Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

NGUYỄN SỰ 18/08/2018 07:59

(QNO) - Sáng nay (thứ Bảy 18.8), Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành để triển khai thực hiện Nghị định số 98/NĐ-CP (ngày 5.7.2018) của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Quyết định số 461/QĐ-TTg (ngày 27.4.2018) của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15 nghìn hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và lãnh đạo các ngành, địa phương tham dự tại điểm cầu Quảng Nam sáng nay 18.8. Ảnh: VĂN SỰ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và lãnh đạo các ngành, địa phương tham dự tại điểm cầu Quảng Nam sáng nay 18.8. Ảnh: VĂN SỰ

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại điểm cầu Quảng Nam có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và lãnh đạo các ngành, địa phương cùng đại diện một số doanh nghiệp, HTX tham gia.

Động lực thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Bởi, liên kết giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia, đặc biệt là đối với nông dân và hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tăng quy mô sản xuất hàng hóa. Liên kết cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng được mùa mất giá. Ngoài ra, liên kết cũng giúp doanh nghiệp chủ động được nguyên liệu, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa là thế mạnh của Quảng Nam trong thời gian qua. Ảnh: VĂN SỰ
Liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa là thế mạnh của Quảng Nam trong thời gian qua. Ảnh: VĂN SỰ

Ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, với vai trò đó, những năm qua Chính phủ luôn quan tâm và coi việc phát triển liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm là giải pháp quan trọng trong tổ chức lại sản xuất nhằm đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, năm 2002 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Đến năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Tuy nhiên, ông Cường nhìn nhận: “Thực tế cho thấy, những chính sách ban hành trước đây còn nhiều bất cập. Rõ nhất là, các quy định chỉ tập trung chủ yếu cho lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là cây lúa mà không đề cập đến các lĩnh vực sản xuất khác như chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Chính sách quy định còn dàn trải, chưa tập trung giải quyết những yêu cầu cấp thiết như bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, thiếu các chế tài xử lý những tranh chấp hợp đồng, một số thủ tục để thực hiện hỗ trợ theo chính sách còn phức tạp và chưa chỉ rõ được nguồn vốn hỗ trợ liên kết...”.

Chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị định số 98 bao gồm: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng. Dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết như nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông, đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của HTX. Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi…

Để khắc phục tình trạng trên, ngày 5.7.2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định số 98 là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu từ nay đến năm 2020 phát triển 15 nghìn HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả theo Nghị quyết số 32 (ngày 23.11.2016) của Quốc hội khóa XIV.

Theo lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác & phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), mục đích ban hành Nghị định 98 là nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân, các nhà khoa học… gắn kết cùng nhau xây dựng và phát triển bền vững các chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập và lợi ích của các bên tham gia, củng cố và phát triển các tổ chức nông dân, HTX thông qua liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nghị định này được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực của ngành nông nghiệp bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp (thay vì chỉ áp dụng trong lĩnh vực trồng trọt như Quyết định số 62/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trước đây).

Nghị định số 98 quy định 7 hình thức liên kết chuỗi giá trị được Nhà nước khuyến khích hỗ trợ phát triển, gồm: liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Các hình thức liên kết trên được thực hiện thông qua 2 phương thức là hợp đồng liên kết hoặc dự án liên kết được Nhà nước xem xét hỗ trợ…

Đồng bộ các giải pháp

Ông Nguyễn Ngọc Bảo – Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, muốn thực hiện hiệu quả Quyết định số 461/QĐ-TTg (ngày 27.4.2018) của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15 nghìn HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả thì thời gian tới cần triển khai đồng bộ nhiều phần việc. Theo ông Bảo, các ngành, các cấp phải đẩy mạnh việc đổi mới công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, các thành viên HTX và người dân về mục đích, ý nghĩa, nhiệm vụ của đề án này. Cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở từng cấp phải có đề án, kế hoạch hành động cụ thể để triển khai nhằm đạt được mục tiêu của địa phương.

“Theo tôi, ngoài nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước phân bổ theo cơ chế đã ban hành thì các cấp, các ngành cũng cần nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép những kênh vốn khác để hỗ trợ có hiệu quả cho các HTX nông nghiệp, nhất là các đơn vị liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, có ứng dụng công nghệ cao” – ông Bảo đề xuất.

Hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp nông dân yên tâm về chuyện đầu ra. Ảnh: VĂN SỰ
Hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp nông dân yên tâm về chuyện đầu ra. Ảnh: VĂN SỰ

Trong khi đó, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị cần phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Sở NN&PTNT, đặc biệt là Chi cục Phát triển nông thôn trực thuộc Sở trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về HTX nông nghiệp để tổ chức, kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ chuyên trách nhằm triển khai có hiệu quả đề án. Đồng thời củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách tham mưu quản lý nhà nước về HTX nông nghiệp ở các Phòng NN&PTNT (hoặc Phòng Kinh tế) cấp huyện. Phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của cán bộ chuyên môn cấp xã để trực tiếp tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp xã trong việc quản lý nhà nước về HTX nông nghiệp và hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển…

Ông Trần Thanh Nam cũng lưu ý chính quyền cấp tỉnh căn cứ nội dung của đề án để tập trung triển khai thực hiện việc hỗ trợ HTX nông nghiệp theo cơ chế, chính sách của Chính phủ. Đồng thời tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Cạnh đó, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ hệ thống quản lý nhà nước, lực lượng hỗ trợ, lực lượng trực tiếp hoạt động ở các HTX và thành viên HTX.

“Các đơn vị liên quan ở cấp tỉnh phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, thành viên HTX nông nghiệp, đặc biệt là nâng cao năng lực về quản trị, xây dựng và thực hiện có hiệu quả phương án sản xuất kinh doanh, kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, kiến thức tiếp cận thị trường…” – ông Nam nói thêm.

Lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác & phát triển nông thôn cho biết, để việc thực hiện Nghị định số 98 một cách hiệu quả, hiện nay Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Tổ chức Phát triển của Pháp nghiên cứu xây dựng đề án “Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng hàng nông sản Việt Nam giai đoạn 2018-2020” và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong tháng 3.2019. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cũng đang phối hợp với các tổng công ty, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng và các địa phương lựa chọn sản phẩm, địa bàn để tổ chức triển khai xây dựng các mô hình liên kết. Sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ phê duyệt kế hoạch “Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp đến năm 2020”.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phải sớm xác định, phê duyệt các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và thông báo công khai trên địa bàn. Trình HĐND cấp tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm và bố trí ngân sách hỗ trợ liên kết theo quy định tại Nghị định số 98. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra tình hình thực hiện. Chỉ đạo các đơn vị, tổ chức liên quan hỗ trợ, triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, cung cấp thông tin về giá cả, dự báo thị trường sản phẩm nông nghiệp cho các bên tham gia liên kết…

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ