Sản xuất nông nghiệp hàng hóa - Bài 2: Hợp tác giải quyết đầu ra nông sản

NGUYỄN SỰ - PHI THÀNH 23/07/2018 09:46

Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua các hợp tác xã (HTX) để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là yêu cầu tất yếu trong phát triển nông nghiệp hàng hóa và bền vững. Thực tiễn cho thấy, nhờ tạo dựng mối liên kết này, các loại nông sản chủ lực đảm bảo đầu ra ổn định, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân...

Tin liên quan

  • Sản xuất nông nghiệp hàng hóa - Bài 1: Tạo động lực liên kết
Bình quân mỗi năm nông dân trên địa bàn tỉnh hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất 3.500 - 4.000ha giống lúa hàng hóa.Ảnh: VĂN SỰ
Bình quân mỗi năm nông dân trên địa bàn tỉnh hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất 3.500 - 4.000ha giống lúa hàng hóa.Ảnh: VĂN SỰ

Liên kết sản xuất giống lúa

Đông xuân 2017 - 2018, ông Nguyễn Văn Thanh ở xã Đại Nghĩa (Đại Lộc) liên kết với Công ty CP Giống cây trồng miền Nam - Chi nhánh miền Trung sản xuất 4 sào giống lúa lai Nhị ưu 838 theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm. Hầu hết ruộng lúa giống phát triển tốt và đạt năng suất khá cao. Ông Thanh chia sẻ: “Vụ vừa qua, bình quân 1 sào giống lúa lai Nhị ưu 838 cho năng suất 140kg khô. Với cách quy đổi 1kg hạt giống bằng 5kg lúa thương phẩm thì mỗi sào tôi thu được 700kg thóc thịt. Theo thị trường tại thời điểm doanh nghiệp thu mua sản phẩm, 1kg thóc thịt có giá sàn 6.200 đồng thì tổng giá trị 1 sào đất sản xuất giống lúa lai Nhị ưu 838 đạt gần 4,4 triệu đồng. Trong khi đó, trước đây làm lúa thương phẩm mỗi vụ 1 sào chỉ cho mức thu nhập 1,8 - 2 triệu đồng. Không chỉ giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích tăng mạnh, việc liên kết sản xuất này còn giúp nhà nông chúng tôi yên tâm về chuyện đầu ra sản phẩm vì đã có doanh nghiệp đảm trách”.

Ông Nguyễn Văn Quang – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Đại Lộc cho hay, nhờ tích cực triển khai công tác dồn điền đổi thửa, ưu tiên nguồn lực xây dựng hạ tầng thủy lợi và giao thông nội đồng để hình thành hàng loạt mô hình cánh đồng mẫu lớn nên những năm qua nông dân ở nhiều địa phương của huyện có điều kiện liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất giống lúa hàng hóa với quy mô lớn nhất tỉnh. Riêng vụ đông xuân 2017 - 2018 các HTX nông nghiệp đã đứng ra làm khâu trung gian để nông dân trên địa bàn huyện “bắt tay” với nhiều công ty sản xuất 1.990ha giống lúa hàng hóa theo phương thức bao tiêu đầu ra sản phẩm. Trong đó, có 210ha hạt giống lúa lai 3 dòng thế hệ F1 và 1.780ha hạt giống lúa thuần các loại. Ông Quang nói: “Trong vụ đông xuân vừa qua bình quân 1ha đất sản xuất hạt giống lúa lai đạt giá trị 75 - 85 triệu đồng, tăng 40 - 45 triệu đồng so với làm lúa thương phẩm và 1ha đất sản xuất hạt giống lúa thuần cho mức thu nhập 50 triệu đồng, tăng 15 triệu đồng so với làm thóc thịt”.                   

Lối mở trong chăn nuôi

Ông Nguyễn Sửu - Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, bên cạnh việc liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa với diện tích bình quân mỗi vụ 200 - 250ha, mấy năm gần đây người dân ở nhiều địa phương của huyện cũng đã hợp tác với một số doanh nghiệp hình thành các mô hình chăn nuôi heo thịt, gà thịt theo phương thức an toàn dịch bệnh với quy mô lớn. Mô hình này được thực hiện theo cách người dân đầu tư cải tạo những khu vườn rộng rồi tự bỏ tiền xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường. Còn doanh nghiệp đảm nhận việc cung cấp con giống, thức ăn, vắc xin tiêm phòng, hóa chất phun tiêu độc và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, đặc biệt là chịu trách nhiệm trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Tính đến thời điểm này toàn huyện có 15 cơ sở chăn nuôi heo thịt, gà thịt với số lượng lớn có sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân. Đối với gà thịt, mỗi năm 1 mô hình nuôi 3 lứa, mỗi lứa từ 1.000 - 2.000 con. Còn đối với heo thịt, mỗi năm 1 cơ sở nuôi 2 - 3 lứa, mỗi lứa từ 500 - 1.000 con. “Phần lợi nhuận của các doanh nghiệp, chúng tôi không nắm rõ. Riêng về phần người dân, qua khảo sát cho thấy bình quân hằng năm 1 mô hình có mức lãi ròng 300 - 400 triệu đồng”  - ông Sửu nói.

Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có ít nhất 70 cơ sở chăn nuôi gia công gà thịt, heo thịt cho các doanh nghiệp lớn như Công ty Chăn nuôi Việt Nam, Công ty CP Thái Việt... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài Đại Lộc, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh cùng chính quyền các địa phương khác cũng nỗ lực xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn, đẩy mạnh việc liên doanh liên kết để giúp nhà nông hợp tác sản xuất giống lúa hàng hóa nhằm tạo sự ổn định về đầu ra sản phẩm và nâng cao nguồn thu nhập. Ông Nguyễn Định – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật thông tin, vụ đông xuân vừa rồi 38 doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh tìm đến Quảng Nam liên kết với nông dân sản xuất tổng cộng 3.740ha giống lúa các loại, trong đó có 3.453ha giống lúa thuần và 287ha giống lúa lai. Theo ông Định, việc sản xuất hạt giống lúa lai giúp nhà nông tăng gấp đôi giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích so với canh tác lúa thương phẩm, còn sản xuất hạt giống lúa thuần thu nhập sẽ tăng thêm 25 - 35% so với làm thóc thịt…

Hợp tác “giải cứu” cây ớt

Vụ đông xuân 2017 - 2018, ông Hồ Tấn Vĩnh ở thôn Lệ Bắc (Duy Châu, Duy Xuyên) canh tác 4 sào ớt. Nhờ nước tưới chủ động, chú trọng đầu tư thâm canh, phòng trừ hiệu quả các loại dịch hại nên hầu hết ruộng ớt đều phát triển tốt và năng suất bình quân mỗi sào đạt 1,7 tấn quả tươi. Theo ông Vĩnh, nhờ ngay từ đầu vụ ông liên kết với HTX Nông nghiệp Lệ Bắc tổ chức sản xuất theo phương thức bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm nên khi tiến hành thu hoạch rộ không gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. “Không chỉ đảm nhận khâu hướng dẫn kỹ thuật và cung ứng hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất mà trước khi triển khai gieo trồng HTX Nông nghiệp Lệ Bắc còn cam kết thu mua ớt quả tươi với mức giá bình quân 5.000 đồng/kg. Nhờ bán sản phẩm với giá tương đối cao nên tôi thu về hơn 33 triệu đồng từ chừng đó diện tích đất sản xuất. Trong khi đó, từ đầu đến cuối vụ đông xuân vừa rồi giá ớt trên thị trường giảm xuống còn 2.000 - 3.000 đồng/kg khiến hàng nghìn hộ dân ở nhiều địa phương của tỉnh điêu đứng vì thua lỗ nặng” – ông Vĩnh chia sẻ.

Đâu riêng ông Vĩnh, vụ đông xuân vừa qua hơn 170 hộ dân khác ở thôn Lệ Bắc cũng liên kết với HTX Nông nghiệp Lệ Bắc và Công ty TNHH Thương mại - xuất nhập khẩu Việt Thắng (đóng tại tỉnh Hải Dương) tổ chức sản xuất tổng cộng 35ha ớt theo phương thức bao tiêu sản phẩm. Theo hợp đồng đã ký kết, toàn bộ sản lượng ớt số hộ dân trên làm ra sẽ được 2 đơn vị vừa nêu tiến hành thu mua hết. Nếu giá ớt trên thị trường tăng cao, HTX Nông nghiệp Lệ Bắc và Công ty TNHH Thương mại - xuất nhập khẩu Việt Thắng sẽ thu mua theo giá thị trường. Còn trong trường hợp giá ớt trên thị trường tụt giảm mạnh (dưới 4.500 đồng/kg) thì 2 đơn vị này vẫn thu mua sản phẩm với mức giá sàn thấp nhất là 4.500 - 5.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Phê - Giám đốc HTX Nông nghiệp Lệ Bắc nói: “Mặc dù thị trường biến động mạnh, giá ớt rớt thê thảm nhưng mùa vừa rồi chúng tôi vẫn tiến hành thu mua hết sản phẩm của nông dân Lệ Bắc theo đúng giá sàn đã cam kết và thanh toán tiền nong sòng phẳng cho bà con. Đông xuân năm nay bình quân 1ha ớt ở địa phương cho năng suất 30 tạ, quy ra giá trị đạt 135 - 150 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, nhà nông lãi ròng 85 - 95 triệu đồng/ha/vụ”.

Không chỉ thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng đã ký với HTX Nông nghiệp Lệ Bắc và nông dân địa phương này, trước tình trạng giá bán sản phẩm trên thị trường tụt giảm mạnh, vụ đông xuân vừa qua Công ty TNHH Thương mại - xuất nhập khẩu Việt Thắng cũng tiến hành thu mua ớt quả tươi của người dân các xã khác trên địa bàn huyện Duy Xuyên với mức thấp nhất là 4.500 - 5.000 đồng/kg nhằm tạo niềm tin trong nhân dân và hướng đến mở rộng vùng liên kết sản xuất, bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên chia sẻ: “Đông xuân vừa rồi, toàn huyện sản xuất gần 100ha ớt. Trước tình cảnh thị trường tiêu thụ quá khó khăn, nếu không có doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm thì chắc chắn Duy Xuyên sẽ ứ đọng một sản lượng ớt khá lớn và tình trạng ớt chín rụng, hư thối hàng loạt trên ruộng là điều khó tránh khỏi. Từ thực tế đó cho thấy, việc nhân rộng những mô hình liên kết sản xuất theo phương thức bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua các HTX, tổ hợp tác là xu hướng tất yếu nhằm phát triển ngành nông nghiệp bền vững”.

----------------------
Bài cuối: Thúc đẩy liên kết bền vững

NGUYỄN SỰ - PHI THÀNH

NGUYỄN SỰ - PHI THÀNH