Tiếp cận mô hình sản xuất lúa tiên tiến
Việc thử nghiệm thành công mô hình ICM trên cây lúa theo hướng giảm phát thải không chỉ giúp nông dân huyện Nông Sơn thay đổi tập quán canh tác truyền thống, tăng thu nhập mà còn góp phần tích cực bảo vệ môi trường sống.
Mô hình sản xuất lúa tiên tiến ở huyện Nông Sơn. Ảnh: T.L |
Vụ hè thu năm nay, gia đình ông Lê Văn Sanh (thôn Tứ Trung II, xã Quế Lâm, Nông Sơn) canh tác 2,5 sào lúa trên cánh đồng Tý Lở với giống Đài thơm 8 theo mô hình ICM giảm phát thải. Từ khi tham gia mô hình, ông Sanh được tham gia 6 khóa tập huấn với các nội dung kỹ thuật tương ứng với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Ông Sanh cho biết, với diện tích ruộng này, mọi năm ông xuống giống hơn 12kg lúa giống nhưng vụ này chỉ dùng 8kg lúa giống, riêng lượng phân bón trong ba đợt giảm 28kg các loại. Thời tiết vụ hè thu năm nay hết sức bất lợi khiến năng suất lúa giảm gần 50%, tuy nhiên năng suất lúa của gia đình ông Sanh vẫn đạt khá cao, khoảng 50 tạ/ha, tăng 5 tạ/ha so với việc trồng lúa theo kiểu truyền thống trước đây. “Đặc biệt, từ khi tham gia mô hình, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể. Nếu như trước đây, khi cây lúa có 2 - 3 lá mà bị sâu bệnh thì ngay lập tức phun thuốc để trừ sâu. Nhưng bây giờ, khi gặp sâu ở giai đoạn này chúng tôi không cần phải phun thuốc, cây lúa sẽ ra lá mới nhanh và không ảnh hưởng đến năng suất sau này. Đây là điều chúng tôi hết sức vui mừng, vì đây là những hạt lúa sạch, chất lượng, đảm bảo sức khỏe khi sử dụng” – ông Sanh cho biết thêm.
Vụ hè thu 2018, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn phối hợp với Dự án Trường Sơn xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ triển khai mô hình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) trên cây lúa theo hướng giảm phát thải. Mô hình được thực hiện ở 3 thôn tại 2 xã Quế Lâm và Phước Ninh, với 90 hộ dân tham gia sản xuất trên diện tích 61ha. Ông Lê Quốc Sỹ - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn cho biết, khi tham gia mô hình, các hộ được hướng dẫn kỹ thuật “1 phải, 6 giảm”. Trong đó “1 phải” là phải sử dụng giống kỹ thuật, có nguồn gốc, chất lượng; “6 giảm” gồm giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới nhờ thực hiện quy trình tưới ướt khô xen kẽ, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch, giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh đó, người dân biết được cách điều tra hệ sinh thái đồng ruộng, điều tiết khả năng sinh trưởng, phát triển của cây lúa. “Khi áp dụng mô hình này, cây lúa cho năng suất khoảng 58 tạ/ha, tăng 10 tạ/ha so với sản xuất đại trà. Đặc biệt, việc giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giúp môi trường được cải thiện rõ rệt, chất lượng sản phẩm được nâng lên, giảm chi phí sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích” - ông Sỹ cho biết thêm.
Cùng với mô hình ICM trên cây lúa theo hướng giảm phát thải, hiện nay, trên địa bàn huyện Nông Sơn, Dự án Trường Sơn xanh đang triển khai hỗ trợ người dân Đại Bình (xã Quế Trung) trồng rau theo hướng VietGAP và mở lớp dạy nấu ăn cho chị em phụ nữ để phục vụ cho khách du lịch. Ông Triệu Trân Huân - cán bộ phát triển cộng đồng Dự án Trường Sơn xanh cho biết, mô hình ICM trên cây lúa giúp nông dân xóa bỏ thói quen canh tác gieo sạ dày, bón phân không cân đối, lạm dụng sử dụng quá nhiều phân đạm và các loại thuốc bảo vệ thực vật gây lãng phí. Đặc biệt, việc tiết kiệm nước tưới, không đốt rơm rạ mà có thể ủ phân hoặc chế biến thành thức ăn cho gia súc góp phần đáng kể trong việc giảm ô nhiễm môi trường. Qua đó, nông dân có thể tiếp cận và áp dụng các phương pháp nông nghiệp thông minh theo hướng giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu. “Việc thử nghiệm thành công mô hình ICM trên cây lúa theo hướng giảm phát thải là tín hiệu tích cực để nông dân thay đổi tập quán canh tác truyền thống, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất trên diện rộng, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống” - ông Huân nói.
TÂM LÊ