Hao hụt quỹ đất nông nghiệp

HỮU PHÚC 24/06/2018 14:54

Sự phát triển rầm rộ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cùng với quá trình đô thị hóa nhanh đã làm teo tóp diện tích đất sản xuất nông nghiệp các loại. Trong khi đó, kế hoạch sử dụng đất hàng năm lại không thực hiện đúng với diện tích được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, khiến nguồn lực đất canh tác chưa được khai thác hiệu quả.

Ở nhiều địa phương miền núi, đất quy hoạch cho rừng sản xuất tăng nhiều, trong khi diện tích rừng phòng hộ quy hoạch lại giảm.
Ở nhiều địa phương miền núi, đất quy hoạch cho rừng sản xuất tăng nhiều, trong khi diện tích rừng phòng hộ quy hoạch lại giảm.

Giảm diện tích

Theo Sở Tài nguyên - môi trường (TN&MT), trong kế hoạch sử dụng đất 3 năm (2015 - 2017), các loại đất được HĐND tỉnh thông qua là 14.506ha, nhưng thực tế mới chỉ thực hiện gần 3.300ha (chiếm tỷ lệ hơn 22,7%).

Đáng chú ý,  trong khoảng thời gian này các địa phương đăng ký thu hồi hàng nghìn héc ta đất trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ và đặc dụng, song chỉ mới triển khai chuyển đổi mục đích sử dụng 445ha đất lúa, hơn 129ha đất rừng phòng hộ và đặc dụng.

Tại vùng đông của tỉnh, nhiều dự án trọng điểm về phát triển đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng đã làm giảm đáng kể diện tích đất nuôi trồng thủy sản.

Diện tích nuôi trồng thủy sản theo hiện trạng 3.667ha, nhưng tỉnh điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 giảm còn 2.676ha (giảm 991ha so với hiện trạng). Hầu hết phần đất còn lại chuyển mục đích sử dụng khác.

Theo kiểm kê hiện trạng đất đai gần đây, đất nông nghiệp của tỉnh có tổng diện tích 891.663ha (chiếm 84% tổng diện tích tự nhiên). Trong đó, đất trồng lúa 60.837ha; đất trồng cây lâu năm 116.095ha; đất lâm nghiệp 667.595ha; các loại đất nông nghiệp còn lại 43.469ha.

Vì sao đất quy hoạch cho nuôi trồng thủy sản giảm trong những năm gần đây?

Ông Phạm Bê - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai lý giải, chủ yếu do các dự án sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, công nghiệp ở Khu kinh tế mở Chu Lai có sử dụng đất nuôi trồng thủy sản được điều chỉnh giảm hoặc hủy bỏ diện tích. Thêm vào đó, ranh giới quản lý của Khu kinh tế mở Chu Lai được điều chỉnh mở rộng ra phía bắc của huyện Thăng Bình, nhưng khu vực này chủ yếu là đất cát, rất ít đất nuôi trồng thủy sản. Do vậy diện tích đất nuôi trồng thủy sản chuyển sang các mục đích trên giảm đi. Ngược lại, đất cho sản xuất muối là 40ha, tăng 31ha so với hiện trạng do UBND huyện Núi Thành quy hoạch vùng sản xuất muối sạch tập trung tại xã Tam Hòa.

Để đảm bảo an ninh lương thực, nhiều năm nay, HĐND tỉnh và UBND tỉnh chủ trương quản lý nghiêm ngặt chuyển đổi sử dụng đất lúa sang mục đích khác, nhất là dọc các trục quốc lộ 1, tỉnh lộ, nơi có vị trí giao thông thuận lợi.

Theo thống kê, Quảng Nam hiện có hơn 60.800ha đất trồng lúa, nhưng trong 2 năm trở lại đây diện tích sụt giảm khoảng 600ha.

Theo kế hoạch sử dụng đất đến 2020 sẽ chuyển khoảng 2.121ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, trong đó nhiều diện tích trồng lúa nằm ở vị trí thuận lợi về hạ tầng giao thông. Chỉ tiêu cấp quốc gia phân bổ đất trồng lúa 53.097ha, tỉnh điều chỉnh quy hoạch 58.716ha. So với chỉ tiêu cấp quốc gia phân bổ, đất trồng lúa cao hơn 5.619ha.

Nguyên nhân là dồn điền đổi thửa ở các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình với quy mô 1.552ha và do đất sản xuất lúa nương đưa vào ổn định sản xuất ở khu vực miền núi được thống kê vào kỳ kiểm kê năm 2015 ở các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Nam Giang, Hiệp Đức là 1.308ha và tăng do phương pháp kiểm kê đất đai là 2.759ha.

Lý giải về thực trạng hao hụt đất lúa, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Viễn nhận định, áp lực tạo nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng cho chương trình xây dựng nông thôn mới nên các xã phường đều khai thác quỹ đất, sử dụng đất chuyên trồng lúa nước dọc theo các trục đường giao thông làm tăng chỉ tiêu chuyển mục đích đất lúa.

Còn ở khu vực đô thị, tất cả địa phương đều đầu tư dự án phát triển khu dân cư, khu đô thị, khu phố chợ, bất động sản gắn với loại hình du lịch, dịch vụ.

“Để hạn chế tối đa chuyển đất trồng lúa nước sang mục đích sản xuất kinh doanh, dịch vụ, khai thác quỹ đất, năm 2016, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 203 về thu tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa và UBND tỉnh có Quyết định số 2189 quy định mức thu tiền bảo vệ đất trồng lúa bằng 70% giá đất lúa, nhưng xem ra vẫn không hạn chế được việc chuyển đất lúa nước nhiều như hiện nay” - ông Viễn nhìn nhận.

Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, ngành đang tính chuyện tích tụ đất đai và có chính sách riêng để thu hút lao động trồng lúa hàng hóa, có giá trị cao. Theo Nghị định 35 của Chính phủ có hỗ trợ kinh phí cho việc khai hoang, phục hóa đất lúa, số tiền đó được bố trí về địa phương sử dụng hỗ trợ cho việc thực hiện chính sách này.

Khai thác đất chưa sử dụng

Thời gian qua, ở miền núi, kinh tế rừng phát triển mạnh. Theo diện tích hiện trạng, cả tỉnh có 116.095ha đất trồng cây lâu năm, tuy nhiên theo quyết định điều chỉnh của UBND tỉnh đến năm 2020 sẽ giảm bớt 9.921ha để chuyển sang phát triển cây công nghiệp lâu năm, cao su, cây ăn quả.

Trong khi đó, đất lâm nghiệp được quy hoạch 729.756ha; trong đó đất rừng phòng hộ là 315.705ha, đất rừng sản xuất 139.896ha và đất rừng sản xuất 274.156ha.

Đất lâm nghiệp điều chỉnh quy hoạch theo kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh, tăng lên 62.162ha so với hiện trạng.

Tuy nhiên, Sở NN&PTNT cho rằng, so với chỉ tiêu cấp quốc gia phân bổ, đất rừng phòng hộ thấp hơn 41.978ha do rà soát chuyển rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất theo Quyết định số 845 của Bộ NN&PTNT. Nhưng đất rừng đặc dụng cao hơn 6.289ha do bổ sung 2 khu vực quy hoạch rừng đặc dụng là rừng pơmu ở Tây Giang (5.546ha) và điều chỉnh ranh giới khu bảo tồn voi Nông Sơn. Đất rừng sản xuất cao hơn 15.714ha chỉ tiêu quốc gia phân bổ do nhu cầu trồng rừng của tỉnh tăng nhanh thời gian qua. Mỗi năm Quảng Nam trồng mới 3.000 - 5.000ha rừng.

Vùng đông nam, sự xuất hiện của nhiều dự án đô thị, du lịch nghỉ dưỡng khiến diện tích đất rừng phòng hộ giảm rõ rệt.  TRONG ẢNH: Rừng dừa trồng mới hơn 2 năm tuổi ở xã Cẩm Thanh, TP.Hội An.  Ảnh: H.PHÚC
Vùng đông nam, sự xuất hiện của nhiều dự án đô thị, du lịch nghỉ dưỡng khiến diện tích đất rừng phòng hộ giảm rõ rệt. TRONG ẢNH: Rừng dừa trồng mới hơn 2 năm tuổi ở xã Cẩm Thanh, TP.Hội An. Ảnh: H.PHÚC

Tại vùng đông nhiều năm qua, trong khi đất rừng phòng hộ giảm do sự “xí phần” của các dự án phát triển đô thị, du lịch, khu nghỉ dưỡng thì đất phi nông nghiệp “phình” ra ít nhất 3.153ha.

Phần lớn diện tích tăng tập trung ở vùng đông của tỉnh như TP.Hội An, TP.Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn, các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành...

Tại Quảng Nam, diện tích đất chưa sử dụng khá lớn theo chỉ tiêu cấp quốc gia phân bổ là 74.137ha nhưng quy hoạch điều chỉnh của tỉnh chỉ còn 10.106ha (giảm 64.240ha).

“Vì sao đất chưa sử dụng theo điều chỉnh quy hoạch của tỉnh bị cắt giảm hơn 70% tổng diện tích?”.

Theo ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đến năm 2020 sẽ đưa vào sử dụng cho các mục đích khác nhau là 64.240ha, trong đó đưa vào sử dụng đất nông nghiệp 60.285ha. Chủ yếu chuyển sang đất lâm nghiệp theo điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh. Hiện các địa phương “khát” đất trồng rừng sản xuất. Vì vậy, việc rà soát, lên kế hoạch sử dụng, khai thác diện tích đất bỏ hoang để trồng rừng luôn là sự lựa chọn ưu tiên. Nghịch lý ở chỗ, thời gian qua mỗi năm vụ hè thu đất ruộng bỏ hoang hàng trăm héc ta, trong khi đó nhiều cá nhân, đơn vị có nhu cầu lại thiếu đất để mở rộng sản xuất. Ngành nông nghiệp đưa ra nguyên do chính là người dân chuyển dịch sang các lĩnh vực dịch vụ, thiếu hụt lao động, thu nhập từ nông nghiệp quá thấp so với các ngành nghề khác.

Để sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, phải rà soát quy hoạch rõ ràng đất dành cho cây lúa, cây trồng lâu năm, nuôi trồng thủy sản, đất lâm nghiệp. Mặt khác, cần có chính sách đột phá mạnh mẽ hơn để khuyến khích tích tụ ruộng đất, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để sản xuất hàng hóa chất lượng cao; xây dựng các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn và vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Trước mắt tích tụ ruộng đất để ưu tiên hỗ trợ, liên kết với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

HỮU PHÚC

HỮU PHÚC