Nông dân hội nhập - Bài 1: Bắt chuyện với đồng làng
Họ chọn cho mình tư duy sản xuất mới: không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, để tiến gần hơn đến một nền nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Như một cách để lại bắt chuyện gần gũi với đồng làng, gần gũi thiên nhiên…
Sản xuất rau hữu cơ ở làng Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, Hội An. Ảnh: L.QUÂN |
Làm nông không hóa chất
“Hoi An Organic” - thương hiệu rau hữu cơ Hội An được khá nhiều người tìm kiếm, đặc biệt ở thị trường TP.Đà Nẵng. Mỗi ngày, từ khá sớm, một tốp bạn trẻ ở trung tâm TP.Hội An về các làng rau Thanh Đông (Cẩm Thanh), Trà Quế (Cẩm Hà) để thu mua rau. Họ có thị trường tiêu thụ rau tương đối ổn định, với khách hàng là người dân địa phương, trường học, nhà hàng, các cửa hàng nông sản tại Hội An và Đà Nẵng. Mỗi ký rau gia vị có giá bán tại làng là 50.000 đồng; rau ăn lá và củ, quả cùng giá 24.000 đồng/kg. “Mỗi loại đều cao hơn 20% so với giá thị trường, nhưng vườn rau hữu cơ Thanh Đông chưa bao giờ thiếu khách. Thậm chí nông dân ở đây phải từ chối nhiều đơn hàng ngoài địa phương do sản phẩm làm ra vẫn còn ít so với nhu cầu. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, rau hữu cơ Thanh Đông không được tùy tiện tăng giá mà giá bán phải thông qua hiệp thương. Cho nên, dù hàng có khan hiếm thì nông dân vẫn giữ nguyên giá bán đã được thống nhất trước đó” - lão nông Phạm Mèo (làng rau Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, Hội An) chia sẻ.
Ít ai biết, hồi cuối năm 2017 lão nông trồng rau hữu cơ Phạm Mèo đã có chuyến sang Ấn Độ tham dự sự kiện gặp gỡ những nông dân tiêu biểu về làm nông nghiệp hữu cơ trên toàn thế giới do Liên đoàn Các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ quốc tế - IFOAM tổ chức. Hiện nay, tổ sản xuất rau hữu cơ ở làng Thanh Đông có 10 hộ tham gia với tổng diện tích canh tác hơn 10.000m2 do ông Phạm Mèo làm trưởng nhóm. Từ những “nông dân hóa học”, họ bây giờ trở thành những “nông dân organic” - nông dân hữu cơ. Ngay chính trên đồng đất của mình, nông dân Cẩm Thanh đã khiến đất “đẻ ra tiền”, khi thu nhập hiện tại cho công việc trồng rau hữu cơ gấp 3 lần so với trồng rau thông thường.
Chủ nhiệm Hợp tác xã Thực phẩm sạch Phú Ninh - Huỳnh Đức Tường với quyết tâm làm nông nghiệp sạch. Ảnh: LÊ QUÂN |
Như một điểm nhấn của hành trình làm nông nghiệp sau khi Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) ban hành nghị quyết về tam nông (tháng 8.2008), nhìn lại quãng đường bám mặt với đất của mình, những nông dân lâu đời đều chung một nhận thức rằng, mỗi ngày giảm đi được chừng nào hóa chất dùng cho đất thì ngày đó thấy vui hơn. Và đây cũng là mục tiêu mỗi ngày của nhiều hợp tác xã (HTX) tại Quảng Nam. Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) cho biết, chỉ có sản xuất hữu cơ, nông sản an toàn mới tạo được lòng tin lâu dài với khách hàng. Hầu như 43 hộ đang nhận canh tác 10ha đậu phụng tại Điện Quang - một hoạt động khởi đầu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi của HTX này, với sản phẩm “Dầu phụng đất Quảng” - đều ý thức được điều đó. Hướng đến một nền sản xuất sạch, an toàn và hữu cơ là hướng đi được lựa chọn sau rất nhiều năm loay hoay của ngành nông nghiệp xứ Quảng. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, dù thách thức và khó khăn rất lớn, nhưng vẫn phải vận động nông dân cố gắng vượt qua, bởi một nền nông nghiệp hữu cơ là vì sức khỏe và giống nòi của rất nhiều thế hệ sau…
Trí thức quay về làng
Kỳ vọng thế hệ nông dân mới Có những vấn đề liên quan đến nông nghiệp từ lâu đã được nhắc đến nhức nhối trong dư luận: nông sản không có thương hiệu, khai thác triệt để và canh tác lạc hậu dẫn đến suy thoái đất, lạm dụng thuốc hóa học ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường, nông dân không tự làm chủ cánh đồng của mình mà phụ thuộc vào thương lái... Chúng xoắn vào nhau thành một khối bế tắc. Và một bộ phận trí thức đã trở về quê làm nông để giúp cha anh mình gỡ ra, phản biện từng mục một. Đó là những Huỳnh Đức Tường, hay Bùi Ngọc Châu (Tiên Phước) cũng khởi đi từ ý tưởng về một nền nông nghiệp sạch mà cho ra đời một nghiên cứu làm nông với phương pháp hữu cơ vi sinh. Còn có Nguyễn Thanh Tuấn (Núi Thành), Võ Ngọc Sơn (Duy Xuyên)... cùng hơn 30 con người khác đều ở độ tuổi rất trẻ, đang hình thành nên một lớp nông dân trí thức mới của xứ Quảng. Chính họ, kỳ vọng sẽ là lớp người giải được bài toán nông nghiệp đang gặp trúc trắc ở nhiều khâu một cách cụ thể, khoa học, thông qua từng bước đi chắc chắn của việc dần hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ. |
Chính những nhận thức về một nền nông nghiệp trong tương lai, đã sinh ra một thế hệ những người trí thức muốn quay về quê nhà để… làm nông. Chủ nhiệm HTX Thực phẩm sạch Phú Ninh - Huỳnh Đức Tường (33 tuổi) đang “ôm” rất nhiều việc để đưa tham vọng về một nền nông nghiệp sạch đến gần hơn với người tiêu dùng. Những ngày này, anh tất tả khắp nơi để kịp cuối tháng 7 cho ra đời cửa hàng rau an toàn thứ 3 của mình tại TP.Tam Kỳ. Một trang trại rau sạch diện tích 7ha với hơn 20 người làm việc tại Tam Đàn (Phú Ninh), chưa kể 2 mô hình chăn nuôi gà và vịt tại Tam Phú (Tam Kỳ) và Tam Thái (Phú Ninh), một ngày của Tường hầu như không có thời gian trống.
Tôi hỏi điều kỳ diệu nào khiến anh có thể bỏ ngang công việc ngon lành để chạy về quê làm nông, Tường nói, một trong những lý do cho ra hàng loạt ý tưởng về nông nghiệp của anh xuất phát từ chỗ làm việc trong những hãng sản xuất của nước ngoài, đều về dinh dưỡng. Những hiểu biết trong quá trình phân tích thị trường lẫn việc học hỏi trong nghiên cứu của các công ty từng làm việc đã thôi thúc anh phải làm một điều gì đó, ngay trên mảnh đất quê mình. Những cánh đồng không hóa chất. Những loại rau an toàn rõ nguồn gốc xuất xứ để tạo lòng tin với người tiêu dùng. Trên hết, hình thành nên một tư duy sản xuất mới trong những nông dân đang bám mặt với ruộng đồng.
Những mưu cầu của Huỳnh Đức Tường, có lẽ khá điên rồ với nhiều người. Nhưng anh đã làm được.
Nông sản của Huỳnh Đức Tường được đưa vào hệ thống siêu thị Big C, Co.op Mart, Vin Mart tại TP.Đà Nẵng và TP.Tam Kỳ. Một số cơ sở giáo dục, mầm non tư thục chọn nguyên liệu cho bữa ăn của trẻ từ cánh đồng rau sạch của Huỳnh Đức Tường. Anh Tường bây giờ bắt tay với nông dân, tự tổ chức liên kết với nhà nông bằng cách tham dự ngay ở công đoạn sản xuất với họ. “Người nông dân sau quá nhiều vụ “bỏ chạy” của doanh nghiệp, bắt đầu hoài nghi với chuyện liên kết. Lòng tin với mình không có thì rất khó để làm ăn. Tôi tạo lòng tin từ họ, bằng cách tham gia cổ phần với từng nhóm sản xuất, để họ thấy mình hiện diện bằng chính đồng vốn của mình” - Huỳnh Đức Tường nói. Những nhóm nông dân HTX Thực phẩm sạch Phú Ninh chọn hợp tác đều chưa từng có kinh nghiệm sản xuất rau an toàn. Nhưng ngược lại, họ hiểu biết về tác hại của hóa chất tác động trên đồng đất của mình. Tường nói, anh có đầu ra thị trường, có chuyên gia, người nông dân có đất, có kinh nghiệm sản xuất. Sự kết hợp này từng bước đưa ra thị trường những loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ. Và hơn hết, thay đổi tư duy sản xuất từ bao đời của nhà nông.
LÊ QUÂN
Bài 2: Cứu đất…
Chọn mô hình “nông nghiệp tiếp cận đa ngành”, dù vẫn còn đó những cánh đồng bị bỏ lại, nhưng rất nhiều ngôi làng, mảnh ruộng, vườn rau được “cứu” từ cách thức này.