Đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi - Bài 3: Thiếu nguồn vốn

NGUYỄN SỰ 11/07/2018 10:02

Những năm gần đây, tình trạng khô hạn và nhiễm mặn ngày càng diễn ra gay gắt khiến nhiều cánh đồng phải chịu cảnh bỏ hoang vì thiếu nguồn nước tưới. Hiện nay, nhu cầu xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ở hầu hết địa phương đều rất lớn nhưng vấn đề nan giải nhất là nguồn lực tài chính quá eo hẹp…

Tin liên quan

  • Đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi - Bài 2: Nâng cao hiệu quả sản xuất
  • Đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi - Bài 1: Ưu tiên nguồn lực
Nhiều địa phương rất cần vốn để tiếp tục kiên cố hóa hệ thống kênh mương. Ảnh: VĂN SỰ
Nhiều địa phương rất cần vốn để tiếp tục kiên cố hóa hệ thống kênh mương. Ảnh: VĂN SỰ

Nhiều cánh đồng bỏ hoang

Nắng nóng hầm hập, từng đợt gió nam thổi mạnh khiến da mặt bỏng rát. Dẫn chúng tôi lội quanh 4 sào đất lúa còn lô nhô gốc rạ trên xứ đồng Hố Bà Bia, ông Phạm Cho ở thôn Phước Thành (Quế Thuận, Quế Sơn) than phiền: “Bây giờ, tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, những ruộng lúa hè thu xanh mướt đang đẻ nhánh rộ. Còn ở quê tôi, không ít diện tích đất lúa phải chịu cảnh bỏ hoang vì chẳng biết tìm đâu ra nguồn nước để đổ ải gieo sạ”. Theo lời ông Cho, cánh đồng Hố Bà Bia có khoảng 10ha đất lúa. Trước đây, nhờ con đập dâng trong vùng có nhiều nước nên việc sản xuất lúa diễn ra khá thuận lợi và bình quân mỗi vụ năng suất đạt 260 - 280kg/sào. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, do lượng nước chảy về đập cứ ít dần, trong khi đó cát đá lại bồi lấp lòng đập nghiêm trọng và không được các đơn vị liên quan nạo vét, khơi thông nên nước tưới cho cây trồng là câu chuyện nan giải. “Vì nguồn nước tưới quá khó khăn nên thời gian qua gia đình tôi và nhiều hộ dân khác ở địa phương chỉ gieo sạ được vụ đông xuân, còn hè thu thì đành chấp nhận bỏ hoang ruộng cho cỏ dại mọc um tùm. Để trang trải cuộc sống, cứ sau khi thu hoạch lúa đông xuân là tôi cùng nhiều nông dân trong vùng phải đi khắp nơi làm phụ hồ và đủ nghề khác” - ông Phạm Cho chia sẻ.

Linh hoạt huy động và lồng ghép nhiều nguồn vốn

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngoài 6.000ha lúa rẫy tập trung ở các huyện miền núi cao, hiện nay mỗi vụ toàn tỉnh sản xuất khoảng 43.000ha lúa nước. Tuy nhiên, trong tổng số diện tích lúa nước vừa nêu thì có 38.000ha cơ bản đảm bảo nguồn nước tưới trong cả 2 vụ đông xuân và hè thu; còn lại 5.000ha không chủ động tưới, nhất là trong vụ hè thu. Những năm gần đây biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng khô hạn và nhiễm mặn diễn ra gay gắt khiến nhiều diện tích lúa khó khăn nước tưới phải chịu cảnh bỏ hoang hoặc nông dân chuyển sang gieo trồng các loại hoa màu nhưng không mang lại hiệu quả…  

Trong khi đó, ông Phạm Đình Thành – Trưởng phòng Kế hoạch & tài chính (Sở NN&PTNT) nhìn nhận: “Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn đến nay, mặc dù Quảng Nam đã ưu tiên rất nhiều nguồn lực cho việc thi công hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nhưng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Trước yêu cầu bức bách của các địa phương, từ nay đến năm 2020 tỉnh sẽ cố gắng linh hoạt huy động và lồng ghép nhiều kênh vốn để bình quân mỗi năm đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng những công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu, kiên cố hóa kênh mương theo chỉ tiêu Nghị quyết số 205/NQ-HĐND (ngày 26.4.2016) của HĐND tỉnh đề ra”.

Ông Phan Duy Thanh - Chủ tịch UBND xã Quế Thuận cho biết, không riêng xứ đồng Hố Bà Bia của thôn Phước Thành, hiện nay tại địa phương cũng có rất nhiều cánh đồng sản xuất lúa chịu cảnh tương tự. Ông Thanh nói: “Trên địa bàn 6 thôn của Quế Thuận có 267ha đất lúa. Vụ đông xuân, nhờ thường xuất hiện mưa nên nhà nông cơ bản canh tác hết số diện tích vừa nêu. Thế nhưng, vụ hè thu do nắng nóng quá gay gắt khiến nhiều hồ đập, sông suối cạn kiệt nước nên chỉ đổ ải gieo sạ được 134ha, còn lại 133ha không thể sản xuất lúa được. Trong số 133ha đất lúa không thể gieo sạ đó thì dù cố gắng mấy cũng chỉ chuyển đổi được 15ha sang gieo trồng các loại hoa màu, còn lại phần lớn diện tích phải bỏ hoang”. Trong khi đó, ông Nguyễn Sửu – Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn thông tin, toàn huyện có 3.800ha đất lúa nhưng do hệ thống hồ chứa, đập dâng, trạm bơm điện, kênh mương chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ và bài bản nên lâu nay vụ hè thu nào cũng chỉ sản xuất được khoảng 3.000 - 3.100ha, còn lại 700 - 800ha không thể gieo sạ được vì quá bức bí nước tưới. “Trong số diện tích đất lúa không canh tác được đó, vụ hè thu 2018 này nông dân chỉ chuyển gần 100ha sang trồng đậu phụng, mè, bắp lai, sắn... còn lại phần lớn phải bỏ hoang vì những năm qua nhà nông đã chuyển đổi nhiều lần nhưng hầu hết đều thất bại” - ông Sửu nói thêm.

Lên huyện miền núi Tiên Phước, chúng tôi nhận thấy tình trạng ruộng lúa bỏ hoang vì nắng hạn cũng diễn ra. Ông Đoàn Văn Tân ở thôn 1 (xã Tiên Mỹ) cho biết, gia đình ông có 3 sào đất lúa trên cánh đồng Cửa Miếu. Do nước tưới hoàn toàn dựa vào trời nên hàng chục năm qua vụ hè thu nào cũng phải bỏ hoang ruộng lúa hoặc chuyển sang trồng cây bắp, cây đậu theo kiểu được chăng hay chớ. Đứng trên bờ ruộng của ông Tân, nhìn quanh xứ đồng Cửa Miếu rộng khoảng 5 - 7ha, chỉ thấy một màu cỏ úa tít tắp. Không riêng Tiên Mỹ, tại hàng loạt địa phương khác của Tiên Phước, thời điểm này rất nhiều đồng lúa vẫn còn lô nhô gốc rạ. Bà Nguyễn Thị Sáu – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Tiên Phước cho hay, toàn huyện có tổng cộng 2.390ha đất lúa. Thế nhưng, nhiều năm qua vụ hè thu nào cũng chỉ đưa vào canh tác chừng 1.600ha, còn lại 790ha không thể gieo sạ được. Theo bà Sáu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là tại nhiều nơi hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp bị xuống cấp nghiêm trọng hoặc chưa được đầu tư thi công một cách đồng bộ nên nguồn nước tưới hết sức khó khăn.

Nhu cầu còn quá lớn

Ông Lê Văn Phụng – Trưởng phòng NN&PTNT Tiên Phước cho biết, để giải bài toán về nước tưới cho 790ha đất lúa thường xuyên phải chịu cảnh bỏ hoang trong vụ hè thu và hàng chục nghìn héc ta hoa màu, cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả sản xuất theo mô hình kinh tế vườn - kinh tế trang trại thì thời gian tới địa phương cần một nguồn lực tài chính khá lớn đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, trong đó bức thiết nhất là những hồ chứa. Theo ông Phụng, hiện nay Tiên Phước cần ít nhất 100 tỷ đồng xây dựng hồ chứa Mò Ó ở thôn 1 (xã Tiên Lập) nhằm chủ động cung ứng nước tưới cho 250ha đất lúa của 3 xã Tiên Lập, Tiên An, Tiên Lộc cùng nhiều diện tích đất vườn và phục vụ nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân. Cạnh đó, huyện muốn đầu tư 30 tỷ đồng thi công đập dâng Xe Mưa thuộc xã miền núi Tiên Lãnh để tưới 140ha đất lúa, 70ha đất vườn và cung cấp nước sinh hoạt cho 2.500 người dân. Đặc biệt, địa phương cần 110 tỷ đồng xây mới hồ chứa Suối Thỏ ở thôn 1 (xã Tiên Phong) nhằm đảm bảo tưới 690ha đất lúa, đất màu, đất vườn của các xã Tiên Phong, Tiên Mỹ, Tiên Thọ…

Ông Phụng chia sẻ thêm, ngoài hồ chứa, việc kiên cố hóa hệ thống kênh mương cũng là vấn đề hết sức bức xúc của Tiên Phước. Bởi trong tổng số 190km kênh mương trên địa bàn huyện thì đến thời điểm này mới chỉ bê tông hóa được 50km, còn lại 140km là kênh đất nên tình trạng sạt lở, thất thoát nước thường xuyên xảy ra. Do vậy, những năm tới bình quân hàng năm huyện cần kiên cố hóa khoảng 10km kênh mương và chi phí đầu tư cho 1km ước tính 800 - 900 triệu đồng. Nhu cầu xây dựng hạ tầng thủy lợi ở Tiên Phước là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư là chuyện nan giải lâu nay bởi Tiên Phước là huyện miền núi, ngân sách của địa phương quá eo hẹp. Trong khi đó, do đời sống còn khó khăn nên nhân dân đóng góp không nhiều.

Ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn cho hay, hiện nay toàn huyện có 1.120ha đất lúa. Vụ đông xuân, nông dân cơ bản gieo sạ hết số diện tích vừa nêu. Còn hè thu, do nắng nóng kéo dài trên diện rộng khiến 170 - 200ha đất lúa không thể sản xuất được vì chẳng biết tìm đâu ra nguồn nước để đổ ải xuống giống. Ông Thắng nói: “Từ ngày thành lập huyện đến nay, việc đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi ở Nông Sơn rất hạn chế, bình quân hằng năm chỉ có khoảng 800 - 900 triệu đồng chi cho khâu này. Theo dự tính, để đảm bảo cung ứng nước tưới cho số diện tích đất lúa thường bỏ hoang đó, thời gian tới huyện cần không dưới 30 tỷ đồng xây dựng hệ thống đập dâng và kiên cố hóa thêm 24km kênh mương. Với một huyện còn nghèo khó như Nông Sơn, chắc chắn không thể kham nổi số tiền trên”.

----------------
Bài cuối: Phát huy hiệu quả công trình

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ