Liên kết sản xuất dưa gang an toàn: Năng suất cao, đầu ra ổn định

NGUYỄN SỰ 15/08/2018 02:08

Hôm qua 14.8, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá hiệu quả của mô hình trồng dưa gang an toàn có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm trong vụ hè thu 2018 tại xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ). Tại diễn đàn này, nhiều ý kiến cho rằng, nhờ áp dụng bài bản quy trình sản xuất tiên tiến nên sản lượng dưa đạt khá cao và chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất dưa gang an toàn tại xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) sáng qua 14.8. Ảnh: N.S
Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất dưa gang an toàn tại xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) sáng qua 14.8. Ảnh: N.S

Thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, đầu vụ hè thu năm nay Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Thương mại & dịch vụ Việt Thắng cùng các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật và hỗ trợ một số khâu trọng yếu cho 20 hộ dân trên địa bàn 5 thôn Thọ Tân, Phú Ninh, Đồng Hành, Trà Lang, Ngọc Bích của xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) để triển khai trình diễn mô hình sản xuất dưa gang an toàn trên 2ha đất màu.

Bà Võ Thị Nhung – chuyên viên Phòng Kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, diện tích thực hiện mô hình là những chân đất thịt nhẹ được chuyển đổi từ các loại cây trồng cạn khác. Trước khi gieo tỉa hạt giống, đất được cày bừa kỹ và lên luống với chiều rộng 0,8m và chiều cao từ 25 - 30cm. Mỗi luống trồng 1 hàng, cây cách cây 50cm và hàng cách hàng 2m. Sau khi lên luống, tiến hành phủ bạt nông nghiệp và đục các lỗ tròn (hốc) với đường kính 8 - 10cm cách đầu mương 20 - 30cm để trồng cây. Theo bà Nhung, bạt phủ có 2 mặt là màu đen và màu bạc. Khi dùng thì mặt màu đen úp xuống dưới, để mặt màu bạc ở trên vì màu bạc phản chiếu mạnh ánh sáng, có tác dụng xua đuổi côn trùng như bù lạch, rầy mềm... “Thực tế cho thấy, dùng màng phủ đỡ tốn công làm cỏ, đất được giữ ẩm tốt giúp cây dưa phát triển nhanh. Đồng thời tránh xảy ra tình trạng xói mòn, rửa trôi phân bón khi tưới nước hoặc trời có mưa. Cạnh đó, tránh được nước đọng trên mặt liếp khi trời mưa, đất không bị đóng váng làm nghẹt rễ, hạn chế được sâu bệnh gây hại” - bà Nhung chia sẻ.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, lượng vôi và phân bón cho 1 sào (500m2) dưa gang gồm: 25kg vôi nông nghiệp, 500kg phân chuồng hoai mục được ủ với chế phẩm vi sinh Trichoderma, 10kg phân lân Văn Điển, 7 - 8kg kali, 5kg urê, 7 - 8kg NPK (16-16-8). Về cách bón:
- Bón lót: Vãi đều mặt luống kết hợp lên luống trước khi phủ bạt.
+ Vôi được bón trước 5 - 7 ngày trong giai đoạn làm đất.
+ Bón 100% phân chuồng hoai mục + phân lân
+ Bón 50% phân NPK và 2 - 3kg kali.
- Bón thúc:
+ Bón thúc lần 1: Sau khi gieo hạt 15 - 20 ngày bón 50% phân NPK + 2 - 3kg urê và 2 - 3kg kali.
+ Bón thúc lần 2: Sau khi gieo hạt 25 - 30 ngày bón 2 - 3kg urê và 2 - 3kg kali.

Về cách trồng dưa gang, bà Nhung cho hay, hạt giống được lấy ra từ trong gói đem hong phơi nhẹ dưới nắng 2 tiếng đồng hồ. Sau đó cho hạt vào ngâm với nước sạch trong khoảng thời gian 3 tiếng đồng hồ rồi vớt ra và rửa nhẹ cho sạch hạt. Tiếp theo, đem hạt giống ủ trong khăn vải thun. Khăn vải thun phải luôn đủ ẩm và ủ hạt giống trong vòng 18 - 24 tiếng đồng hồ thì hạt nứt nanh ra rễ. Sau đó, bỏ hạt ra để ráo rồi đem gieo vào các hốc đã làm sẵn, mỗi hốc 1 - 2 hạt, lấp đất phủ kín hạt với độ dày 1 - 2cm. Sau 2 ngày hạt sẽ lên mầm. “Cần lưu ý, trong trường hợp nếu trời nắng nóng, ruộng không có nước tưới thì bỏ qua giai đoạn ngâm ủ hạt, đem gieo thẳng hạt ra ruộng” – bà Nhung nói thêm.

Theo các cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình, từ đầu vụ đến nay hầu hết ruộng dưa gang sản xuất trình diễn ở xã Tam Ngọc đều sinh trưởng, phát triển khá tốt. Nhờ mô hình sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma, bón phân cân đối và hợp lý, đặc biệt là áp dụng hiệu quả các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng nên những đối tượng sâu bệnh nguy hiểm không bùng phát, gây hại ruộng dưa. Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Lợi – Phó Trưởng phòng Kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, đến nay những hộ dân tham gia mô hình sản xuất dưa gang an toàn ở xã Tam Ngọc đã thu hoạch được 2 lứa quả và trong vài ngày tới sẽ tiến hành hái lứa cuối. Qua thống kê tại nhiều chân ruộng cho thấy, vụ này năng suất dưa gang bình quân của mô hình đạt 1,9 tấn/sào, quy ra tổng sản lượng đạt 38 tấn/ha. “Toàn bộ sản lượng dưa gang nông dân thu hoạch được Công ty TNHH Thương mại & dịch vụ Việt Thắng thu mua tại ruộng với mức giá sàn là 1.500 đồng/kg. Với sản lượng và giá bán vừa nêu, mùa này bình quân 1ha dưa gang mang lại cho nhà nông 57 triệu đồng. Sau khi trừ vốn đầu tư, còn lại lãi ròng hơn 41 triệu đồng/ha/vụ. Trong khi đó, trước đây nông dân trồng giống đậu phụng sẻ Tây Nguyên trên các chân đất chuyển đổi này thì chỉ lãi ròng khoảng 35 triệu đồng/ha/vụ. Vấn đề quan trọng hơn là nhà nông liên kết với Công ty TNHH Thương mại & dịch vụ Việt Thắng xây dựng mô hình trồng dưa gang an toàn không phải nơm nớp lo chuyện đầu ra của sản phẩm vì khâu đó đã có doanh nghiệp này lo liệu” – bà Lợi cho hay.

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ