Thăng Bình nhân rộng "cánh đồng thông minh"

VIỆT NGUYỄN 12/10/2018 01:45

Từ thành công bước đầu của mô hình “cánh đồng thông minh” thích ứng với biến đổi khí hậu triển khai ở xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình đang nghiên cứu nhân rộng mô hình này ra toàn huyện.

Mô hình cánh đồng thông minh ở xã Bình Chánh. Ảnh: QUANG VIỆT
Mô hình cánh đồng thông minh ở xã Bình Chánh. Ảnh: QUANG VIỆT

Ưu điểm vượt trội

Từ nguồn vốn WB7, mô hình “cánh đồng thông minh” thích ứng với biến đổi khí hậu được Sở NN&PTNT triển khai trên 55ha ở cánh đồng mẫu lớn Đồng Mùn (thôn Mỹ Trà, xã Bình Chánh). Cách sản xuất là luân canh trồng lúa 1 vụ xen kẽ với 1 vụ canh tác hoa màu trên hệ thống canh tác đất lúa được bố trí hệ thống thủy lợi khoa học. Theo đó, ngành nông nghiệp đầu tư 23 tuyến kênh tưới có chiều dài 3.561m để cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất lúa. Đã có 17 tuyến kênh tiêu với chiều dài 4.987m để tiêu nước, tránh hoa màu ngập úng. “Trồng lúa dùng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tác động xấu đến môi trường. Thay vì trồng lúa 2 vụ nên trồng lúa 1 vụ và trồng hoa màu 1 vụ. Trồng hoa màu đem lại giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa nên lợi cả đôi đường” - ông Tống Viết Khôi - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết.

Triển khai từ năm 2016 đến nay, mô hình thu hút  117 hộ nông dân trên địa bàn thôn Mỹ Trà tham gia. Ông Nguyễn Tấn Thuấn - nông hộ canh tác 5 sào đất cho biết, được ngành chức năng tập huấn phổ biến các kiến thức mới, áp dụng phù hợp với “cánh đồng thông minh”, đem lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, từ lúc chuyển trồng lúa sang đậu phụng, giá trị kinh tế đem lại cao hơn gấp 2,5 lần. Trong khi đó, 1 vụ canh tác lúa với mô hình mới cũng hiệu quả gấp 1,5 lần so với trồng lúa nước truyền thống trước đây. “Trên cánh đồng mới, chúng tôi áp dụng cơ giới hóa đồng ruộng thay cho các công cụ thô sơ trước đây. Thói quen sản xuất nhỏ lẻ cũng dần thay đổi, canh tác lúa và hoa màu bài bản hơn” - ông Thuấn nói. Theo ông Hồ Chí Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, thông qua mô hình, người nông dân trên địa bàn đã được hỗ trợ 5 máy lên luống trong canh tác đậu phụng, 25 công cụ sạ hàng lúa, 20 công cụ tỉa hạt đậu phụng, 1 máy tuốt đậu phụng. “Từ khi canh tác với cánh đồng mới đã giúp giảm hao hụt giống cây trồng, ít sâu bệnh, ít dùng phân bón và dần thay phân hóa học bằng phân hữu cơ. Người nông dân ngày một làm quen, thích ứng, hài hòa với hệ sinh thái xung quanh” - ông Dũng nói.

Cần nhân rộng

Huyện Thăng Bình ưu tiên tập trung các nguồn lực để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở các xã vùng tây, trong đó có xã Bình Chánh. Theo đó, từng bước chuyển đổi các diện tích canh tác lúa thiếu hiệu quả sang thâm canh cây trồng cạn, hoa màu. Cái khó là thiếu nước tưới nghiêm trọng. Bởi vậy, áp dụng mô hình “cánh đồng thông minh” sẽ tích tụ, tập trung ruộng đất, cải tạo lại hệ thống thủy lợi, áp dụng phương pháp canh tác mới tiến bộ, kỳ vọng nâng cao hiệu quả sản xuất thu được. Theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, thành công lớn nhất của mô hình “cánh đồng thông minh” là dần thay đổi tập quán sản xuất manh mún của nông dân. Trước đây, khi làm ruộng, nông họ chỉ chăm chú làm sao cho sản lượng, năng suất vượt trội, nay họ còn ý thức được nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Ngoài ra, từ khi áp dụng các thành tựu kỹ thuật mới, người dân năng động hẳn, tự tổ chức quá trình sản xuất của mình chặt chẽ hơn. Vì thế, sẽ huy động các nguồn lực, kêu gọi đầu tư để nhân rộng mô hình này khắp toàn xã trong thời gian đến.

Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Thăng Bình, đoàn công tác của HĐND tỉnh gợi ý địa phương nên nhân rộng mô hình “cánh đồng thông minh” vì phù hợp xu thế phát triển mới, năng động, hiệu quả. Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho rằng, huyện đang nỗ lực tìm hướng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp vì sở hữu lực lượng lao động ở nông thôn dồi dào và có diện tích canh tác nông nghiệp lớn của tỉnh. Theo UBND huyện Thăng Bình, để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chuyển diện tích lúa sang cây trồng khác, ngành nông nghiệp tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống cây trồng mới để nâng cao năng suất, sản lượng. Huyện tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nhân rộng những mô hình thâm canh, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao, ứng phó với biến đổi khí hậu. Huyện Thăng Bình mong HĐND tỉnh thông qua một số dự án đầu tư hạ tầng nông nghiệp như kênh mương, hồ đập, cân đối nước tưới, tiêu để hỗ trợ địa phương tích tụ, tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN