Chuyển đổi đất canh tác lúa: Những mô hình hiệu quả
Nhờ linh hoạt, sáng tạo, nhiều nông dân xứ Quảng đã cải tạo những vùng đất lúa kém hiệu quả, đất gò đồi nghèo, xây dựng những mô hình sản xuất cho thu nhập cao.
Mô hình vườn - ao - chuồng trên đất lúa kém hiệu quả của anh Phong (Đại Đồng) cho thu nhập khá. |
1. Mấy năm trở lại đây, trên vùng trồng lúa kém hiệu quả, thường xuyên bị bỏ hoang do tình trạng ngập úng thuộc đập Cửu Kiến (xã Đại Đồng, Đại Lộc), ông Văn Đức Phong đã mạnh dạn cùng với người thân đào 4 ao thả cá rô phi, trắm cỏ, mè, chép kết hợp trồng sen để cải thiện kinh tế. Ông Phong còn mua thêm mấy sào ruộng bỏ hoang lân cận để bồi đất cao ráo, tạo vườn trồng cây ăn quả, xây chuồng nuôi gà thả vườn với quy mô 1.000 con gà/năm. Nhận thấy heo rừng lai là đối tượng vật nuôi phù hợp với điều kiện gia trại, vợ chồng ông Phong lặn lội vào tận Khánh Hòa và đầu tư 50 - 60 triệu đồng mua cặp giống heo bố mẹ về thả nuôi nhân đàn.
Từ cặp heo bố mẹ, đến nay đàn heo rừng của gia trại đã tăng lên vài trăm con, kể cả heo giống. Từ đầu năm 2018 đến nay, ông Phong đã xuất bán hơn 80 con heo thịt có trọng lượng vài chục ký và heo con giống cho vùng Đà Nẵng và lân cận, chỉ giữ lại 70 con. “Heo rừng lai ăn tạp, phù hợp với môi trường bán hoang dã nơi đây, ban ngày chúng có thể dẫn đàn đi kiếm ăn, bên cạnh đó cần bổ sung cho chúng các phụ phẩm nông nghiệp như rau lang, muống, cám, cây chuối, các loại quả… Mỗi năm 10 con heo nái và một đực giống có thể sản sinh ra đàn heo giống cả vài trăm con là thường, có thể bán giống hoặc để hết lại nuôi” - ông Phong cho biết.
Mô hình trồng sen kết hợp thả cá trên đất lúa ở Duy Phú cho thu nhập cao. Ảnh: H.L |
Ông Phong cùng một hộ dân phối hợp thành lập Tổ hợp tác đập Cửu Kiến nhằm tranh thủ các khoản vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, chủ động về đầu ra sản phẩm, thị trường. Doanh thu mỗi năm từ mô hình vườn - ao - chuồng của Tổ hợp tác đập Cửu Kiến lên đến 300 triệu đồng, sau khi trừ xong các khoản chi phí, lãi ròng hơn 150 triệu đồng/năm. Ông Phong dự tính tiếp tục đào ao trồng sen kết hợp thả cá trên vùng đất lúa ngập úng, bỏ hoang rộng 15 sào để có nguồn thu khá.
2. Cũng trên vùng đất lúa kém hiệu quả ở các thôn Lâm Tây, Vĩnh Phước, Hà Nha, Hà Thanh của xã Đại Đồng, từ vùng trồng sả manh mún ban đầu chỉ vài héc ta, nay những cánh đồng sả chuyên canh đã trải dài rộng tới vài chục héc ta. Theo ông Từ Dũng - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Vĩnh Phước, toàn thôn có 70% số hộ trồng sả trên diện tích chừng 20ha. Không chỉ trồng sả trên đất lúa chuyển đổi, đất đồi gò, đất rừng, người dân còn tận dụng đất vườn để trồng. Vĩnh Phước cũng như nhiều thôn lân cận là vùng đất không bị ngập lụt nên diện tích trồng sả phát triển mạnh. Trong thôn, ông Từ Dũng trồng 5 sào sả, ước tính mỗi năm bán sả, ông thu về 50 - 60 triệu đồng. Hộ trồng ít thì vài sào, nhiều lên tới cả mẫu như hộ ông bà Nguyễn Hữu Bình, Từ Tư, Ngô Thị Dân, Từ Dũng… Mỗi năm, cánh đồng sả cho thu hoạch 3 lứa. Nguồn cung chưa đủ cầu. Cây sả chỉ mới bán củ cho các chợ đầu mối chứ chưa được tận thu từ gốc tới ngọn để nâng giá trị. Có nhà máy thu mua chế biến tinh dầu sả sẽ nâng được giá trị từ cây sả” - ông Dũng chia sẻ.
Theo Hội Nông dân xã Đại Đồng, diện tích trồng sả của Đại Đồng đã lên đến 40 - 50ha rải rác trong vườn, trên gò đồi, trên rẫy, trên đất lúa chuyển đổi. Đặc biệt, cây sả rất thích hợp với đất gò đồi, đất rẫy. So với cây lúa, cây sả chuyên canh cho hiệu quả cao gấp nhiều lần. Với giá 6 - 8 nghìn đồng/kg, có thời điểm giá lên tới 10 nghìn đồng/kg, mỗi héc ta trồng sả cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
3. Tuy còn manh mún, nhưng mô hình cải tạo vườn tạp trên đất gò đồi trồng cây ăn quả ở Phú Ninh đã từng bước giúp nhiều hộ dân có khoản phụ thu từ trên chính mảnh vườn của mình. Cách đây 2 năm, ông Lê Ngọc Anh (thôn Xuân Trung, xã Tam Đàn) đã chủ động cải tạo vườn tạp, nhổ bỏ cây sắn, cây khoai vốn có giá trị thấp trên mảnh đất cằn cỗi để trồng cây ăn quả. Được hỗ trợ bởi Trung tâm Ứng dụng & thông tin KH&CN (Sở KH&CN) về nguồn giống cây ăn quả, kỹ thuật, phân bón, ông Anh đã trồng thành công mấy chục cây bưởi da xanh, bưởi trụ lông Đại Bình, ổi Đài Loan trên mảnh vườn rộng 200m2. “Cây ổi 6 tháng đã bắt đầu cho trái rất sai; các loại cây khác như cam, bưởi, xoài ghép qua 1,5 năm đã cho trái đầu mùa” - ông Anh chia sẻ.
Được biết, ngoài ông Anh, Trung tâm Ứng dụng & thông tin KH&CN, Sở KH&CN còn hỗ trợ nhiều hộ dân khác trên đất Phú Ninh cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả theo cơ chế hỗ trợ hoàn toàn cây giống, phân bón, kỹ thuật, hỗ trợ xử lý phòng trừ dịch hại…
4. Từ những vùng đất lúa kém hiệu quả và vùng đất gò đồi của xã Duy Phú (Duy Xuyên), nhiều vùng trồng sen kết hợp thả cá, nuôi ốc đã hiển hiện, giúp nông dân đổi đời trên đất nghèo. Thời điểm này, đi dọc các thôn Mỹ Sơn, Trung Sơn, Bàn Sơn, Chánh Sơn, của xã Duy Phú, nhiều vùng trồng sen trên đất lúa rộng lớn đang bước vào vụ thu hoạch rộ. Đến thời điểm này, xã Duy Phú đã chuyển đổi được 28ha đất lúa kém hiệu quả, đất gò để trồng sen kết hợp thả cá, ốc. Trung bình mỗi héc ta trồng sen kết hợp thả cá, ốc bươu giúp nông dân Duy Phú thu về 80 - 100 triệu đồng. Từ đây, những cánh đồng sen không ngừng được mở rộng.
Trên cánh đồng ruộng Hóc ở Mỹ Sơn (Duy Phú), ông Trần Chín đã đào ao trồng 5 sào sen trên đất lúa mấy năm trở lại đây. Theo ông, hạt sen tươi đầu mùa có thời điểm lên tới 50 nghìn đồng/kg. Thời điểm này, do thu hoạch rộ nên chỉ còn 30 - 40 nghìn đồng/kg. Ở thôn Mỹ Sơn, người trồng ít thì 1 - 2 sào, nhiều lên tới 5 - 6 sào, thậm chí cả mẫu. Ở những chân ruộng tốt, chủ động nước thì 5 sào sen có thể cho thu nhập cả tấn là bình thường, chân ruộng xấu thì chỉ được 7 - 8 tạ sen tươi” - ông Chín cho biết.
HOÀNG LIÊN