Công nghệ mới khai thác mủ cao su ở huyện Hiệp Đức: Năng suất tăng cao

AN DÂN 10/09/2018 03:30

Việc kích thích mủ cao su bằng công nghệ gastech được đưa vào sử dụng thành công tại nhiều trang trại tại huyện Hiệp Đức. Gastech là phương pháp kích thích gia tăng mủ cây cao su bằng khí ethylene bơm vào ống chứa để  cây cao su hấp thụ trực tiếp qua nút kim loại gắn vào vỏ cây nguyên sinh ở bảng cạo.

6ha cao su tiểu điền của anh Trần Anh Đức được khai thác mủ bằng công nghệ gastech đem lại hiệu quả kinh tế cao.  Ảnh: AN DÂN
6ha cao su tiểu điền của anh Trần Anh Đức được khai thác mủ bằng công nghệ gastech đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: AN DÂN

 Học hỏi kinh nghiệp từ nơi khác

Anh Trần Anh Đức - Giám đốc Công ty TNHH MTV Vườn ươm Đức Uyên ở xã Sông Trà (Hiệp Đức) cho biết: “Nhiều tỉnh, thành phía Bắc và miền Đông Nam Bộ sử dụng công nghệ này thành công nên tôi học hỏi kinh nghiệm, đưa vào khai thác 6ha cao su của gia đình. Kết quả bước đầu cho thấy, việc triển khai ứng dụng công nghệ gastech đem lại hiệu quả khả quan. Ưu điểm của việc áp dụng phương pháp này, là không cạo mủ thủ công vào ban đêm, mà thực hiện công việc vào ban ngày, giảm ngày công lao động từ 15 lần xuống 10 lần trong tháng. Ngày mưa vẫn có thể thu hoạch mủ và kéo dài tuổi thọ của cây khai thác lên gấp đôi”. Theo chuyên gia nông nghiệp, ethylene là một hormone thực vật có trong cao su. Trong quá trình cây cao su bị khai thác, hormone ethylene ngày càng giảm, cho dù lớp da tái sinh hình thành trở lại. Nhất là khi cây cao su 15 tuổi, việc khai thác mủ càng nhiều thì lượng hormone bị thiếu hụt càng lớn. Để khắc phục tình trạng trên, việc bơm thêm khí ethylene vào cây nhằm bổ sung thêm hormone giúp cây tái tạo mủ và phục hồi tuyến mủ trở lại. Ngoài ra, ethylene còn góp phần giúp cây cao su tăng trưởng.

Hiện nay, giá thành của bộ sản phẩm bơm khí ethylene cho cây cao su do Việt Nam sản xuất cỡ khoảng 4 triệu đồng, mỗi lần bơm mất khoảng 100 đồng/cây.  Bình khí và dụng cụ bơm định lượng có giá là 2,5 triệu đồng, chi phí khí 2 nghìn đồng/cây/năm. Bình có thể nạp đầy 1.1kg khí giá 980 nghìn đồng, có thể bơm cho 500 cây/năm. Qua quan sát, bộ sản phẩm gồm hai thiết bị là HEVEA 3 và hỗn hợp khí H-H288. Theo đó, thiết bị HEVEA 3 là dụng cụ để truyền dẫn khí H-H288 vào thân cao su. Sau 48 tiếng kể từ khi lắp đặt, H3S sẽ tạo nên một vùng kích thích có bán kính khoảng 3 tấc xung quanh vị trí cạo. Từ đó giúp cao su tiết ra mủ nhiều hơn bình thường 5 - 8 lần. Đến ngày thứ 3 sẽ gia tăng lượng mủ lên 100%, sau đó ổn định dần. Bộ dụng cụ này thẩm thấu mủ với thiết kế nhỏ gọn, tiện lợi, kết hợp với dùng ống nhựa nhỏ đường kính lỗ trong 1,5 ly giúp mủ chảy trong thời gian 10 - 14 tiếng liên tục. Nhờ mủ chảy ra rất chậm trong thời gian dài và dừng chảy trong khoảng thời gian cụ thể mà cây không bị ảnh hưởng mà còn phát triển tốt hơn. Cùng với bộ che mưa và lấy trực tiếp từ ống đến chén, phương pháp này còn giúp khai thác mủ đều đặn vào những ngày mưa.

Nhân rộng mô hình ở địa phương

Anh Trần Anh Đức cho biết thêm, về cách thức hoạt động, sau khi gắn nắp chóp và bơm khí, các hormone (ethylene) sẽ thẩm thấu vào vỏ cây. Sau 24 giờ, hormone bắt đầu phát huy tác dụng mạnh trong bán kính khoảng 30cm từ nắp chóp. Lúc này, có thể khoan lấy mủ, tuy nhiên đến lần thứ 2 trở đi thì lượng mủ sẽ ra không bằng lần đầu nhưng vẫn cao hơn phương pháp truyền thống. Vì vậy, sau lần lấy mủ thứ 3, chúng ta tiếp tục bơm khí và lặp lại chu kỳ đâm lấy mủ. Anh Đức cũng lưu ý thêm, riêng đối với cây vừa áp dụng phương pháp áp khí khoan lấy mủ, tháng đầu tiên mủ vàng đặc dễ gây tắc ống nên sau 3 - 4 lần khoan mới cho ra mủ trắng ổn định. Sau một tháng,  cần tháo nắp chóp và đóng lại chỗ khác với khoảng cách tầm 10 - 20cm theo hướng từ trái sang phải. Nên thường xuyên bón phân cho cây cao su khi áp dụng phương pháp này. Để tăng lượng mủ lên 50%, cần tăng lượng phân lên gấp đôi, bón nhiều lần và tãi đều trong năm, tầm 4 - 6 lần trong năm, nhất là phải cung cấp đủ nước cho cây.

Từ mô hình trang trại của mình, anh Đức nhận thấy hiệu quả kinh tế rất rõ rệt nên triển khai các bước tiếp theo để áp dụng và giúp những trang trại cao su khác cũng như người dân địa phương tiếp cận với cách làm mới này. Nhiều chủ trang trại cao su tiểu điền đã tìm đến anh để tìm hiểu, học tập làm theo. Ông Quang ở xã Quế Lưu (Hiệp Đức) được anh Đức hướng dẫn đã áp dụng vào thực tiễn và đạt kết quả tốt. Ông Quang cho biết: “Sau 3 lần khai thác, sản lượng trung bình tăng 1/3 so với trước, lại không phải thức khuya, dậy sớm đi cạo mủ”. Đến nay, có hơn 10 hộ sử dụng phương pháp này để khai thác hơn 10.000 cây cao su. Theo khuyến cáo của ngành cao su Việt Nam, hiện trên thị trường bày bán rất nhiều loại thuốc kích thích mủ, thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc ở dạng lỏng và giá thành rất rẻ nhưng không hiệu quả, vì vậy, khi mua bà con phải chọn đúng địa chỉ tin cậy. Phương pháp khoan lấy mủ bằng cách áp khí ethylene là một phương pháp có nhiều ưu điểm nhưng đồng thời nó rất nguy hiểm nếu không làm đúng quy trình kỹ thuật. Nếu làm sai quy trình, cây sẽ bị kiệt sức, dễ bị bệnh, dẫn đến gãy đổ không thể phục hồi được.

AN DÂN

AN DÂN