỘ
Làng rau hữu cơ Thanh Đông. Ảnh: T.LỘ

Nhiều mô hình hiệu quả

Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, chuyển hướng sang sản xuất NNHC là hướng đi tất yếu, không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho con người mà còn mang tính phát triển bền vững, tạo động lực trong phát triển kinh tế ở địa phương. Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi, hình thành các mô hình sản xuất rau hữu cơ, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngay từ đầu năm 2014, làng rau hữu cơ Thanh Đông (phường Cẩm Thanh, TP.Hội An) hình thành và được xem là mô hình điểm, khởi nguồn cho phát triển NNHC trên địa bàn thành phố. Khởi đầu từ 6.000m2 đất dành canh tác hữu cơ, đến nay làng rau hữu cơ Thanh Đông mở rộng lên khoảng 10.000m2 với 10 hộ tham gia sản xuất. Ông Nguyễn Văn Chức, người tham gia trồng rau hữu cơ làng Thanh Đông cho biết, canh tác rau hữu cơ phải trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học và không sử dụng sản phẩm biến đổi gen. Sử dụng hoàn toàn các loại phân hữu cơ từ trấu, thân cây, phân xanh và khoảng 25% phân động vật ủ nóng với quy trình nghiêm ngặt. Giá rau hữu cơ đắt hơn so với rau bình thường khoảng 30%, nhưng do nhu cầu sử dụng rau hữu cơ tăng cao, làng rau Thanh Đông chỉ cung ứng cho các đơn đặt hàng các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn thành phố.

Cùng với mô hình rau hữu cơ làng Thanh Đông, trong những năm gần đây, trên địa bàn Quảng Nam cũng đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế NNHC, nông nghiệp sạch, đã tạo ra những nông sản hữu cơ, sạch, an toàn và sản xuất theo chuỗi giá trị cung ứng rộng rãi trên thị trường. Đó là mô hình trang trại trồng rau sạch hữu cơ Trung Lương (Núi Thành) của Công ty TNHH Núi Thành Garden với diện tích 3ha; mô hình làng rau Mỹ Hưng của HTX Nông nghiệp Mỹ Hưng (Thăng Bình); mô hình rau sạch “Vườn nhiệt đới Kapi” ở phường Điện Ngọc (Điện Bàn) của Công ty TNHH Vườn nhiệt đới; mô hình trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ với diện tích lên đến 7ha ở thôn Tây Yên (xã Tam Đàn, Phú Ninh) của chàng trai trẻ Huỳnh Đức Tường… Các mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiềm năng thị trường nông sản hữu cơ lớn, tuy nhiên, để mở rộng diện tích và tăng sản lượng sản phẩm này còn gặp nhiều thách thức. Theo ông Lê Muộn, đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất NNHC do quy trình sản xuất khắt khe, phải có thời gian dài để cải tạo đất, chi phí sản xuất cao, thị trường vẫn chưa ổn định.

Còn nhiều rào cản

Trong bối cảnh thực phẩm “bẩn” đang bủa vây người tiêu dùng thì việc đẩy mạnh sản xuất NNHC được xem là một trong những giải pháp tối ưu để giải quyết căn cơ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, cái khó hiện nay chính là việc thay đổi nhận thức của người dân trong các chuyển đổi trồng trọt, canh tác được xem là một trong những rào cản hạn chế phát triển NNHC. Mô hình sản xuất này đòi hỏi quy trình sản xuất khắt khe, ràng buộc nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật và chi phí chuyển đổi, nguồn vốn đầu tư ban đầu lại quá cao... Do đó việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang sản xuất NNHC còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, việc phân biệt sản phẩm hữu cơ và sản phẩm nông nghiệp thông thường chưa rõ ràng, dẫn đến sự cạnh tranh, giải quyết đầu ra cho sản phẩm hữu cơ khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho người dân không mặn mà với mô hình NNHC.

Dù có nhiều tiềm năng và có thị trường tiêu thụ, nhưng sản xuất NNHC ở Quảng Nam hiện vẫn mang tính chất nhỏ lẻ và tự phát. Rào cản lớn nhất trong việc triển khai nhân rộng mô hình phát triển NNHC là cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất chưa cụ thể, rõ ràng; thiếu sự liên kết chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, cả nước vẫn chưa có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý chưa đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm NNHC. Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ và khuyến khích cho các cá nhân, doanh nghiệp, nhóm hộ sản xuất hữu cơ về đất đai, vốn tín dụng để đầu tư các cơ sở sản xuất, chế biến và ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cho phát triển NNHC…

TRUNG LỘ

TRUNG LỘ