Tiết kiệm nước tưới trong sản xuất nông nghiệp
Nông nghiệp hiện là ngành phát thải khí nhà kính lớn thứ 2 sau ngành năng lượng, chiếm 38,9% tổng lượng khí nhà kính, góp phần gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH). Để cải thiện vấn đề này, ngành nông nghiệp đang tập trung phát triển, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch thân thiện với môi trường, đồng thời tập trung cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với sinh thái, thổ nhưỡng từng vùng.
Mô hình “cánh đồng thông minh” tại Phú Ninh. |
Như ở huyện Thăng Bình, hằng năm có diện tích đất canh tác lúa nước khoảng 15.600ha; trong đó, vụ đông xuân sản xuất 8.300ha, vụ hè thu 7.300ha, phần lớn phụ thuộc vào nguồn nước tưới chủ động của các hệ thống hồ thủy lợi và một số đập thời vụ. Tuy nhiên, khi xảy ra nắng hạn chỉ đảm bảo cho sản xuất cây lúa vụ đông xuân. Để thích ứng với những thay đổi của tình hình thời tiết, thời gian qua, huyện Thăng Bình thực hiện mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa đem lại giá trị cao hơn về hiệu quả kinh tế vừa góp phần tiết kiệm nước để tưới cho diện tích độc canh lúa nước không thể chuyển sang cây trồng khác.
Điển hình như xã Bình Sa những năm qua chuyển đổi 10ha đất trồng lúa vụ đông xuân sang trồng bắp vụ hè thu cho thu nhập 60 triệu đồng/ha, tăng gấp 2 lần so với sản xuất lúa. Hay xã Bình Nguyên chuyển đổi 10ha trồng lúa vụ đông xuân sang trồng dưa gang ở vụ xuân hè và vụ hè thu với diện tích 10ha, cho thu nhập 100 triệu đồng/ha, tăng gấp 3 lần so với sản xuất 2 vụ lúa. Cũng có nơi như xã Bình Định Nam đã chuyển cả 15ha trồng 2 vụ lúa sang trồng đậu phụng vụ đông xuân và trồng bắp vụ hè thu cho thu nhập 70 triệu đồng/ha, tăng gấp 2 lần so với sản xuất lúa 2 vụ…
Tại Quảng Nam, từ năm 2016 Sở NN&PTNT cũng đã phối hợp triển khai Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới do Ngân hàng Thế giới tài trợ (Dự án WB7) áp dụng thành công bước đầu mô hình “cánh đồng thông minh” sản xuất lúa và cây trồng cạn theo kỹ thuật hiện đại tại một số vùng chịu ảnh hưởng nặng của BĐKH. Theo đó dự án hỗ trợ cải thiện quản lý tưới, nâng cao năng lực, đầu tư trang thiết bị quản lý, vận hành cho đơn vị thủy lợi và các tổ chức dùng nước; nâng cấp cơ sở hạ tầng hệ thống tưới tiêu, “cứng hóa” kênh mương, giao thông nội đồng vùng dự án; hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH.
Theo đó, các mô hình “cánh đồng thông minh” theo hướng luân canh lúa màu trên hệ thống canh tác đất lúa được triển khai tại xã Bình Chánh (Thăng Bình, 55ha), xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn, hơn 45ha) và tại xã Đại Minh (Đại Lộc, 50ha). Ngoài ra triển khai 2 mô hình sản xuất rau màu an toàn áp dụng hệ thống công nghệ tưới tiết kiệm tại xã Tam Phước (Phú Ninh, 30ha) và các xã Đại Cường, Đại Minh (Đại Lộc, 50ha).
Ở huyện Phú Ninh, hơn 2 năm nay trên cánh đồng La Cá (thôn Phú Xuân, xã Tam Phước) nông dân triển khai mô hình “Cánh đồng thông minh” với diện tích hơn 30ha; khi tham gia dự án nông dân được hỗ trợ 100% giống, và 30% chi phí phân bón. Bên cạnh đó, theo hợp phần đã cam kết, dự án đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống kênh mương thủy lợi, giao thông nội đồng nên dù ở vụ hè thu nhưng nông dân vẫn không lo chuyện thiếu nước tưới, việc vận chuyển tư liệu sản xuất, nông sản cũng thuận lợi hơn.
Phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cho biết, khi sản xuất trên cánh đồng thông minh, nông dân giảm lượng giống sạ khoảng 10kg/ha, giảm 1,5 số lần phun thuốc mỗi vụ và lợi nhuận tăng 10 - 20 triệu đồng/ha. Điều đáng mừng hơn, mô hình tạo bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức trong nông dân về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa phù hợp với sự BĐKH, nhất là tiết kiệm được nước tưới, giảm thải phát sinh hiệu ứng nhà kính.
TR.ĐỒNG