Ứng phó khô hạn vụ đông xuân
Thời gian qua lượng mưa trên địa bàn tỉnh thấp hơn mức trung bình nhiều năm nên hiện nay nguồn nước của hàng loạt hồ chứa, đập dâng ở các địa phương rất ít và nguy cơ sẽ ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất nông nghiệp, trước mắt là vụ đông xuân 2018 - 2019 đã cận kề.
Các địa phương cần tích cực hỗ trợ nông dân chuyển những chân đất lúa bấp bênh nước tưới sang sản xuất cây trồng cạn. Ảnh: VĂN SỰ |
Nhiều khả năng khô hạn nặng
Các năm trước, vào thời điểm này hồ chứa Vĩnh Trinh (Duy Xuyên) đã tích đủ lượng nước phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp, thậm chí buộc phải xả tràn để đảm bảo an toàn công trình nhưng hiện nay nguồn nước trong hồ đang ở mức rất thấp. Bà Đoàn Thị Thôi ở thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) cho biết: “Mỗi vụ gia đình tôi sản xuất 5 sào lúa và hoa màu, tất cả diện tích đó đều phụ thuộc vào nguồn nước của hồ chứa Vĩnh Trinh. Nếu thời gian đến trời vẫn ít mưa thì nguy cơ xảy ra tình trạng khô hạn trong vụ đông xuân 2018 - 2019 là điều khó tránh khỏi”.
Theo ông Đoàn Công Vân - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Trinh, đông xuân 2018 - 2019 sắp tới, nông dân địa phương canh tác tổng cộng 185ha lúa, trong đó có hơn 90% diện tích phụ thuộc vào nguồn nước tưới của hồ chứa Vĩnh Trinh. Ông Vân nói: “Thời gian qua, lượng mưa ở đây rất ít nên đến giữa tháng 11.2018 hồ chứa này vẫn chưa tích đủ nước theo dung tích thiết kế. Điều này tất nhiên sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất nông nghiệp năm 2019, trước mắt là vụ đông xuân đã cận kề”. Qua khảo sát cho thấy, trên địa bàn huyện Duy Xuyên hiện có 8 hồ chứa, 40 đập dâng, 20 trạm bơm điện đảm nhận cung ứng nước tưới cho 3.650ha lúa và hàng nghìn héc ta cây trồng cạn các loại trong vụ đông xuân 2018 - 2019. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến khắc nghiệt khiến nhiều hồ, đập đang đối diện với nguy cơ cạn kiệt.
Hiện nay, mực nước của hồ chứa Suối Tiên (xã Quế Hiệp, Quế Sơn) thấp hơn cửa tràn khoảng 6m. Ảnh: VĂN SỰ |
Không riêng Duy Xuyên, rất nhiều địa phương khác của tỉnh cũng đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào hôm qua 19.11, ông Nguyễn Đình Hải - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, hiện nay đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác tổng cộng 17 hồ chứa thủy lợi có quy mô vừa và lớn, mỗi vụ đảm nhận cung ứng nước tưới cho 25.000ha cây trồng. Từ ngày 1.9 đến 31.10.2018, tổng lượng mưa tại các hồ chứa do công ty quản lý chỉ đạt khoảng 26 - 75% so với mức trung bình nhiều năm, trong đó thấp nhất là hồ chứa Vĩnh Trinh 26% và cao nhất là hồ chứa Đá Vách 75%. Đặc biệt, tại trạm đo mưa Xuân Bình ở đầu nguồn của hồ chứa nước Phú Ninh, thời gian qua lượng mưa chỉ đạt 15% so với cùng kỳ các năm trước. Theo ông Hải, qua kiểm tra cho thấy, trong tổng số 17 hồ chứa nước thuộc sự quản lý của công ty thì hiện chỉ có duy nhất hồ chứa Đá Vách ở huyện Tiên Phước đã tích đầy nước. Còn lại 16 hồ chứa đang thiếu hụt hơn 255 triệu mét khối nước so với dung tích hữu ích. Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, do hiện tượng En-So chuyển sang trạng thái El-Nino nên lượng mưa trong tháng 11 và 12.2018 được dự báo sẽ thấp hơn mức trung bình các năm trước 20 - 30%. Như vậy, đông xuân 2018 - 2019 nhiều khả năng những diện tích phụ thuộc vào nguồn nước tưới của các hồ chứa lớn như Đông Tiển, Việt An, Vĩnh Trinh… sẽ bị khô hạn nặng từ giữa đến cuối vụ. Đặc biệt, nếu thời gian đến thời tiết vẫn cứ diễn biến khắc nghiệt thì 25.000ha đất nông nghiệp thuộc khu tưới của công ty sẽ đứng trước nguy cơ không có nguồn nước để sản xuất vụ hè thu 2019.
Chủ động đối phó
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng loạt trạm bơm điện lấy nước trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn cũng đang đứng trước tình cảnh thiếu nước phục vụ sản xuất đông xuân 2018 - 2019. Bởi, hiện nay mực nước tại các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn rất thấp. Cụ thể, tại thủy điện A Vương mực nước đang thấp hơn mực nước dâng bình thường 40,76m, thủy điện Sông Bung 4 thấp hơn 13,62m, thủy điện Sông Tranh 2 thấp hơn 23,3m...(VĂN SỰ - PHI THÀNH) |
Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, để ứng phó với tình trạng nắng hạn, khan hiếm về nguồn nước tưới nhằm giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2018 - 2019, địa phương đã sớm xây dựng kế hoạch phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn với nhiều giải pháp mang tính khả thi cao. Ông Năm cho biết, trong vụ đông xuân 2018 - 2019 sắp tới, ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên và chính quyền các địa phương sẽ tập trung vận động nông dân chuyển đổi khoảng 200 - 300ha đất lúa thường bấp bênh nguồn nước tưới sang sản xuất các loại cây trồng cạn chủ lực như bắp lai, đậu phụng, mè, đậu xanh… Đồng thời khuyến cáo nhà nông sử dụng những loại giống trung và ngắn ngày để gieo sạ đại trà 3.650ha lúa. Mặt khác, ngay từ đầu vụ đông xuân, ngành nông nghiệp sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đắp đập ngăn mặn giữ ngọt tại khu vực cầu Đen và bố trí ít nhất 6 trạm bơm dã chiến ở các xã Duy Tân, Duy Hòa, Duy Thu để đảm bảo cung ứng nước tưới cho cây trồng. Đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc huy động nguồn lực phục vụ khâu chống hạn, nhiễm mặn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Hải - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam đề nghị chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp cần chú trọng việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên sản xuất các loại cây công nghiệp ngắn ngày có khả năng chịu hạn tốt để hạn chế sử dụng nước tưới, đặc biệt là đối với những chân ruộng thường khó tưới. Cần bố trí hợp lý lịch thời vụ sản xuất đông xuân 2018 - 2019 và cả năm, cơ cấu tăng cao tỷ lệ diện tích gieo sạ các loại giống lúa ngắn ngày, hạn chế tối đa và quản lý chặt chẽ việc gieo sạ những giống lúa bổ sung có thời gian sinh trưởng hơn 115 ngày. Ngoài ra, tổ chức phân vùng sản xuất tập trung một cách hợp lý nhằm thuận tiện trong việc cấp nước cho từng đợt tưới tiêu. Đồng thời thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước tưới như đắp bờ trữ nước mưa trên ruộng để làm đất, đắp bờ ngăn để tận dụng nước hồi quy, tưới ướt - khô xen kẽ kết hợp với lộ ruộng, phơi ruộng. Ông Hải nói thêm: “Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống hạn và xâm nhập mặn, ngay từ bây giờ chính quyền các địa phương cũng như những đơn vị liên quan cần tăng cường việc củng cố các tổ chức thủy lợi cơ sở và tập trung hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động phối hợp điều tiết tưới nội đồng. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với các nhà máy thủy điện ở phía thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn nhằm đảm bảo cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch đã đặt ra”.
VĂN SỰ - PHI THÀNH