Nông sản trái vụ cho thu nhập cao

CHÂU TẤN 18/09/2018 07:22

Hiện nay nhiều nông dân ở khu vực bãi biền ven sông các xã khu vực Gò Nổi (thị xã Điện Bàn) mạnh dạn tổ chức sản xuất trái vụ. Mặc dù tiềm ẩn rủi ro nhưng nhờ vào chọn cây giống, tính toán thời điểm thu hoạch, lách tránh thời tiết bất lợi nên sản xuất trái vụ đã cho hiệu quả kinh tế cao.

Trồng bầu trái vụ ở Gò Nổi đem lại thu nhập cao. Ảnh: C.T
Trồng bầu trái vụ ở Gò Nổi đem lại thu nhập cao. Ảnh: C.T

Những ngày này, nông dân vùng Gò Nổi đang chuẩn bị thu hoạch bắp và các loại nông sản khác. Trong khi đó, trên cánh đồng vẫn còn những thửa ruộng trồng bầu trĩu quả, những đám dưa hồng còn non tơ. Hỏi ra mới biết đây là những thửa ruộng trồng cây màu trái vụ của bà con. Cơ quan khí tượng liên tục thông báo những cơn bão trên Thái Bình Dương đang tiến vào Biển Đông, khả năng đổ bộ vào Việt Nam. Tuy nhiên chủ những đám ruộng xanh non không mấy lo lắng. Gặp vợ chồng anh Huỳnh Văn Tài đang cắt tỉa dưa hồng trên ruộng, những quả dưa vẫn còn rất nhỏ. Anh Tài cho biết: “Ruộng dưa của gia đình sẽ cho thu hoạch trong vài ngày tới, giá bán hiện tại khá cao từ 10.000 đồng/kg. Dưa hồng lần đầu tiên được trồng trái vụ trên đồng đất Gò Nổi này, chi phí thấp, lại được giá nên tôi hy vọng kiếm kha khá trước khi nước sông dâng lên”.

Gần kề đó là hơn 2 sào bầu trái vụ xanh tốt, trĩu quả. Sau vụ bí đao, hầu hết bà con ở đây trồng bắp thương phẩm. Riêng gia đình anh Tài vụ này trồng bầu trái vụ, quả bầu tơ được người tiêu dùng ưa thích vì kích cỡ nhỏ dễ sử dụng, vị ngọt khi nấu ăn, giá mỗi ký bầu bán tại ruộng 5.000 đồng. Qua gần 3 tháng chăm sóc, anh Tài hy vọng thu 50 triệu đồng từ cây bầu trái vụ này. Anh Tài chia sẻ: “Trăn trở trước thực trạng “được mùa thì mất giá, được giá thì lại mất mùa”, tôi và một số nông dân khác phải nghĩ cách chủ động hơn cho nông sản của mình làm ra. Năm ngoái, chúng tôi đã sản xuất trái vụ thành công, từ đó tạo động lực để tiếp tục trồng bầu, bí lồ ô và dưa hồng trái vụ. Thật ra, vụ thu đông trồng rau màu trái vụ cũng có rủi ro nếu gặp đợt lũ sẽ mất trắng, tuy nhiên chúng tôi đầu tư chí phí hạt giống thấp và công chăm sóc không nhiều, nhưng nếu như lách được thì tôi thu lãi gấp 10 lần so với trồng bắp truyền thống trên cùng diện tích”.

Hiện nay, trên địa bàn thôn Tân Bình 4, cùng với anh Tài, một số nông dân khác cũng mạnh dạn thực hiện theo mô hình trồng cây trái vụ cho thu nhập khá cao. Các loại cây được chọn trồng chủ yếu là cây dây leo ngắn ngày, có thể thu hoạch kịp trước khi mùa mưa đến và giá cả các loại nông sản này luôn ổn định trên thị trường. Ông Phạm Ngọc Quyến - Bí thư Chi bộ thôn Tân Bình 4, xã Điện Trung cho biết, bà con ở đây chủ yếu sản xuất cây màu, cây thực phẩm theo lịch thời vụ và theo kinh nghiệm là chính. Một số nông dân như các anh Huỳnh Văn Tài, Hồ Đắc Dũng, Phạm Văn Hòa và Phạm Phú Bình (thôn Tân Bình 4) mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trái vụ cho kết quả khá cao. Trong khi bà con trồng bắp thương phẩm và bí đao khó tiêu thụ, giá cả bấp bênh nhưng các nông dân này luôn có thu nhập cao từ cây trái vụ. Đây là cách làm mới, mạnh dạn của nông dân vùng Gò Nổi. Từ cách làm sáng tạo này, cơ quan chuyên môn cần tổ chức hướng dẫn thêm về phương thức thâm canh, chọn cây giống và định hướng tổ chức sản xuất để tất cả loại cây khi trồng không dư thừa, đảm bảo tiêu thụ hết thì nông dân mới sống tốt được trên thửa ruộng của mình.

Sản xuất nông nghiệp vốn tuân thủ nghiêm ngặt tính thời vụ bởi nó phụ thuộc rất lớn vào tình hình thời tiết và năng suất cây trồng. Tuy nhiên, nếu có sự tính toán kỹ lưỡng về thời gian xuống giống, chọn giống cây trồng phù hợp và nắm bắt thị trường thì những mô hình trái vụ sẽ mang nguồn thu nhập cao cho nông dân.

CHÂU TẤN

CHÂU TẤN