Nông dân hội nhập - Bài cuối: Khoảng trống cần lấp

LÊ QUÂN 27/07/2018 09:06

Tin liên quan

  • Nông dân hội nhập - Bài 2: Cứu đất...
  • Nông dân hội nhập - Bài 1: Bắt chuyện với đồng làng

Nóng dân xứ Quảng vẫn đang bám ruộng đồng, xoay đủ mọi đường để không phải rời bỏ mảnh đất của mình. Và dù có là lão nông tuổi đã ngót 60, 70 phải tự “cải tạo” mình để hội nhập, hay những thanh niên trí thức đang tìm cách khởi nghiệp từ nông nghiệp, sáng tạo với ruộng đồng, họ luôn mong mình không bao giờ đơn độc. Những trở lực đi cùng nguyện vọng, bao nhiêu năm rồi hình như vẫn chưa thông, với nông dân xứ Quảng. Họ đang cần những người đồng hành, có những khoảng trống cần được lấp, để thực sự hội nhập.

Hỗ trợ quảng bá sản phẩm nông nghiệp, tiếp cận thị trường là điều nhà nông đang cần. Ảnh: L.Q
Hỗ trợ quảng bá sản phẩm nông nghiệp, tiếp cận thị trường là điều nhà nông đang cần. Ảnh: L.Q

Không dễ tồn tại

Bao nhiêu năm xoay đủ đường để duy trì hoạt động ổn định cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Điện Quang, Điện Bàn, Giám đốc HTX Nguyễn Đức Thành thấu hiểu những khổ cực của nhà nông. Nhìn nhận những chuyển biến đáng kể từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về tam nông với đời sống, ông Thành nói diện mạo nông thôn có rất nhiều đổi thay, mở ra nhiều cơ hội cho nhà nông, tạo cho họ tự tin với câu chuyện sản xuất của mình. Nhưng ông cũng bảo rằng: “Nếu để bà con thật sự yên tâm với nghề nông của mình thì còn xa lắm”. Nhiều HTX nông nghiệp không chịu được sức ép thị trường, đã phải tự mình giải thể. Nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp không tìm được đầu ra thị trường nên cũng không cầm cự nổi. Nên cái cần kíp, với nông dân bao đời như ông Thành, không phải là sự hỗ trợ đồng vốn nhiều ra sao, mà Nhà nước sẽ hỗ trợ như thế nào để nghề nông, người làm nông nghiệp có thể đứng vững.

Ở một góc độ khác, dầu là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, phần lớn dân cư chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng với Quảng Nam, việc quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, thị trường nông sản vẫn chưa được đặt đúng trọng tâm. Và cũng từ điều đó, nông dân đã chuyển sang nhiều nghề khác tại địa phương, dù đất ruộng vườn họ vẫn còn đó. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói, những chính sách để “giữ chân” nhà nông với ruộng đồng, giữ đất vẫn còn sở hữu của nông dân, mới chỉ mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Trong khi đó, số lượng người “ly nông” từ lâu đã thành làn sóng, với việc làm công nhân tại các khu công nghiệp, hoặc các công việc tay chân tại chỗ có thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, phong trào khởi nghiệp bắt đầu chưa lâu, nhưng điểm sơ các mô hình khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp, đã có nhiều ý tưởng, dự án bất thành. Hầu hết mô hình khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp đều gặp nhiều khó khăn. Ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chủ nhiệm các dự án khởi nghiệp về nông nghiệp cho biết, các dự án khởi nghiệp sáng tạo ở nông nghiệp chưa thật sự hoàn hảo, phù hợp. Các khó khăn thường thấy vẫn là khoa học công nghệ áp dụng vào mô hình cụ thể chưa đồng bộ, thậm chí chưa hợp lý. “Các bạn làm mô hình nhà kính, nhà lưới, trồng rau trong dung dịch nhưng hệ thống nhà kính, nhà lưới chưa được thiết kế phù hợp với điều kiện thời tiết có những tháng nắng nóng, có những tháng hay gặp gió bão như Quảng Nam. Mô hình cũng chưa trang bị bộ cảm biến, kết nối vi tính, internet kiểm soát hàm lượng dinh dưỡng trong dịch dưỡng, kiểm soát độ ẩm không khí, nhiệt độ… nên chất lượng sản phẩm chưa được như mong muốn” - ông Nghi nêu ví dụ.

Người trẻ rất cần sự tư vấn, hỗ trợ để có thể khởi nghiệp bền vững cùng nông nghiệp. Ảnh: Q.T
Người trẻ rất cần sự tư vấn, hỗ trợ để có thể khởi nghiệp bền vững cùng nông nghiệp. Ảnh: Q.T

Nhà nông cần gì?

Bàn về phong trào khởi nghiệp từ nông nghiệp của người trẻ hiện nay, ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chủ nhiệm các dự án khởi nghiệp về nông nghiệp nhìn nhận, có nhiều bạn trẻ đã nghiên cứu thị trường trước khi tiến hành khởi nghiệp, nhưng cũng có không ít bạn chỉ làm cái mình đam mê, mình biết có thể làm được, mà chưa nghiên cứu nhu cầu thị trường nên chưa thiết lập được kênh phân phối, chưa hình thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nên gặp khó khăn đầu ra sản phẩm. Ông Nghi còn cho rằng, vấn đề quan trọng nhất đối với các bạn trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp hiện nay là sự liên kết cộng đồng, nhóm còn yếu nên chưa hỗ trợ lẫn nhau. “Các bạn còn thiếu nhiều nguồn lực. Trước hết là nhân lực, thường các bạn khởi nghiệp một cách đơn lẻ, ít liên kết tạo nhóm có cùng chí hướng, niềm đam mê và biết cách khai thác kiến thức phù hợp. Thiếu hệ thống các nhà tư vấn, hỗ trợ. Rồi, thiếu vốn, thiếu đất đai…”  - ông Nghi nói.

Quá nhiều thách thức cho một giai đoạn mà quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Nhà nông cần sự đồng hành từ chính sách, thủ tục cho đến việc tạo cơ hội để họ tiếp cận với thị trường một cách bài bản. Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) nói, nếu địa phương nào còn giữ được các HTX thì Nhà nước cần phải hỗ trợ để các mô hình này hoạt động hiệu quả. HTX nông nghiệp không phải là mô hình kinh doanh đơn thuần, mà là một chỗ tập hợp nông dân để chọn ra một nhóm người chịu trách nhiệm tiếp cận thị trường, điều phối sản xuất và hoạch định chính sách phát triển theo hướng Nhà nước hỗ trợ. Mang những “sứ mệnh” như vậy, nhưng HTX nông nghiệp muốn tranh thủ vốn từ sự hỗ trợ của Nhà nước lại gặp khá nhiều khó khăn. Chưa kể xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp còn quá ít. “Tôi đơn cử, tỉnh Đồng Tháp hàng tháng đều có truyền thông cập nhật giá cả, thị trường để nông dân biết mà dự lường sản xuất. Quảng Nam vẫn chưa thấy. Các hội chợ hầu như chỉ dành cho sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoặc hàng có sẵn từ nơi khác tới” - ông Thành nói. Do đó, ông Thành cho rằng, việc đào tạo nghề cho nông dân, tiến đến sản xuất theo chuỗi, chế biến thành phẩm từ nguyên liệu nông sản… là những cách thức hỗ trợ mà nông dân đang rất cần. Chưa kể, trong quảng bá giới thiệu nông sản, nông dân cần phải được hỗ trợ để có thể mang sản phẩm của mình đến với đông đảo người tiêu dùng.

Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, muốn hỗ trợ nông dân, đã đến lúc Quảng Nam cần phải có quy hoạch sản xuất nông nghiệp được thực hiện một cách nghiêm túc. Có như vậy mới tránh được tình trạng kêu gọi “giải cứu” nông sản, nhà nông mới hết phập phồng mỗi lúc tới mùa thu hoạch. “Tôi đang nghĩ đến việc đề xuất thành lập các chợ đầu mối nông sản ở Quảng Nam. Đây là điều cần thiết. Sản xuất nông nghiệp đã đến thời điểm thực hiện việc tích tụ ruộng đất để hình thành những vùng sản xuất chuyên biệt. Và trên hết, làm thay đổi tư duy của nông dân để dần dần chuyển sang làm nông nghiệp sạch, an toàn và nông nghiệp hữu cơ” - ông Muộn nói thêm.

Với những trí thức về quê làm nông dân - những người đang sở hữu lượng tri thức lớn về nông nghiệp cũng như đường hướng kinh doanh, thị trường - trong các cuộc gặp, họ chia sẻ rằng, ở thời kỳ hội nhập và phát triển như hiện nay, điều cần thiết nhất “mở đường” cho nhà nông là phải có chính sách phù hợp. Và chính sách đó cần phải được làm đến nơi đến chốn. “Nhà nước cần có chính sách cụ thể hỗ trợ người làm nông nghiệp về quỹ đất, vốn vay ưu đãi. Chính quyền cần phải vào cuộc mạnh mẽ trong việc loại trừ sản phẩm hàng hóa nông nghiệp không rõ nguồn gốc xuất xứ” - anh Huỳnh Đức Tường - Giám đốc HTX Thực phẩm sạch Phú Ninh nói. Theo anh Tường, làm nông nghiệp sạch, an toàn và tiến tới nông nghiệp hữu cơ vẫn là hướng ưu việt của ngành nông nghiệp trong tương lai. Nhưng muốn người nông dân bền bỉ với con đường này, phải có lực lượng hỗ trợ người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp truy xuất nguồn hàng đến tận cùng, như vậy mới rộng chỗ cho nông sản sạch gia nhập thị trường…

Một thế hệ nông dân mới đang dần mở hướng để nền nông nghiệp Quảng Nam phát triển bền vững…

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN