Chuyển đổi quỹ đất nông nghiệp
Ngành nông nghiệp đã và đang tái cơ cấu toàn diện các lĩnh vực sản xuất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, vì vậy không ít quỹ đất cây trồng và nuôi trồng truyền thống kém hiệu quả đã được chuyển đổi phù hợp.
Huyện Duy Xuyên chuyển đổi mạnh đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp. Ảnh: TR.HỮU |
Quảng Nam có lợi thế phát triển tam nông (nông nghiệp, nông thôn và nông dân) nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng để tạo thế đột phá cho nông nghiệp. Định hướng phát triển trở thành tỉnh công nghiệp đến năm 2020 theo hướng hiện đại đã buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp. Thêm vào đó, chính quyền tỉnh buộc phải điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất đai phục vụ tam nông cho phù hợp thực tế và tầm nhìn dài hạn…
Giảm đất lúa và nuôi trồng thủy sản
Trong 2 năm 2013 - 2014, tại các xã Bình Hải, Bình Nam (Thăng Bình), Tam Tiến, Tam Hòa (Núi Thành) bùng phát phong trào nuôi tôm lót bạt trên cát. Thời điểm này, nguồn cầu rất lớn, đặc biệt là thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng con tôm thẻ chân trắng nên người dân “nhảy” theo con tôm. Hệ lụy là nhiều diện tích đất lâm nghiệp, trồng cây lâu năm đã chuyển đổi sang nuôi tôm lót bạt. Thậm chí không ít diện tích ao nuôi vùng triều dọc sông Trường Giang vốn quen thuộc với con tôm nước lợ cũng chuyển sang hình thức lót bạt nuôi tôm thẻ chân trắng. Có thực tế sau khi chính quyền quy hoạch vùng nuôi tạm thì hàng trăm héc ta đất rừng với chức năng phòng hộ, trồng cây lâu năm ven biển đã biến thành cánh đồng tôm. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sở NN&PTNT, giai đoạn 2013 - 2018 diện tích đất dành cho nuôi trồng thủy sản khá ổn định (7.000ha/năm). Đánh giá về phát triển diện tích nuôi và sản lượng khai thác giai đoạn này, ngành nông nghiệp cho rằng có sự phù hợp với kế hoạch tái cơ cấu lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, 5 năm qua đã có sự thay đổi giảm về diện tích nuôi do liên quan đến quy hoạch của Khu kinh tế mở Chu Lai, giảm diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bằng hình thức lót bạt. Có thể lý giải được nguyên nhân quỹ đất ao nuôi lót bạt giảm do tâm lý người dân còn e dè với thị trường giá cả, địa phương thì chưa mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng vùng triều. Thêm vào đó người nuôi còn bị động trong khâu quản lý môi trường, chưa chủ động phòng chống dịch bệnh. Thống kê của Chi cục Thủy sản cho thấy, diện tích dành cho nuôi trồng thủy sản năm 2014 là 8.220ha thì đến tháng 6.2018 giảm còn 6.430ha. “Thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản nước ngọt thiếu ổn định, chủ yếu nội địa. Các biện pháp kỹ thuật áp dụng trong sản xuất chưa đồng bộ, tạo nên sự kém bền vững trong các lĩnh vực môi trường, kinh tế xã hội và sinh kế lâu dài cho người dân” - bà Tâm phân tích.
Giảm rõ nhất là quỹ đất lúa do chuyển đổi mục đích sang cây trồng trên cạn. Theo thống kê, trong 2 năm trở lại đây diện tích đất trồng lúa của tỉnh giảm khoảng 600ha. Theo kế hoạch sử dụng đất, đến 2020 sẽ chuyển khoảng 2.121ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, trong đó nhiều diện tích trồng lúa nằm ở vị trí thuận lợi về hạ tầng giao thông. Lý giải về thực trạng giảm đất lúa, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Viễn nhận định, áp lực tạo nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng cho chương trình xây dựng nông thôn mới nên các xã phường đều khai thác quỹ đất, sử dụng đất chuyên trồng lúa nước dọc theo các trục đường giao thông làm tăng chỉ tiêu chuyển mục đích đất lúa.
Tăng diện tích đất cây trồng cạn
Nếu như các cánh đồng lúa và nuôi tôm bị thu hẹp diện tích thì nhiều địa phương mở rộng vùng chuyên canh cây trồng trên cạn, đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường bởi hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn. Nằm sát lòng hồ thủy lợi Phú Ninh, nhưng hàng chục năm nay cánh đồng Eo Gió xã Tam Lộc (Phú Ninh) vẫn luôn trong tình trạng thiếu nước tưới dai dẳng. Nông dân chỉ biết chờ nước trời vì hệ thống tưới tiêu thủy lợi chưa được đầu tư đúng mức. Để không bỏ hoang ruộng vụ hè thu, chính quyền vận động người dân chuyển đổi diện tích lúa sang các loại cây trồng chịu hạn như đậu phụng sẻ Tây Nguyên, giống môn ca ri, bắp. Trước đây, ít nhất có vài héc ta đất sản xuất ở cánh đồng Eo Gió bỏ hoang hóa vụ hè thu, nhưng nay đã phủ màu xanh bởi các loại cây trồng trên cạn. Theo UBND xã Tam Lộc, có gần 30ha đất lúa không chủ động được nguồn nước đã được quy hoạch chuyển đổi sang trồng môn, đậu phụng, bắp. Theo tính toán, hiệu quả của các loại cây trồng này cao gấp đôi so với trồng lúa. Sở NN&PTNT cho rằng, để tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, vụ hè thu 2017 - 2018 nhiều địa phương trong tỉnh hướng dẫn nông dân tiếp tục duy trì diện tích chuyển đổi các năm trước và tiếp tục chuyển đổi đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng cạn ngắn ngày có hiệu quả cao hơn. Trong vụ đông xuân vừa qua, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cây trồng từ sản xuất lúa sang cây trồng cạn với diện tích 387ha. Trong đó, một số địa phương tiếp tục chuyển đổi với diện tích lớn như Đại Lộc 112ha, Duy Xuyên 100ha, Hiệp Đức 70ha...
Theo tính toán của ngành nông nghiệp, lợi nhuận từ cây đậu phụng cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Ngành nông nghiệp thống kê, từ 2014 đến nay, nhiều địa phương chấp nhận bỏ đất lúa kém hiệu quả chuyển sang sản xuất rau màu các loại với tổng diện tích hơn 3.000ha, trong đó chủ yếu chuyển sang trồng đậu phụng, bắp, sắn, rau đậu các loại. Vì sao quỹ đất rau màu không ngừng mở rộng? Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cái chính là do tinh thần tích tụ ruộng đất, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa và giá trị kinh tế từ đất rau màu đem lại cao hơn thâm canh cây lúa trên cùng diện tích canh tác. Theo tính toán, lợi nhuận từ cây đậu phụng gần 17 triệu đồng/ha, đậu xanh 20,8 triệu đồng/ha; trong khi đó lợi nhuận từ sản xuất lúa chỉ khoảng 3 triệu đồng/ha, thậm chí có nơi lấy công làm lời.
Một trong những nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp là tìm ra giải pháp khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai bằng cơ chế liên kết 4 nhà “Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp”. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành hàng loạt cơ chế chính sách ưu đãi tạo điều kiện cho doanh nghiệp/tổ chức thuê đất để đầu tư, phát triển trồng trọt tập trung trên quy mô lớn, sản xuất sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng. Cạnh đó là khuyến khích nông dân tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện rộng, sản xuất trồng trọt theo chuỗi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
TRẦN HỮU