Tạo đà phát triển nông nghiệp Thăng Bình
Đoàn giám sát HĐND tỉnh vừa làm việc với UBND huyện Thăng Bình, gợi mở hướng đầu tư kết cấu hạ tầng, khơi thông phát triển nông nghiệp trên địa bàn trong thời gian đến.
Cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở huyện Thăng Bình. Ảnh: QUANG VIỆT |
Theo báo cáo của UBND huyện Thăng Bình, giai đoạn 2015 - 2018 địa phương huy động các nguồn lực, đóng góp của nhân dân, đầu tư 339,912 tỷ đồng xây dựng các công trình hạ tầng, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài hệ thống thủy lợi chính, địa phương đầu tư thêm 13 trạm bơm điện, 26 đập dâng, 14 ao gom nước nhỉ, hơn 200 kênh mương, nhiều công trình khoan giếng chống hạn, phục vụ nước tưới cho hơn 90% diện tích canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở huyện còn hạn chế; trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phân bổ vốn, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư còn kéo dài, giải ngân vốn hàng năm chậm..., vì thế nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại chỉ mới đáp ứng một phần. Ông Hồng Quốc Cường - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, công tác quy hoạch ở các lĩnh vực của ngành nông nghiệp huyện chưa được kết nối nên không đồng bộ, nhất quán. Quá trình tích tụ ruộng đất chưa hoàn thành nên diện tích sản xuất bị chia nhỏ khiến cho đầu tư kết cấu hạ tầng cũng như ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật gặp khó.
Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nói, thực trạng đầu tư kết cấu hạ tầng đã cho thấy ngành nông nghiệp của huyện Thăng Bình chậm phát triển, lạc hậu. Vì thế cần phải thay đổi chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao cho phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0. Phương thức sản xuất phải tiến bộ mới có thể áp dụng thành tựu khoa học nổi bật, giảm tác động của biến đổi khí hậu, hạn chế sạt lở, hư hỏng các công trình hạ tầng, qua đó, giảm chi phí sửa chữa hoặc đầu tư mới. Huyện cần cải thiện công tác thanh tra, kiểm tra các dự án hạ tầng thường xuyên hơn và nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ công trình hạ tầng sau đầu tư. Còn ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh lại đặt vấn đề: Địa phương khó thu hút đầu tư có liên quan gì đến cơ chế hay định hướng của tỉnh làm ảnh hưởng không? Quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp và quy hoạch của địa phương có xung đột thế nào mà thiếu kết nối, rời rạc, chồng chéo? “Mô hình cánh đồng thông minh đang được đầu tư ở huyện, phát triển như thế nào thì cần phải đánh giá rõ để phát huy các thế mạnh, khắc phục các hạn chế, qua đó nhân rộng cho phù hợp với các kế hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp trong thời gian đến” - ông Phương nói.
Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thăng Bình cho biết, nông nghiệp công nghệ cao hiện vẫn còn mới mẻ nên địa phương đã tổ chức đi khảo sát ở một số nơi cũng như tìm giải pháp khả thi để thu hút đầu tư của doanh nghiệp. Dồn điền đổi thửa, tập trung ruộng đất đang được khẩn trương triển khai ở nhiều xã, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp hàng hóa trong thời gian đến. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng bước đầu hiệu quả nhưng gặp khó do thiếu nước tưới ở khu vực phía tây của huyện; nước tưới từ kênh Phú Ninh chủ yếu cung cấp canh tác lúa còn hoa màu và các loại cây trồng cạn khác vẫn thiếu nước. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn đang dần định hình, cần được tiếp sức từ tỉnh, hỗ trợ của trung ương. “Huyện Thăng Bình mong tỉnh xem xét thống nhất kết nối những quy hoạch ngành nông nghiệp thành một quy hoạch phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu. Địa phương cần tỉnh hỗ trợ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu như hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở 2 xã Bình Giang và Bình Dương, dự án hạ tầng phát triển chăn nuôi ở vùng tây và một số công trình hạ tầng phục vụ phát triển nuôi tôm, hậu cần cho nghề cá, liên kết sản xuất lúa” - ông Vỹ nói.
Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh nhìn nhận, Thăng Bình hội tụ nhiều vấn đề để HĐND tỉnh giám sát chuyên đề về đầu tư hạ tầng, qua đó khơi thông phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, nông nghiệp công nghệ cao. Các kiến nghị của huyện, HĐND tỉnh tiếp thu làm cơ sở để từng bước giải quyết những bất cập, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tạo bước đột phá trong thời gian đến. Theo ông Đức, trước mắt huyện Thăng Bình nên rà soát các quy hoạch liên quan đến sản xuất nông nghiệp để đầu tư những công trình hạ tầng cấp thiết. Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều quyết định, chỉ thị, nghị quyết để thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp, huyện cần triển khai nhất quán, đồng bộ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn.
VIỆT NGUYỄN