Cây sâm bảy lá ở miền núi: Cần bảo tồn và phát triển
Cây sâm bảy lá một hoa (thất diệp nhất chi hoa) là loại sâm xuất hiện rải rác ở một số huyện Phước Sơn, Tây Giang và Nam Trà My... Trước tiềm năng lớn từ loại dược liệu này, cần có chủ trương di thực, ươm tạo giống hỗ trợ người dân trồng nhân rộng nhằm cải thiện sinh kế.
Người dân thôn 6, xã Phước Lộc, Phước Công trồng cây sâm bảy lá một hoa dưới tán rừng. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Giống sâm bảy lá một hoa
Đỉnh Ngọc Lum Heo ở vùng cao huyện Phước Sơn tồn tại một số loại sâm, dược liệu quý, trong đó, cây sâm bảy lá một hoa vốn phân bố rải rác ở rừng già, dễ trồng và cho hiệu quả kinh tế cao nên người dân thôn 5 và thôn 6 (xã Phước Lộc) đã di thực cây trong tự nhiên về trồng ở các vườn đồi, bìa rừng, nơi có độ ẩm cao, đất mùn, bóng râm, xem như “của để dành”. Ông Hồ Văn Yên (thôn 6, xã Phước Lộc) là một trong những người tiên phong di thực cây sâm bảy lá một hoa về trồng ở rẫy của gia đình từ năm 2009. Khi nhu cầu thị trường tăng cao, dược liệu tự nhiên dần cạn kiệt bởi sự săn lùng ráo riết của người dân. Ngoài bán củ, một số hộ còn chủ động di thực cây con về trồng để bảo tồn nguồn giống quý. Đến nay, thôn 6 có chừng chục hộ có trồng loại sâm này như ông Hồ Văn Hạnh, Hồ Văn Thước, Hồ Văn Quà... Hiện, thôn 5 và thôn 6 xã Phước Lộc ước tính có vài chục hộ trồng sâm bảy lá với diện tích phân bố dưới tán rừng ở 2 thôn chừng 1ha. Hộ trồng ít chừng vài chục gốc, hộ nhiều thì khoảng 200 - 300 gốc.
Hiện, khoảnh rừng của anh Hồ Văn Quà (thôn 6) có khoảng 300 gốc sâm bảy lá có độ tuổi từ 1 - 3 năm. Theo anh Quà, cây con giống được anh lấy từ rừng già, phải mất 1 - 2 ngày đi rừng mới có. Ngày nay do khai thác cạn kiệt, việc tìm củ sâm bán và tìm giống gây trồng ngày càng khó. Cây sâm 3 tuổi là có thể thu hoạch, nhưng để càng lâu càng có giá, nên nhiều người muốn giữ tại vườn giống gốc để nhân giống chứ không bán. “Mỗi ký củ sâm lớn có giá 700 ngàn đến 1 triệu đồng/kg sâm tươi, 3 - 4 triệu đồng/kg sâm phơi khô. Sâm càng to củ, giá trị càng cao, càng bán được nhiều tiền hơn. Giá trị của củ sâm cứ tính theo khấc, tức mắt sâm, tương ứng với tuổi sâm. Trước chỉ bán mỗi củ, nay họ mua luôn cả cây, cả lá để ngâm rượu” - anh Quà nói. Cũng theo người bản địa, cây sâm trưởng thành cứ mỗi năm nứt ra 1 chồi dưới gốc, từ chồi này sẽ hình thành một cây con. Ngoài ra, có thể nhân giống sâm bằng hạt, mỗi cây sâm tới tuổi cho 7 - 8 hạt/năm.
Cần nhân rộng
Sâm bảy lá có tên khoa học là Paris poluphylla Sm, thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae), là loài cỏ nhỏ, dạng khác biệt, sống lâu năm, thân rễ ngắn, dài chừng 5 - 15cm, đường kính 2.5 - 3.5cm rất nhiều đốt, khó bẻ, vết bẻ trông như có bột, màu vàng trắng hay xám vàng. Từ thân rễ nổi lên mặt đất một thân mọc thẳng đứng cao tới 1m. Giữa thân có một tầng lá mọc vòng gồm 3 đến 10 lá, nhưng thường là 7 lá, cuống lá dài 2.5 - 3cm, phiến lá hình mác rộng, dài 15 - 21cm, rộng 4 - 8cm, đầu phiến lá nhọn, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt dưới màu xanh nhạt, đôi khi có màu tím nhạt. Hoa mọc đơn độc ở đỉnh cành, cuống hoa dài 15 - 30cm. Quả mọng màu tím đen. Mùa hoa vào các tháng 10 - 11. Theo đông y, vị tảo hưu (thân rễ của cây bảy lá một hoa) có vị ngọt, hơi cay, tính bình không độc. Ngoài công dụng thanh nhiệt giải độc, chữa sốt và rắn độc, vị tảo hưu còn dùng chữa mụn nhọt, viêm tuyến vú, sốt rét, ho lao, ho lâu ngày, hen suyễn, dùng ngoài thì giã đắp lên những nơi sưng đau. Một số tài liệu còn cho rằng, sâm bảy lá còn có tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều loại vi khuẩn (trực khuẩn lỵ, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn coli, liên cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh...); kháng virut cúm; làm giảm mỡ máu... |
Thất diệp nhất chi hoa còn xuất hiện rải rác ở một số vùng của Tây Giang, Nam Trà My. Cụ thể như thôn Dầm 1 (xã Tr’Hy), một số vùng của xã Ch’Ơm. Theo ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang, cây sâm bảy lá một hoa chủ yếu phân bố ở các cánh rừng già, độ ẩm cao, đất nhiều mùn, gần nguồn nước, ven các con suối lớn. Ở thôn Dầm 1, ước tính diện tích có sâm dưới tán rừng chừng 1ha, một số mọc tự nhiên, một số được người dân di thực về trồng dưới tán rừng. “Mỗi cây sâm đến thời kỳ ra hoa (tháng 10), kết quả chỉ cho 7 - 8 hạt, nguồn giống rất khan hiếm nên giờ người dân không bán nữa mà giữ lại để nhân giống. Khu vực trồng sâm cũng phải bí mật, giấu kỹ. Nếu loài cây này được bảo tồn nguồn gen, nhân giống có thể giúp người dân thoát nghèo” - ông Ta chia sẻ.
Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, căn cứ vào kinh nghiệm dân gian, thất diệp nhất chi hoa có thể uống mát, chống độc, giải độc cơ thể, ngâm rượu uống được... Còn với bệnh ung thư, chỉ là lời đồn thổi để nâng giá sản phẩm. Rất cần những nghiên cứu giàu tính khoa học để làm sáng tỏ tính dược, công dụng của loài sâm này. Cũng theo ông Muộn, Sở NN&PTNT cũng đang tìm hiểu về giá trị của cây sâm bảy lá cùng với một số loài khác như chè dây, giảo cổ lam, lan kim tuyến, đinh lăng, cà gai leo để xem xét đưa vào loài cây trồng được hỗ trợ theo Nghị quyết 202/NQ-HĐND tỉnh (hiện chỉ mới hỗ trợ cho 3 cây là ba kích tím, đẳng sâm và sa nhân tím) và đối tượng được hỗ trợ là nông dân. Riêng với doanh nghiệp, loại cây do doanh nghiệp chọn và hỗ trợ theo cơ chế khác. Trong đó, cây đương quy và sâm bảy lá ở miền Bắc lại có giá bán thấp hơn nhiều so với miền Trung và Tây Nguyên nên vẫn phải tìm hiểu kỹ. Với quy mô nhỏ như hiện nay, Sở NN&PTNT khuyến khích, ai nhân giống, sở sẽ hướng dẫn thành lập hợp tác xã hoặc doanh nghiệp để được hỗ trợ theo Nghị định 65 của Chính phủ.
HOÀNG LIÊN