Thành quả từ tái cơ cấu nông nghiệp
Tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi, đánh bắt hải sản, công tác chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ở Thăng Bình đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Nghề khai thác hải sản của huyện Thăng Bình thu được sản lượng cao. |
Giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp của huyện Thăng Bình đạt hơn 1.700 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp lần lượt là trồng trọt: 36,08%, chăn nuôi: 26,72%, lâm nghiệp: 6,64%, thủy sản: 27,96%. Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, địa phương tập trung quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, khu giết mổ tập trung với diện tích 141ha và xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung nhằm từng bước giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ. Đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm ổn định với 19.500 con bò, 60.000 con heo, 600.000 con gia cầm. Trong chăn nuôi, huyện áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển giống bò lai sind, heo nái ngoại, các giống gia cầm cho năng suất cao, áp dụng mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học và xây dựng hầm biogas cho năng suất và chất lượng ngày càng được nâng cao.
Về khai thác hải sản, số lượng tàu đánh bắt hải sản xa bờ không ngừng tăng lên, toàn huyện hiện có 657 chiếc, trong đó tàu từ 90CV trở lên 167 chiếc. Sản lượng hải sản tăng 9.771 tấn trong vòng 10 năm qua, từ 7.427 tấn năm 2008 lên 17.198 tấn vào năm 2018. Sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng vọt. Riêng sản lượng tôm thương phẩm tăng 1.041 tấn so với năm 2008, từ 1.475 tấn lên 2.516 tấn (6.2018). Ông Trường Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, địa phương có nghề cá phát triển bậc nhất huyện Thăng Bình cho biết, xã luôn tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân tiếp cận các cơ chế chính sách hỗ trợ vốn đầu tư đóng mới tàu công suất lớn sản xuất xa bờ để không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, tăng giá trị kinh tế thu được sau chuyến biển. Chỉ vài năm qua, ngư dân trên địa bàn đã đóng mới được hàng chục tàu công suất lớn, bám biển quanh năm ở 2 ngư trường lớn là Hoàng Sa, Trường Sa, gắn làm giàu từ biển với bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Kinh tế lâm nghiệp cũng chuyển biến rõ nét. Trồng rừng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, qua mỗi chu kỳ khai thác, người dân có nguồn thu nhập 70 - 120 triệu đồng/ha. Hiện tại, trên địa bàn huyện có rất nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như sản xuất lúa giống, đậu phụng ở Bình Đào, Bình Nam, Bình Định Nam. Các mô hình trồng hoa ly ly, rau sạch Mỹ Hưng (Bình Triều), mô hình nuôi cá lóc trải bạc, làm bún khô, nuôi bò nhốt chuồng, trồng nấm rơm, nuôi gà thả vườn cũng đã đem lại gần 100 triệu đồng/năm cho không ít nông hộ. Các mô hình sản xuất thủ công như gỗ mỹ nghệ, mây tre đan, bánh đa nem, cao chè vằng ngày càng phát huy hiệu quả, tạo được thu nhập ổn định cho người dân. Sản xuất hiệu quả đã thay đổi tích cực đời sống dân cư nông thôn, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 31 triệu đồng/người/năm, tăng 23,5 triệu đồng so với năm 2008.
VIỆT QUANG