Nông dân Duy Phước thắc mắc mức thu thủy lợi phí
(QNO) - Thời gian qua, người dân ở xã Duy Phước (Duy Xuyên) thắc mắc và bức xúc vì cho rằng mức thu thủy lợi phí của địa phương cao hơn so với những nơi khác.
Nông dân xã Duy Phước cho rằng mức thu thủy lợi phí 45 nghìn đồng/sào/vụ là cao. Ảnh: PHAN VINH |
Ông Trương Đức Huynh (73 tuổi, thôn Lang Châu Nam, xã Duy Phước) có gần 7,5 sào đất canh tác. Những năm qua, việc phục vụ thủy lợi để tưới tiêu đồng ruộng ở cánh đồng của ông cũng như cho tất cả hộ dân khác trên địa bàn xã đều do Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Duy Phước đảm nhận. Mỗi vụ sản xuất, ông Huynh phải đóng gần 340 nghìn đồng tiền phí dịch vụ thủy lợi (khoảng 45 nghìn đồng/sào ruộng). “Mức thu này theo tôi là cao hơn so với những địa phương lân cận như xã Duy Thành, thị trấn Nam Phước... Họ chỉ đóng khoảng 25 - 30 nghìn đồng/sào/vụ mà thôi. Điều này khiến nhân dân chúng tôi rất thắc mắc” - ông Huynh nói.
Còn ông Trương Văn Đông (50 tuổi, thôn Lang Châu Nam) có 3 sào ruộng sử dụng nước tưới thủy lợi do HTX Nông nghiệp Duy Phước cung cấp. Ông Đông cho rằng: “Mức thu 45 nghìn đồng/sào/vụ của HTX là khá cao. Làm nông bây giờ đã tốn nhiều chi phí, nay lại thêm thủy lợi phí nặng như vậy thành ra tôi không lời lãi gì nhiều. Bởi tính tất cả các khoản từ dịch vụ thủy lợi phí, tiền cải tạo đồng ruộng, phân, thuốc, đến thu hoạch thì cũng đã gần 1 triệu đồng mỗi sào”.
Theo ông Lê Trung Nam - Giám đốc HTX Nông nghiệp Duy Phước, hiện tại đơn vị phục vụ tưới tiêu thủy lợi cho khoảng 300ha lúa, 75ha hoa màu của người dân xã Duy Phước và 50ha lúa của người dân xã Duy Vinh. Đối với xã Duy Phước, địa phương áp dụng mức thu phí là 45 nghìn đồng/sào/ vụ; trong đó, 10% diện tích thuộc các hộ gia đình khó khăn, gia đình chính sách được miễn giảm ở khoản thu này. Tuy nhiên, trong mức thu này có nhiều khoản, ngoài tiền chi trả cho dịch vụ thủy lợi và công tác chống hạn, chống mặn (35 nghìn đồng), còn có 10 nghìn đồng tiền đối ứng kiên cố hóa kênh mương nội đồng theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Theo các hợp tác xã thì trong khoản thu 45 nghìn đồng có nhiều khoản gồm dịch vụ thủy lợi phí, chống hạn, chống mặn và đối ứng kinh phí kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Ảnh: PHAN VINH |
“Tiền đối ứng là để xây dựng kênh mương nội đồng, vì không thể thu một lần, sẽ rất khó với người dân nên chúng tôi chia nhỏ, thu gối đầu qua các năm. Ngoài ra, trong phí thu dịch vụ thủy lợi và chống hạn, chống mặn thì chi vào công tác chống mặn là chủ yếu. Nặng nhất là vụ hè thu, toàn xã có hơn 400ha đất bị nhiễm mặn. Chi phí chống mặn khoảng 100 - 150 triệu đồng mỗi đợt, trong khi khoảng hỗ trợ từ cấp trên cho công tác này còn rất thấp, chỉ khoảng 30 - 60 triệu đồng mỗi đợt. Đây là lý do mà mức thu cao hơn so với những nơi khác” - ông Nam lý giải.
Bà Huỳnh Thị Hường - Chủ tịch UBND xã Duy Phước cho biết, theo Nghị quyết 18/2013/QĐ-UBND ngày 3.7.2013 của UBND tỉnh về quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước trên địa bàn tỉnh là 25 nghìn đồng/sào/vụ và không được thu quá 1,5 lần so với mức này (khoảng 37 nghìn đồng). Trong khi đó, mức thu của HTX Nông nghiệp Duy Phước ở khoản này là 35 nghìn đồng trong tổng thu là 45 nghìn đồng.
“Đối với mức thu 45 nghìn đồng đúng là cao hơn so với những địa phương khác. Nhưng vì lý do đặc thù của địa phương, giao cho HTX Nông nghiệp Duy Phước đảm nhận việc dịch vụ thủy lợi, chống hạn, chống mặn và đối ứng xây dựng kiên cố hóa kênh mương nội đồng nên việc thu - chi do HTX tự cân đối. Hằng năm, các đoàn của Phòng Tài chính huyện thẩm định, Phòng NN&PTNT giám sát nhưng không phát hiện sai phạm. Sắp tới, chúng tôi sẽ yêu cầu HTX Nông nghiệp Duy Phước phải công khai niêm yết mức thu dịch vụ thủy lợi và các khoản khác; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về mức thu này để người dân nắm rõ hơn” - bà Hường nói.
PHAN VINH