OCOP thúc đẩy phát triển nông thôn Quảng Nam

XUÂN HIỀN (thực hiện) 17/06/2018 12:24

Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) sẽ được tiến hành tại Quảng Nam trong năm nay. Mục đích chính vẫn là để người dân các vùng nông thôn cải thiện đời sống thông qua chính câu chuyện sản xuất của mình. PGS-TS. Trần Văn Ơn – chuyên gia OCOP chia sẻ về việc tiến hành OCOP tại Quảng Nam để đưa chương trình này làm động lực thúc đẩy phát triển nông thôn Quảng Nam.

PGS-TS. Trần Văn Ơn
PGS-TS. Trần Văn Ơn

PV: Thưa ông, tại sao OCOP lại được kỳ vọng sẽ là phương cách hồi sinh các sản phẩm nông thôn nông nghiệp đặc trưng và hỗ trợ cải thiện đời sống người dân ở những khu vực này?

PGS-TS. Trần Văn Ơn sinh năm 1966 tại Phú Lương, Thái Nguyên, hiện là Trưởng khoa Thực vật học, Đại học Dược Hà Nội, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty DK Pharma (Bộ Y tế). Ông là chuyên gia về OCOP, hiện tư vấn phát triển đề án OCOP Quảng Nam.

PGS-TS. Trần Văn Ơn: Lâu nay, trước những thách thức phát triển nông thôn do xu hướng chuyển dịch lao động sang các khu đô thị, khu công nghiệp; tình trạng mất phương hướng của người dân trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình phát triển nông thôn nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Nguyên do chúng ta chủ yếu tập trung vào hỗ trợ sản xuất ở quy mô các hộ, coi đây là trọng tâm để triển khai các dự án “ngoại sinh” như cho giống mới, kỹ thuật mới, vay vốn để sản xuất... Việc sản xuất theo kiểu định hướng như vậy đặt các hộ sản xuất vào thế quá khó, đó là buộc họ phải thực hiện chức năng đầy đủ của một doanh nghiệp: Từ quản lý vốn, tổ chức sản xuất, đến nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, tiếp thị... Kết quả thường thấy là điệp khúc “được mùa mất giá - được giá mất mùa”. Trong khi vấn đề này chưa được giải quyết thì các hộ nông dân lại phải đối mặt với các thách thức của toàn cầu hóa và hội nhập khi hàng hóa của nước ngoài tràn ngập, với giá rẻ, chất lượng tương đối tốt.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao chúng ta cứ phải làm ra các sản phẩm giống của nước ngoài? Liệu còn có cách nào khác không?

Trong bối cảnh như vậy, nhìn kỹ lại ở một góc khác, ta thấy vùng nông thôn có rất nhiều cơ hội, mỗi vùng miền khác nhau đều có các sản vật riêng của mình, như các giống cây trồng, vật nuôi riêng mà chỉ ở vùng đất đó mới có, hoặc công nghệ truyền thống mà cha ông đã truyền bí quyết từ nhiều đời nay. Đó là cái chúng ta có mà các “đại gia”, các doanh nghiệp xuyên quốc gia không có. Vậy tại sao ta cứ phải sản xuất những thứ lạ lẫm mà không dựa trên lợi thế so sánh của chính mình? Nhưng lại tiếp tục nảy sinh vấn đề, đó là khi chúng ta chưa thể kiểm soát được các chuỗi đặc sản nông nghiệp thì cả người bán và người mua đều có khả năng chịu thiệt. Do vậy, một chương trình phát triển sản phẩm dựa vào đặc trưng của địa phương, có quy chuẩn và gắn theo chuỗi giá trị như OCOP, là rất cần thiết.

PV: Thưa ông, Quảng Nam đã sở hữu những tiềm năng gì để tham gia vào OCOP?

PGS-TS. Trần Văn Ơn: Điều kiện tự nhiên của Quảng Nam đa dạng, gồm 3 vùng sinh thái: vùng núi cao, vùng trung du, vùng đồng bằng và ven biển. Chưa kể, vùng đất này có nhiều sản vật địa phương, đa dạng theo các vùng. Văn hóa đa dạng, nhiều lễ hội còn gìn giữ một cách nguyên vẹn các phong tục, tập quán xưa, tạo nên sự phong phú, mới lạ. Có nhiều tiềm năng về du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, khám phá tự nhiên, điển hình như các sản phẩm: làng truyền thống Cơ Tu (Tây Giang), đêm rằm Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm, tour du lịch tham quan rừng dừa nước và ngày làm nông dân tại Cẩm Thanh…

Việc kết nối du lịch giữa Hội An và TP.Đà Nẵng sẽ làm nên cơ hội cho tiêu thụ sản phẩm trong chương trình OCOP. Chưa kể Quảng Nam có nhiều sản vật địa phương đa dạng theo vùng miền, các chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực cùng với chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, phong trào thanh niên khởi nghiệp của địa phương phát triển tốt sẽ tạo sự kết nối cộng đồng, tạo cơ hội, môi trường thuận lợi cho tuổi trẻ tiếp cận học tập, phát triển năng lực, cùng với hệ thống các làng nghề truyền thống đang từng bước phục hồi… chính là các yếu tố đưa đến thành công cho OCOP tại Quảng Nam.

PV: Bên cạnh đó, các thách thức đối với OCOP tại Quảng Nam vẫn có rất nhiều, thưa ông?

PGS-TS. Trần Văn Ơn: Có rất nhiều thách thức cơ bản vốn đã tồn tại và phát sinh ngay khi bắt tay vào thực hiện OCOP. Các thách thức cơ bản bao gồm cạnh tranh từ hàng hóa từ các tỉnh thành khác và hàng nhập ngoại (Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản...) bán với số lượng lớn, mẫu mã, hình thức đẹp, giá rẻ. Khách hàng chưa nhận biết, phân biệt được sản phẩm thật, giả, sản phẩm nhập ngoại hay sản phẩm trong nước. Thiếu các nguồn lực phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm trong và sau quá trình triển khai Đề án OCOP: con người, các dịch vụ thiết kế, in ấn, bao bì, nguyên, nhiên vật liệu....

Các thách thức khi triển khai, từ lệch hướng OCOP với các biểu hiện như lệch hướng về chủ thể thực hiện (dành cho các “đại gia” thay vì người dân) và sản phẩm (như sản phẩm có nguyên liệu 100% ngoại nhập). Việc áp đặt từ trên xuống với biểu hiện cán bộ, chính quyền chỉ đạo phải thực hiện sản phẩm này, kia... Cả việc người dân không tham gia, không tin vào mình khi không đăng ký sản phẩm. Hệ thống chính trị chưa vào cuộc mạnh mẽ. Người dân khó nhận các giá trị, lợi thế của mình với việc họ không biết phải đăng ký sản phẩm nào. Chưa kể, cả chính quyền lẫn người dân không nhận ra “kẻ thù” khi triển khai OCOP. (Ta đang “chiến đấu” với cái gì?). Với người dân: hiểu biết về kinh tế thị trường chưa cao, bằng lòng với cuộc sống hiện tại, trông chờ - ỷ lại. Với cán bộ: tư tưởng “cai trị” chưa quen với “chính phủ kiến tạo, phục vụ”, quen với cách làm “từ trên xuống”, chỉ đạo phải làm cái này, cái kia…

PV: Vậy liệu có các giải pháp nào cụ thể để vượt qua những khó khăn thách thức ông đã nêu ra trong quá trình triển khai OCOP?

PGS-TS. Trần Văn Ơn: Với mỗi thách thức đặt ra lại có một giải pháp phù hợp với vấn đề đó. Đầu tiên phải xây dựng và bám sát các tiêu chí của chủ thể tham gia và sản phẩm để không bị lệch hướng OCOP. Thực hiện nghiêm túc chu trình thường niên. Kiên trì tuyên truyền; đưa chương trình OCOP vào nghị quyết của các cấp ủy đảng để hệ thống chính trị của địa phương cùng tham gia. Với người dân, trấn an họ “đừng sợ”: khởi đầu từ các sản phẩm sẵn có, từ đó tiếp tục sáng tạo. Thông thường, cụm từ “hỗ trợ từ phía Nhà nước” sẽ khiến nhiều người trong chúng ta liên tưởng tới hình ảnh nhà nước “làm thay” hoặc “cho không”. Cần có nhóm tư vấn phát triển cộng đồng với vai trò đề xuất, xây dựng chương trình, đào tạo nguồn nhân lực phát triển chương trình cho cán bộ các cấp (tỉnh, huyện), đánh giá quá trình thực tiễn triển khai OCOP ở những địa phương gặp nhiều khó khăn, đề xuất phương án giải quyết. Ở chương trình OCOP, thường tìm kiếm thông tin về một số tổ chức nghiên cứu, thẩm định khoa học công nghệ và “bắc cầu” để các đơn vị tham gia OCOP có thể kết nối và “tự đặt hàng” các nghiên cứu nếu có nhu cầu hoàn thiện quy trình sản xuất với quy mô lớn.

PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể các bước để người dân tham gia OCOP?

PGS-TS. Trần Văn Ơn: Để tham gia OCOP cần đi theo các bước: đầu tiên phải động não/nghĩ xem làng xã mình có gì hay? Có thể bán được hoặc thu hút được khách du lịch đến hay không? Tiếp theo, hãy nói chuyện với người khác cùng chí hướng và tập hợp thành một nhóm (nếu chưa có gì). Sau khi thống nhất ý tưởng sản phẩm/dịch vụ thì đăng ký ý tưởng sản phẩm với cán bộ OCOP xã hoặc huyện. Nếu được chấp nhận, thì triển khai bằng nguồn lực của mình. Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần theo chu trình. Sau đó đi thi sản phẩm, nếu đạt 3 sao trở lên thì quảng bá bán hàng. Từ đây, Nhà nước hỗ trợ một phần để mở rộng sản xuất – kinh doanh một cách bài bản hơn. Không chỉ là sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà ngay cả một giống lúa, giống heo tốt hoặc một loại cây ăn trái, một loại sản phẩm chế biến, sản phẩm du lịch nổi tiếng được tạo nên từ lợi thế đặc thù của địa phương và tạo nên phong trào phát triển kinh tế ở nông thôn là mục tiêu cuối cùng mà OCOP cần phải làm được.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

XUÂN HIỀN (thực hiện)

XUÂN HIỀN (thực hiện)