Để người nuôi heo hết lo âu
Sau thời gian dài giá heo hơi sụt giảm mạnh khiến nhiều hộ chăn nuôi rơi vào cảnh lao đao, mấy tháng trở lại đây thị trường bắt đầu phục hồi, giá heo hơi tăng nhanh nên nhiều hộ chăn nuôi tái đàn sản xuất. Và điều lo lắng thường trực cũng xuất hiện: khi nhiều người tái đàn nuôi heo cùng lúc sẽ dễ dẫn đến biến động dư thừa vào những tháng cuối năm và dịp tết; trong khi đó định hướng chăn nuôi và thị trường vẫn còn những bất cập.
Nông dân Quảng Nam đang thận trọng tái đàn heo. Ảnh: CHÂU TẤN |
Nhận thấy thị trường giá heo có dấu hiệu phục hồi, tháng 3.2018 anh Huỳnh Phước Năm (thôn Câu Hòa, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) tái đàn với số lượng hơn 30 con, sau khi xuất bán thu lãi hơn 20 triệu đồng. Anh Năm cho biết, năm ngoái heo rớt giá gia đình thua lỗ gần 100 triệu đồng, nay đã tăng giá trở lại nên anh quyết định mở rộng diện tích chuồng trại và tăng đàn để gỡ vốn. Lần này anh thận trọng hơn và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp thú y, nhưng vẫn còn lo lắng. “Mong cho giá heo ổn định, thấp nhất cũng phải ở mức 42 - 45 nghìn đồng/kg để nông dân chúng tôi yên tâm chăn nuôi. Nhưng vẫn còn cái lo là khi giá lên như vậy nhiều người đổ xô gầy đàn cùng lúc sẽ dẫn dư thừa, đầu ra không có, nông dân sẽ khổ hoàn khổ như năm trước” - anh Năm nói.
Thị trường chăn nuôi phục hồi, các nông hộ trước đây “treo chuồng” bắt đầu khởi động tái đàn. Từ sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, nông dân thị xã Điện Bàn đã chủ động áp dụng chăn nuôi heo theo hướng an toàn dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Một số hộ tính đến việc cắt giảm chi phí thức ăn bột, tận dụng nguồn thực phẩm thừa trong sinh hoạt để nâng cao chất lượng thịt heo, thu nhập cũng sẽ tốt hơn. Ông Nguyễn Hữu Giọng (thôn Tứ Ngân, phường Điện Ngọc, Điện Bàn) chăn nuôi heo theo hướng khép kín, từ heo nái sinh sản, giữ lại đàn heo con tiếp tục nuôi heo thịt với số lượng 100 con. Ông Giọng còn đi thu gom thức ăn dư thừa từ các nhà hàng, khách sạn nên đã giảm chi phí khá lớn. “Heo thịt có giá lại thì ai cũng hào hứng, có khí thế để tái đàn, mở rộng chăn nuôi… Người khác nuôi được thì mình cũng nuôi được, trông mong kiếm đồng thu nhập. Hiện nay những hộ nuôi 100 con trở lên vẫn còn duy trì nhưng cũng lo lắng. Riêng tôi thì không sợ lỗ, có chăng thì cũng hòa vốn, bỏ công thôi” - ông Giọng tự tin.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Hóa - Trưởng trạm Thú y phường Điện Ngọc cho biết, thấy giá heo tăng trở lại nông dân địa phương đang tái đàn, mong vớt vát thua lỗ từ năm trước, nhưng đây cũng là điều đáng lo khi ai cũng rầm rộ nuôi. Trước tình hình đó, trạm đã cử cán bộ thú y đến các hộ chăn nuôi, chủ yếu là người nuôi có quy mô lớn, tư vấn cho bà con chỉ nuôi cao nhất ở mức 70 - 100 con, vì giá heo rớt lúc nào không hay, trong khi người chăn nuôi thì lệ thuộc thị trường… Ông Hóa chia sẻ, không thể biết thị trường thời gian tới sẽ biến động như thế nào, về phần mình, trạm thú y cũng chỉ tư vấn và hỗ trợ bà con chăn nuôi an toàn dịch bệnh mà thôi.
Tính đến cuối tháng 8.2018, tổng đàn heo của Quảng Nam đạt hơn 450 nghìn con, tăng 6,3% so với cùng kỳ, sản lượng thịt heo hơn 23 nghìn tấn, tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm trước. Đối tượng tăng chủ yếu là heo thịt, tập trung vào các trang trại. Kể từ cuối tháng 3.2018 đến nay, giá heo tăng đã thúc đẩy hoạt động đầu tư tái đàn và nuôi thâm canh trở lại trong nông dân.
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, giá heo hơi ở Quảng Nam hiện nay dao động trong khoảng 48 - 50 nghìn đồng/kg. Đây là mức giá mà Bộ NN&PTNT khuyến khích ổn định lâu dài tốt nhất, không nên đẩy giá vượt ngưỡng 50 nghìn đồng/kg. Bởi khi giá heo quá cao sẽ dẫn đến nông hộ nào cũng nuôi, và như thế câu chuyện “bí” đầu ra, giá sụt giảm sẽ trở lại. Hiện nay, đầu ra ổn định nhất là các trang trại vì có kế hoạch sản xuất, kinh doanh chặt chẽ. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích người chăn nuôi nhỏ lẻ nên liên kết với các trang trại để tự sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu thô nhằm giảm giá thành chăn nuôi, giúp tăng thêm thu nhập.
CHÂU TẤN