Bài toán giá nông sản
Đang vào mùa thu hoạch nhưng nhiều loại nông sản xứ Quảng rớt giá và rất cần giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng phổ biến này.
Ngành khuyến nông tỉnh hỗ trợ nông dân Phú Ninh trồng dưa hấu VietGAP.Ảnh: V.NGUYỄN |
Những ngày này, trên đoạn đường vài cây số nối xã Tiên Cảnh qua thị trấn Tiên Kỳ đến xã Tiên Thọ (Tiên Phước), thơm được bày bán la liệt. Theo chị Huỳnh Thị Kiều (xã Tiên Thọ), tận dụng đất đai vườn đồi, gia đình trồng 10 nghìn gốc thơm, nay đã vào thu hoạch mà mới chỉ bán được gần 5 nghìn gốc. “Khi đắt hàng, tôi bán sỉ cho tư thương với giá 60 nghìn đồng/chục. Nay bán lẻ mà giá chỉ 2 nghìn đồng/quả” - chị Kiều nói. Tương tự, huyện Đại Lộc vốn là “thủ phủ” của nghề trồng thơm trên địa bàn tỉnh với diện tích canh tác hơn 1.500ha. Chỉ riêng tại xã Đại Sơn có đến hơn 200ha diện tích trồng thơm đang vào vụ thu hoạch. Chị Dương Thị Thạnh (thôn Đầu Gò, xã Đại Sơn) cho biết, gia đình thu hoạch 3ha thơm đang chín. “Năm trước, gia đình tôi lãi được 80 triệu đồng từ 3ha diện tích trồng thơm. Năm nay thơm rớt giá, đầu vụ mà tư thương cứ chê đủ kiểu, rất khó bán. Chỉ cần bán được giá 50 nghìn đồng/chục thơm là tạm được rồi” - chị Thạnh nói. Dọc theo quốc lộ 14, thơm được bày bán rất nhiều vào thời điểm này. Đây chỉ là số thơm được các nông hộ bán lẻ. Nhiều khách đi đường đã ghé đến mua nhưng sức mua rất yếu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UNBND huyện Đại Lộc cho biết, trồng thơm hoàn toàn tự phát trên địa bàn, huyện không khuyến khích, không quy hoạch vùng trồng tập trung. Nhiều hộ nông dân đã lấn đất rừng để trồng thơm gây hệ lụy là xói mòn đất đai nhưng vì sinh kế nên chính quyền khó siết chặt quản lý. Về giá thơm lao dốc, quy luật thị trường là khi nguồn cung vượt cầu quá lớn sẽ dẫn đến ế ẩm, xuống giá. “Có một số thời điểm, mỗi hộ thu lãi đến hơn 50 triệu đồng từ canh tác trồng thơm trên 1ha diện tích nhưng nhìn chung giá thơm không ổn định, thương lái thường ép nông hộ bán với giá thấp để thu lợi lớn. Trên địa bàn chưa có chuỗi cung ứng thơm, các doanh nghiệp cũng không mặn mà ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm thơm làm nguyên liệu chế biến nên ổn định thị trường là việc khó” - ông Hồ Ngọc Mẫn nói.
Thời điểm này, chuối cũng được bán rất rẻ trên địa bàn tỉnh với giá chừng vài ba ngàn đồng mỗi nải. Cách đây chưa lâu, dưa hấu cũng xuống giá chưa từng có trên thị trường và nhiều cơ quan, tổ chức đã phải vào cuộc giải cứu.
Ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho rằng, cứ hễ khi nào người nông dân còn sản xuất tự phát thì đầu ra sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh. “Điều cần kíp là thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ phải xây dựng cho được nhãn mác hàng hóa nông sản, phải truy xuất nguồn gốc, phải có tem khẳng định sản phẩm an toàn, không có chất cấm. Vì thế chúng tôi đã triển khai chương trình trồng dưa hấu áp dụng VietGAP ở huyện Phú Ninh và cho thấy sản phẩm được đưa vào siêu thị bán theo hợp đồng ký kết với giá phải chăng” - ông Võ Văn Nghi nói.
Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để bà con nông dân giảm bớt áp lực đầu ra nông sản, giải pháp ngành chức năng đang triển khai hiện nay là xây dựng được những chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản hàng hóa theo phương cách “4 nhà” là nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp. “Tuy nhiên phải nhìn nhận cái khó rất lớn để vận hành trôi chảy là kêu gọi, thu hút, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vấn đề nữa là tạo cơ chế thoáng về vay vốn, hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận, thể hiện vai trò nổi bật của mình” - ông Lê Muộn nói. Một giải pháp khác, là các cơ quan, ban, ngành, các địa phương cần chung tay triển khai thật hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm. “Điều này không quá khó vì khai phá, tôn vinh sản phẩm nổi trội của từng địa phương, phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều hàng hóa chất lượng cao, cạnh tranh mạnh trên thị trường” - ông Lê Muộn cho biết.
VIỆT NGUYỄN