Bất cập quản lý các công trình thủy lợi
Mùa mưa bão đang đến nhưng hàng loạt chồ chứa nước, đập dâng, trạm bơm, kênh mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh hư hỏng, không đảm bảo an toàn, trong khi đó công tác quản lý, vận hành đã cho thấy nhiều bất cập.
Nông dân huyện Thăng Bình tự tìm nguồn nước tưới cho cây trồng cạn khi không được cung cấp từ thủy lợi. Ảnh: QUANG VIỆT |
Đáng lo ngại
Các công trình thủy lợi được đầu tư hơn 30 năm qua trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp thấy rõ. Nhiều hồ chứa nước có thể xảy ra sự cố do mất an toàn đập như Cao Ngạn, Phước Hà (huyện Thăng Bình), Trung Lộc, Hương Mao, Hố Giang, Cây Thông (Núi Thành). Hệ thống kênh mương phần lớn là kênh đất nên ngày càng sạt lở sau mỗi mùa mưa lũ. Ông Huỳnh Hoàng - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, việc sửa chữa các công trình thủy lợi từ nguồn vốn khấu hao cơ bản và chi phí sản xuất mang tính tạm thời, chắp vá, phục vụ được vụ mùa sản xuất nào hay vụ đó. Nhiều công trình đang hư hỏng nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa do doanh thu hằng năm chủ yếu chỉ là thủy lợi phí không thể bù đắp chi phí. Riêng hồ chứa nước Rôn (Bắc Trà My) bị hư hỏng nặng do không được quản lý chặt chẽ trong mùa mưa lũ năm 2017 đang được dồn sức sửa chữa để hạn chế đe dọa trong mùa mưa lũ đang đến. Ngay cả công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh ở huyện Phú Ninh cũng không đảm bảo an toàn, có nguy cơ xảy ra sự cố do đập phụ Tư Yên yếu.
Ông Nguyễn Đình Hải - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, bằng nguồn kinh phí từ các dự án vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), ngân sách của tỉnh và nguồn thu dịch vụ, công ty đã từng bước đầu tư nâng cấp một số tuyến kênh loại I, loại II còn kênh loại III mới chỉ kiên cố được 187,6/250km. Hơn 62km kênh đất này qua quá trình sử dụng lâu nay đã hư hỏng nặng, không đảm bảo tưới, tiêu nước cả mùa nắng nóng lẫn mùa mưa bão. Đầu tư thủy lợi từ các dự án có nguồn vốn của trung ương đến nay đã xuất hiện bất cập. Chi phí cho hệ thống tự động hóa một phần trong quản lý, vận hành thủy lợi rất cao nhưng đem lại hiệu quả thấp, lại thường xuyên hư hỏng, không chính xác với thực tế. Ông Hải cho rằng, các công trình thủy lợi chưa phát huy năng lực cấp, thoát nước cho cả sản xuất nông nghiệp lẫn phục vụ sinh hoạt. Riêng hệ thống tự động hóa sẽ cân nhắc đầu tư cho phù hợp với khả năng ứng dụng.
Cần kiện toàn quản lý
Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho rằng, cái khó rất lớn trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện là vấn đề thủy lợi. Địa phương đã chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa nước không hiệu quả sang canh tác cây trồng cạn nhưng lại thiếu nước tưới trầm trọng. “Thời gian gần đây, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam chỉ bố trí nước tưới cho cây lúa theo lịch còn các loại hoa màu, cây trồng cạn thì ngưng nên nông dân gặp khó, phải đào giếng xử lý tình huống nhưng thất bại. Rất mong ngành chức năng cung cấp đủ nước tưới để vụ mùa không thất bát” - ông Khiết nói. Về điều này, ông Nguyễn Đình Hải cho rằng, chỉ có thể cung cấp nước tưới cho sản xuất lúa trong phạm vi từ 50ha trở lên còn cây trồng cạn được canh tác trên phạm vi nhỏ lẻ nên cần phải tích tụ, tập trung ruộng đất, sản xuất hàng hóa theo vùng chuyên canh lớn thì mới có thể bố trí nước để tiết kiệm. Ông Hải cho biết thêm, do kinh phí hạn hẹp nên không thể tự đầu tư nâng cấp 62,4km kênh loại III trong thời gian đến. Đồng thời đề xuất HĐND tỉnh xem xét sửa đổi Nghị quyết 205/2016/NQ-HĐND giúp công ty tiếp cận cơ chế, huy động 211 tỷ đồng đầu tư các công trình thủy lợi trong thời gian đến; gồm đầu mối các hồ chứa nước, đập dâng là 54 tỷ đồng và hệ thống thủy lợi An Trạch (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) cùng các kênh mương loại III là 157 tỷ đồng.
Ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, qua khảo sát đã nhận thấy rất nhiều bất cập trong quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Không thể chấp nhận tình trạng muốn dẫn nước đến cuối kênh thì đầu kênh tràn ngập nước ra bên ngoài, quá lãng phí trong khi nhiều địa phương thiếu nước. Bởi vậy, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam phải xem lại cách vận hành, năng lực sắp xếp, phân phối nước cho hợp lý, khoa học. Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam nâng cao năng lực tổ chức, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nhanh chóng kiện toàn lại hệ thống quản lý, huy động các nguồn lực, sức dân để sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, ổn định cung cấp nước tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, có giải pháp an toàn hồ, đập, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra trong mùa mưa bão đang đến.
VIỆT NGUYỄN