Hợp tác xã tiên phong trồng rừng gỗ lớn

VINH ANH 11/09/2018 02:29

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hiệp Thuận (xã Hiệp Thuận, Hiệp Đức) được xem là HTX đi tiên phong trong việc đầu tư, phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn.

Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận thu mua gỗ keo để chế biến. Ảnh: VINH ANH
Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận thu mua gỗ keo để chế biến. Ảnh: VINH ANH

Phát triển rừng bền vững

Toàn xã Hiệp Thuận có hơn 1.600ha rừng sản xuất, trong đó có hơn 1.500ha rừng trồng keo nguyên liệu, gần 80ha trồng cao su tiểu điền. Nhờ vào các dự án phát triển ngành lâm nghiệp do một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ, đến nay xã Hiệp Thuận có khoảng 600ha rừng gỗ lớn của 107 hộ dân đã được cấp chứng nhận quản lý rừng theo tổ chức FSC. Đây là một trong số ít các xã trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ cấp chứng chỉ FSC đến thời điểm hiện nay.

Điều này đã làm tiền đề quan trọng để xã Hiệp Thuận xây dựng đề án phát triển rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC trên địa bàn xã, với trọng tâm phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn, nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, môi trường. Trước đó, với lợi thế một địa phương được cấp chứng nhận FSC, tháng 3.2017, xã Hiệp Thuận đã mạnh dạn huy động xã viên thành lập HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận.

Ông Nguyễn Hữu Dương – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận cho biết, HTX đăng ký nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, tuy nhiên mũi nhọn chính là tập trung phát triển rừng bền vững nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích rừng trồng cho nông dân. Qua hơn 1 năm hoạt động, hiện HTX có 15 thành viên với tổng diện tích rừng khoảng 200ha, trong đó đã có hơn 100ha được cấp chứng nhận FSC. Ngoài ra, HTX còn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 123 hộ dân ở trong và ngoài xã với tổng diện tích khoảng 750ha. Ông Dương chia sẻ: “Đến nay, HTX đã đầu tư vườn ươm giống 600m2 cùng 4 máy xẻ công nghiệp với gần 10 lao động làm việc thường xuyên. Ngoài việc hỗ trợ sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho xã viên, HTX còn cam kết tiêu thụ sản phẩm với giá cao hơn 20% giá thị trường cho bà con nông dân tham gia trồng rừng gỗ lớn”.

Lợi ích trồng rừng gỗ lớn

Phấn đấu tăng diện tích rừng được cấp chứng chỉ
Ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, toàn tỉnh có hơn 150.000ha rừng sản xuất, nhưng diện tích rừng được cấp chứng nhận FSC mới chỉ có 2.300ha, tập trung ở 3 địa phương: Núi Thành, Tiên Phước và Hiệp Đức. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng được khoảng 41.000ha rừng gỗ lớn, trong đó có 16.000ha được cấp chứng chỉ. Để thực hiện được điều đó, sở sẽ vừa tranh thủ các dự án phi chính phủ nước ngoài, vừa tham mưu tỉnh có chính sách thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào trồng rừng gỗ lớn. Đánh giá về mô hình của HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận, ông Hưng nói: “Tôi đánh giá cao mô hình này và đang có ý định sẽ tham mưu tỉnh và tranh thủ các dự án để hỗ trợ HTX thành điểm sáng để nhân rộng ra trong tỉnh”.

HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận hiện hoạt động theo chuỗi: cung cấp giống, quản lý, chăm sóc, khai thác đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Với xã viên và những hộ dân đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, họ không chỉ được mua giống chất lượng từ vườn ươm mà giá còn thấp hơn giá thị trường. HTX còn có chính sách hỗ trợ 30% giá trị rừng cho các hộ dân để họ giữ và kéo dài thời gian trồng rừng nhằm đảm bảo chất lượng gỗ khi khai thác.

Được biết, hiện giá bán keo dăm trên thị trường khoảng 800 nghìn đồng/tấn nhưng HTX Hiệp Thuận thu mua cho bà con từ 1,2 triệu đồng – 1,3 triệu đồng/tấn gỗ keo. Từ đầu năm đến nay, HTX đã thu mua hơn 1.000 tấn gỗ keo với trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng của xã viên và người dân trong và ngoài địa phương. Chia sẻ về giá trị trồng rừng gỗ lớn, ông Dương nói: “Trung bình trong vòng 7 năm, một héc ta rừng keo gỗ lớn cho thu hoạch khoảng 180 tấn, nếu sản lượng cao có thể đạt 250 tấn/ha. Theo tính toán, sau khi trừ chi phí, mỗi héc ta rừng thu lãi khoảng 150 triệu đồng/7 năm. So với trồng keo lấy dăm gỗ thì thời gian trồng rừng gỗ lớn có kéo dài hơn nhưng giá trị kinh tế lớn hơn nhờ sản phẩm bán giá cao và ít tốn chi phí chăm sóc, thu hoạch”.

Theo người dân, trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC không chỉ hiệu quả kinh tế cao mà còn mang lại những lợi ích về môi trường. Do rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC, người dân không được phá rừng, không đốt rừng khi trồng mới… Ông Ngô Văn Dũng (thành viên HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận) có 5ha rừng, toàn bộ đều dành để trồng rừng gỗ lớn với giống keo tai tượng Úc do HTX cung cấp. “Trong quá trình tham gia dự án, tôi được tập huấn, hướng dẫn về việc trồng rừng theo chứng nhận FSC. Nhờ đó tôi thấy được những lợi ích lâu dài mà mô hình này mang lại. Điều đó thúc đẩy tôi tham gia HTX để trồng rừng hiệu quả hơn” - ông Dũng tâm sự.

VINH ANH

VINH ANH