Thí điểm liên kết tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp
(QNO) - Quảng Nam sẽ thí điểm liên kết giữa doanh nghiệp, HTX (hoặc hộ kinh doanh) và nông dân để tiêu thụ sắn, lúa và cung ứng vật tư nông nghiệp.
UBND tỉnh vừa phê duyệt dự án mô hình thí điểm doanh nghiệp - HTX - nông dân tiêu thụ lúa giống và cung ứng vật tư nông nghiệp đối với vùng sản xuất tập trung tại huyện Đại Lộc. Dự án do Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân tỉnh thực hiện.
Dự án sẽ xây dựng cơ chế liên kết giữa các thành viên trong mô hình sản xuất - tiêu thụ nông sản - cung ứng vật tư nông nghiệp, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của từng thành viên, trên cơ sở đó nhân rộng mô hình.
Quy mô vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao đến năm 2022 đạt hơn 6.000ha, trong đó diện tích trồng mới là 2.000ha. Sản lượng lúa giống chất lượng cao đạt 7 tấn/ha.
Đồng thời nâng cấp, mở rộng các cơ sở, nhà máy chế biến hiện có; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến gắn với các vùng nguyên liệu.
Chi nhánh Công ty CP Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình - Công ty Giống cây trồng miền Trung - Tây Nguyên có trụ sở tại Cụm công nghiệp Trường Xuân (Tam Kỳ), HTX Nông nghiệp Đại Minh và 57 hộ nông dân tại thôn Quảng Huệ, xã Đại Minh (Đại Lộc) được chọn tham gia mô hình thí điểm nêu trên.
* Đối với mô hình thí điểm doanh nghiệp - hộ kinh doanh - nông dân tiêu thụ sắn và cung ứng vật tư nông nghiệp vùng sản xuất không tập trung trên địa bàn tỉnh, Quảng Nam chọn Công ty CP Tinh bột sắn Quảng Nam có trụ sở tại xã Quế Cường (Quế Sơn) và 3 hộ kinh doanh làm đầu mối tiêu thụ sắn tại xã Quế Thuận, xã Quế Minh (Quế Sơn), xã Quế Thọ (Hiệp Đức) và 45 hộ nông dân trồng sắn tại 3 xã trên địa bàn huyện Quế Sơn và huyện Hiệp Đức làm thí điểm.
Dự kiến đến năm 2022, diện tích trồng sắn ngày càng được mở rộng theo hướng sử dụng giống năng suất cao, thâm canh sắn xen đậu phụng trên chân đất lúa chuyển đổi đạt 14.000ha.
CHÂU NỮ