Giúp nếp bầu Tam Mỹ thành sản phẩm OCOP
Nhóm kỹ sư nông nghiệp huyện Núi Thành thực hiện đề tài bảo tồn và phát triển giống nếp bầu Tam Mỹ với kỳ vọng đưa giống nếp này trở thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020).
Để tài nếp bầu Tam Mỹ tại thôn Trà Tây, xã Tam Mỹ Đông. Ảnh: VĂN PHIN |
Khôi phục giống nếp xưa
Nếp bầu Tam Mỹ là đặc sản nổi tiếng từ xưa của huyện Núi Thành. Tuy nhiên, tập quán canh tác thiếu khoa học, cùng với sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học của người dân ở Tam Mỹ đã tác động tiêu cực đến giống nếp này. Giống nếp bầu dần mất sức đề kháng, tỷ lệ nếp lẫn tạp tăng, đặc biệt là năng suất và chất lượng nếp bầu giảm sút mạnh. Nhận diện được thực trạng đó, với mục tiêu nhân giống nếp bầu Tam Mỹ nhằm bảo tồn và phát triển, tạo thương hiệu, liên kết chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho người dân, nhóm kỹ sư nông nghiệp Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành do ông Bùi Văn Gát và Trần Văn A phụ trách đã thực hiện đề tài khoa học “Xây dựng mô hình nhân giống phục vụ bảo tồn và phát triển nếp bầu Tam Mỹ”. Đề tài được thực hiện trong 2 năm (2017 - 2018). Riêng vụ hè thu 2018, đề tài này được triển khai trên diện tích 10ha tại thôn Trà Tây (xã Tam Mỹ Đông) và thôn Trung Chánh (xã Tam Mỹ Tây). Đồng thời nhân rộng thêm 59ha tại xã Tam Thạnh, Tam Hiệp, Tam Mỹ Tây và Tam Mỹ Đông.
Kết quả đạt được khá khả quan, năng suất nếp bầu bình quân đạt 38 tạ/ha. Chỉ tính giá bán bình quân 16.000 đồng/kg, sản xuất nếp bầu theo đề tài nghiên cứu trên lợi nhuận tăng từ 21 - 22 triệu đồng/ha so với cấy lúa thông thường trên cùng diện tích. Ông Ngô Bảng (nông dân thôn Trà Tây, xã Tam Mỹ Đông) tham gia đề tài chia sẻ: “Chúng tôi được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện hướng dẫn tận tình cách chọn giống, bắc mạ, cấy và các quy trình bón phân, chăm sóc. Qua thực tế sản xuất, lượng phân bón, thuốc trừ sâu được giảm đi nhiều nhưng năng suất lại tăng và chất lượng nếp thơm ngon… Cũng nhờ tham gia đề tài này mà sau vụ mùa, chúng tôi có được lượng giống tốt cho sản xuất các vụ sau”.
Nâng tầm sản phẩm lên OCOP
Qua đánh giá thực tế của Hội đồng Khoa học - kỹ thuật huyện Núi Thành, đề tài “Xây dựng mô hình nhân giống phục vụ bảo tồn và phát triển nếp bầu Tam Mỹ” đã tạo ra nguồn giống nếp bầu Tam Mỹ tại chỗ có chất lượng tốt, giảm chi phí vận chuyển, giá thành hạ, năng suất cao hơn 6 - 7 tạ/ha so với phương pháp sản xuất truyền thống. Bên cạnh đó, chất lượng nếp lại thơm ngon hơn hẳn so với loại nếp bà con vẫn canh tác theo lối truyền thống. Từ đề tài, lượng giống nếp bầu Tam Mỹ thu về được hơn 38 tấn đủ để sản xuất từ 150 - 200ha cho vụ sau. Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Trần Văn A cho hay, hiện lượng giống chất lượng tốt đủ cung ứng cho bà con các địa phương khác trong huyện. “Ruộng nếp thực hiện theo đề tài có năng suất tăng, có độ đồng đều về hạt và ít sâu bệnh hơn. Đặc biệt là chất lượng nếp được khôi phục thơm ngon. Chúng tôi cũng đã tập huấn, hướng dẫn làm thay đổi tập quán sản xuất nếp truyền thống của nông dân, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng dịch hại giảm đáng kể, góp phần làm cho môi trường đồng ruộng cải thiện tốt hơn”.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, huyện đang tích cực triển khai thực hiện thí điểm các sản phẩm đặc trưng OCOP của địa phương. Bước đầu, huyện chọn 6 sản phẩm đại diện các vùng miền để phát triển sản phẩm gồm: “Nước mắm Tam Tiến”, “Dầu mè Việt”; “Rau câu chỉ vàng”; “Nếp bầu Tam Mỹ”, “Nước mắm An Hòa” và “Rượu gạo Bàn Than”. Thành công của đề tài “Xây dựng mô hình nhân giống phục vụ bảo tồn và phát triển nếp bầu Tam Mỹ” đã góp phần tạo thuận lợi cho huyện chọn đặc sản nếp bầu Tam Mỹ là sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2020. “Hiện đề tài nhân giống, bảo tồn và phát triển nếp bầu Tam Mỹ giúp chúng tôi có điều kiện hơn trong việc sản xuất nếp bầu Tam Mỹ, tiến tới hình thành một sản phẩm OCOP của địa phương Núi Thành. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục kêu gọi bà con đầu tư sản xuất nếp bầu, hỗ trợ cho xã Tam Mỹ Tây máy đóng gói và các điều kiện khác, tạo thương hiệu nếp bầu Tam Mỹ và đã đưa ra thị trường tiêu thụ” - ông Nguyễn Văn Thịnh nói.
VĂN PHIN