Núi Thành nỗ lực hoàn thành thí điểm
Nằm trong nội dung đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của UBND tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, huyện Núi Thành đang tích cực triển khai thực hiện thí điểm sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Đóng gói sản phẩm Nếp bầu Tam Mỹ. Ảnh: VĂN PHIN |
Là huyện có địa hình đa dạng: núi rừng, trung du, đồng bằng và miền biển, Núi Thành có nhiều sản phẩm phong phú và nổi tiếng được người tiêu dùng ưa chuộng. Qua sàng lọc, lựa chọn, bước đầu UBND huyện đã chọn được 6 sản phẩm đặc trưng có thế mạnh đưa vào thực hiện thí điểm phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 - 2020. Kỹ sư Lương Văn Lợi - chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết: “Bước đầu huyện chọn 6 sản phẩm đại diện các vùng miền để phát triển sản phẩm OCOP gồm: Nước mắm Tam Tiến của hộ bà Huỳnh Thị Chung; Dầu mè Việt của ông Nguyễn Minh Thơm (xã Tam Hiệp); Rau câu chỉ vàng của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tam Hòa; Nếp bầu Tam Mỹ của HTX nông nghiệp - dịch vụ - du lịch Tam Mỹ Tây; Nước mắm An Hòa của ông Phạm Đăng Nghĩa (xã Tam Hải) và Rượu gạo Bàn Than của ông Phạm Si (xã Tam Hải). Trong đó, sản phẩm rau câu chỉ vàng phấn đấu đến hết năm 2018 được tham gia thi xếp hạng đạt 3 sao trở lên”.
Để thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” và thực hiện thí điểm các sản phẩm OCOP đặc trưng giai đoạn 2018 - 2020, huyện Núi Thành thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp. Trước hết là triển khai chu trình OCOP, hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm, xúc tiến thương mại; trong đó chú trọng hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm, thương mại điện tử, hội chợ… Bên cạnh đó là đào tạo nguồn nhân lực, triển khai các hoạt động giám sát, đánh giá sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành chia sẻ: “OCOP là một chương trình mới, UBND huyện Núi Thành đã sớm triển khai với tinh thần mỗi xã tạo ra không chỉ một mà nhiều sản phẩm mới mang tính giá trị, tính truyền thống và cả tính văn hóa. Núi Thành có rất nhiều sản phẩm mới, lạ cần được phát huy trong thời gian đến như trầm hương, sản xuất đồ mộc, hải sản…”.
“Chương trình mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020 và thực hiện thí điểm các sản phẩm OCOP của huyện Núi Thành năm 2018 được hỗ trợ tổng kinh phí hơn 3,7 tỷ đồng từ các nguồn của tỉnh, của quỹ khuyến công, nông thôn mới… Theo đó, huyện đã phân kỳ đầu tư từng năm cho 6 sản phẩm OCOP, ưu tiên hỗ trợ 270 triệu đồng trong năm 2018 cho sản phẩm Rau câu chỉ vàng ở Tam Hòa với các nội dung nâng cấp sân phơi, mua sắm máy đóng gói sản phẩm. Tuy nhiên, xác định nguồn lực lớn nhất của Chương trình OCOP là lực từ cộng đồng, bao gồm vốn, đất đai, sức lao động, nguyên vật liệu, công nghệ… nên huyện Núi Thành đề ra kế hoạch huy động các nguồn lực dưới dạng góp vốn của các thành phần kinh tế trong xã hội. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp về công nghệ và tiêu thụ sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở tranh thủ nguyên tắc tiếp cận theo thị trường. Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các chuỗi sản phẩm OCOP là giải pháp để tiêu thụ và nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm.
“Với quyết tâm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm và thí điểm các sản phẩm OCOP, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, chúng tôi coi công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng là hết sức quan trọng. Việc thông tin, tuyên truyền cần triển khai thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang web, dưới dạng bản tin, chuyên đề, câu chuyện gắn với hình ảnh, trong các hội nghị, hội thảo, tập huấn… Đồng thời đưa nội dung thực hiện OCOP vào nghị quyết của cấp ủy đảng các cấp và trong kế hoạch, chương trình công tác chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương” - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Nguyễn Văn Thịnh xác định.
VĂN PHIN