Nỗi niềm nghề trồng quật cảnh

VĨNH LỘC 11/10/2018 02:05

“Trồng quật phải có phân, thuốc quả mới đạt. Biết là độc hại nhưng không làm không được. Rồi thời tiết mưa gió, giá cả đầu ra, cả năm cứ nhấp nhỏm. Khổ, nhưng không trồng quật thì biết làm gì” - ông Võ Văn Đội tâm sự. Đó cũng là nỗi niềm chung của những người trồng quật cảnh tại TP.Hội An.

Trồng quật ở xã Cẩm Hà, Hội An. Ảnh: V.L
Trồng quật ở xã Cẩm Hà, Hội An. Ảnh: V.L

Nghề bấp bênh

Gần 20 năm trồng quật, ông Võ Văn Đội ở thôn Bầu Ốc Thượng, xã Cẩm Hà, hiểu được sự vất vả của nghề. Từ tháng 11 âm lịch năm trước, khi những chậu quật cảnh tết chuẩn bị xuất vườn cũng là lúc người nông dân tất bật bứng quật vào chậu chuẩn bị cho mùa tết năm sau. “Nghề này làm quanh năm, cả ngày lui cui ngoài vườn, không cắt tỉa thì vô phân, bơm thuốc, giữ trái, giữ cây. Cả ngày bám cây quật nhưng cũng không yên tâm vì phải lo sâu bệnh, nấm mốc, rồi thời tiết mưa bão…” - ông Đội tâm sự. Dù vậy, không phải năm nào cây trái cũng như ý. Bình quân mỗi năm nhà ông Đội trồng khoảng 600 chậu quật tết, nếu được giá trừ chi phí cũng kiếm được 100 triệu đồng, chia đều cho cả nhà thì cũng không bao nhiêu, xem như bỏ công làm lời.

Xã Cẩm Hà có hơn 500/1.600 hộ dân thuộc 6/7 thôn làm nghề trồng hoa, quật cảnh (trừ Trà Quế). Từ lâu nơi đây đã được ví như “vựa” hoa, quật cảnh của Quảng Nam, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn chậu quật. Riêng năm 2017, có hơn 65 nghìn chậu quật cảnh các loại ở đây được bán ra thị trường, tổng doanh thu khoảng 37,5 tỷ đồng. Những ngày này về Cẩm Hà qua các vườn quật đều bắt gặp không khí tất bật; chỗ đúc chậu, bón phân, người tỉa cành tỉa trái. Ông Nguyễn Trúc ở thôn Bầu Ốc Thượng chia sẻ, nghề trồng quật vui buồn lẫn lộn, dù có năm được giá, có năm mất mùa nhưng cái khổ, cái lo vẫn luôn hiện hữu. “Nói khó khăn thì lúc nào cũng có, lo từ giống thoái hóa đến thời tiết, sâu bệnh… Như năm nay, nhiều vườn cây xuất hiện rễ củ vón cục (rể đậu), nứt ra là thúi. Xã có hướng dẫn nhưng cũng sơ sài, cuối cùng bà con phải tự mày mò mua thuốc, nhưng bệnh không hết” - ông Trúc nói.

Vườn nhà ông Trúc trồng khoảng 500 chậu quật, chi phí phân thuốc mỗi năm tốn chừng 70 - 80 triệu đồng, chủ yếu thuốc rầy, nấm, tăng trưởng. Một số giai đoạn chính cần bơm thuốc là khi chồi mới nứt; khi cây có hoa có trái, bơm thuốc để giữ không cho sâu rầy chích. Tiếp đến, sẽ bơm tùy thời điểm để nuôi quả, giữ quả. “Khi rễ quật lên không nổi thì mình phải bơm thuốc vô nuôi lá để từ lá nuôi xuống lại thân rễ. Sử dụng thuốc nhiều cũng sợ nhiễm độc nhưng không thể không làm. Với lại, cũng chẳng có ai cảnh báo nên cứ làm vì loại quật phải có thuốc mới phát triển được” - ông Trúc cho biết thêm.

Độc hại quanh nhà

Hầu hết người dân Cẩm Hà trồng quật theo kinh nghiệm, thông thường cây trồng ngoài đất vài năm mới vô chậu, nên việc dùng thuốc dưỡng thân, kích thích trái quật là bắt buộc. Ông Nguyễn Văn Bê - thôn Bầu Ốc Thượng phân trần: “Nói lời hơn trăm triệu nhưng cực nhọc vô cùng. Có năm gần lấy tiền rồi thì mưa bão tới gây hư hại, xem như công cốc. Nói chung làm gì cũng thua người bán thuốc, có bình vài trăm nghìn, có khi lên đến một triệu đồng, họ nói bao nhiêu đưa bấy nhiêu, mua chỗ lạ thì sợ thuốc giả. Cũng biết thuốc có độc nhưng ảnh hưởng thế nào sao mình biết” - ông Bê nói. Thống kê cho thấy, tiền thuốc chiếm khoảng 15% trong tổng chi phí một mùa, chưa kể giống, phân và tiền thuê nhân công chăm sóc.

Thật ra, rất khó thống kê mỗi năm người dân Cẩm Hà sử dụng bao nhiêu thuốc hóa học vào chăm sóc quật. Bất cứ khi nào thấy cây bị hư hại hoặc cần kích thích thì người dân bơm thuốc, không theo quy định liều lượng nào, tùy từng vườn và kinh nghiệm mỗi nhà. Theo ông Mai Kim Phương - Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, trong số diện tích 613ha đất tự nhiên của xã thì diện tích trồng quật chiếm khoảng 220ha, phần lớn xen kẽ trong khu dân cư, do đó ô nhiễm môi trường xung quanh do việc sử dụng thuốc trừ sâu là không tránh khỏi. “Địa phương cũng chỉ vận động người dân hạn chế bơm thuốc, bơm những giờ ít có người ở nhà hoặc giãn liều lượng ra, còn đánh giá tác động thì chưa có cơ quan nào làm, riêng tỷ lệ bệnh tật thì xã cũng không thể thống kê được” - ông Phương thừa nhận.

Ông Lê Đình Tường - Phó Trưởng phòng Kinh tế Hội An nói, dù chưa có khảo sát, điều tra khoa học nào về môi trường và những tác động của việc sử dụng thuốc hóa học nhưng chắc chắn có ảnh hưởng. Phòng Kinh tế thành phố cũng chỉ khuyến cáo người dân nên sử dụng loại thuốc nằm trong danh mục cho phép của ngành bảo vệ thực vật, đặc biệt là các loại thuốc, phân bón vi sinh. Nhưng hiện nay trên thị trường các loại thuốc, phân vi sinh còn ít, giá lại cao, chất lượng cũng chưa được đánh giá; trong khi đó phòng trừ sâu bệnh là điều cần phải làm ngay nên nhiều hộ vẫn sử dụng thuốc hóa học.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC