Đề án phát triển kinh tế vườn huyện Hiệp Đức: Cần chỉnh sửa phù hợp với thực tiễn

PHAN VINH 01/10/2018 07:24

Năm 2016, UBND huyện Hiệp Đức ban hành Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020 nhằm hỗ trợ về cây giống, chi phí đầu tư cơ sở vật chất cho nông dân theo Quyết định số 706/QĐ-UBND huyện (gọi tắt là Đề án 706). Tuy nhiên, để nông dân tiếp cận với đề án này vẫn còn số bất cập cần thay đổi.

 Vườn nhà ông Sơn đã hoàn thành các thủ tục và đang chờ nhận hỗ trợ. Ảnh: P.VINH
Vườn nhà ông Sơn đã hoàn thành các thủ tục và đang chờ nhận hỗ trợ. Ảnh: P.VINH

Bất cập

Trước đây, khu vườn rộng hơn 500m2 của ông Trần Văn Sơn (thôn Nam An Sơn, xã Quế Thọ) trồng sắn và xen canh rau. Dù có thu nhập nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp. Năm 2017, ông được địa phương khuyến khích tham gia Đề án 706 để cải tạo vườn và phát triển kinh tế với mô hình cây ăn trái. Ông mua 40 gốc bưởi về trồng và xây dựng hệ thống bơm nước và bể chứa với chi phí hơn 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi thực hiện rất nhiều thủ tục, đến nay, ông Sơn vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ từ Đề án 706. “Trước khi tham gia, tôi đã làm phương án xây dựng mô hình. Khi mua cây giống và lắp đặt hệ thống bơm nước tôi cũng phải mua hóa đơn đỏ hết thêm 10% chi phí. Bây giờ mọi thủ tục đã hoàn thành, gia đình chúng tôi mong muốn sớm nhận được hỗ trợ 50% chi phí xây dựng hạ tầng và 100% chi phí cây giống như đề án đã đưa ra” - ông Sơn nói.

Ông Đặng Ngọc Tài - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quế Thọ cho biết, việc triển khai Đề án 706 để phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại là rất cần thiết. Xã Quế Thọ có 9 hồ sơ đang làm thủ tục và gặp các khó khăn như làm phương án xây dựng, thiếu hóa đơn đỏ khi mua các cây giống, vật liệu xây dựng ở những đại lý nhỏ, lẻ. “Nhu cầu tham gia Đề án 706 của nhân dân rất lớn, nhưng hiện vẫn còn một số khó khăn khiến các hộ dân chưa thật sự mặn mà. Nếu cơ chế mở hơn, địa phương sẽ còn ít nhất 40 hộ tham gia đề án” - ông Tài nói. Còn ông Lê Văn Hường - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trà cho biết, dù các hộ dân đã được hướng dẫn rất kỹ về cách làm phương án mô hình nhưng đến khi thực hiện thì lại không được. Đồng thời đặc thù vùng núi có thể trồng một số loại cây cho hiệu quả kinh tế nhưng lại không nằm trong danh sách cây được đề án quy định cũng là một trở ngại lớn làm hạn chế số lượng hộ dân tham gia đề án.

Sẽ chỉnh sửa

Theo ông Huỳnh Đức Viên - Trường phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức, qua 3 năm triển khai, Đề án 706 đã đi vào thực tế và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tổng số vườn đăng ký tham gia đề án là hơn 300 vườn, trang trại. Đơn vị đã đánh giá, nghiệm thu 170 vườn, 4 trang trại với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng. Việc tham gia đề án đã giúp thay đổi tư duy canh tác của người dân, từ sản xuất theo hình thức quảng canh, đến nay, vườn đã được lắp đặt hệ thống tưới tự động, chăm sóc tốt hơn cho cây trồng. Đặc biệt, việc thành lập các vườn cây ăn trái quy mô nhanh chóng được các thương lái quan tâm và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Cũng theo ông Viên, hiện tại, Đề án 706 vẫn còn một số vấn đề mà người dân cho rằng khó khăn. Theo quy định về thủ tục thanh quyết toán, người dân phải xây dựng phương án về dự kiến diện tích, trồng cây gì, phương pháp nào, chi phí bao nhiêu… Điều này người dân đã được các cán bộ nông nghiệp tập huấn cách làm rất kỹ. Ngoài ra, đề án hỗ trợ sau đầu tư nên mọi thanh toán đều dựa trên hóa đơn chứng từ để truy xuất nguồn gốc. Đây là những vấn đề buộc phải thực hiện đúng theo quy định và quy chế tài chính đã được ban hành chứ không thể làm khác. “Ngoài ra, có một vài vấn đề mà chúng tôi sẽ tham mưu lên cấp trên chỉnh sửa để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Thứ nhất, về danh mục các loại cây nằm trong đề án là những đối tượng cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định đã được kiểm tra đánh giá. Ngoài ra, còn một số cây khác như dừa xiêm, nhãn lồng, thanh long,… chúng tôi sẽ tham mưu thêm. Đồng thời chúng tôi sẽ thay đổi tiêu chí quy mô vườn cũng được tham gia đề án chứ không bắt buộc phải là vườn nhà vì không cần thiết. Hy vọng sắp tới, HĐND huyện sẽ thông qua các mục chỉnh sửa để đề án gần gũi hơn với người dân và mang lại hiệu quả thiết thực” - ông Viên nói.

PHAN VINH

PHAN VINH