Thăng Bình: Khó đưa nước về đồng vụ hè - thu
(QNO) - Kết thúc vụ đông xuân 2017 - 2018, ngành nông nghiệp khẩn trương chuẩn bị bước vào vụ hè thu 2018. Các hồ chứa đang tích cực đưa nước về đồng ruộng để người dân cải tạo đất nhưng gặp nhiều khó khăn.
Dù lượng nước hiện tại ở các hồ đang ổn định nhưng vẫn gặp khó khăn khâu cung ứng nước tưới. Ảnh: PHAN VINH |
Kênh mương bị đục phá
Hồ chứa nước Việt An (thuộc địa phận huyện Hiệp Đức) có dung tích chứa hữu tích là 23 triệu mét khối nước, trung bình hằng năm đảm bảo cung ứng nước tưới cho gần 2.000ha đất sản xuất nông nghiệp tại các xã Bình Lâm, Quế Thọ (Hiệp Đức), Bình Lãnh (Thăng Bình), Quế Châu, Quế Minh, Quế An, Quế Thuận (Quế Sơn). Riêng khu vực xã Bình Lãnh, hồ chứa nước Việt An phục vụ tưới cho hơn 135ha đất sản xuất thông qua 4 kênh chính có tổng chiều dài khoảng hơn 4km.
Đưa chúng tôi đi thăm các trục kênh chính của hồ chứa nước Việt An tại khu vực xã Bình Lãnh (Thăng Bình), anh Võ Minh Thuấn - cán bộ thủy nông Việt An - Chi nhánh Quế Sơn, phụ trách Bình Lãnh, cho biết, vào sáng sớm ngày 15.5, đơn vị đã xả nước ra kênh để người dân triển khai cải tạo đồng ruộng cho vụ hè thu theo đúng lịch thời vụ nhưng nhiều khu vực đến trưa vẫn chưa có nước.
Anh Thuấn giải thích, do người dân nôn nóng đưa nước về đồng của mình nên đã tự ý đục kênh, dù tuyến kênh chính đã được bê tông hóa kiên cố. Toàn tuyến kênh có khoảng gần 10 điểm bị người dân đục ngang nên lượng nước chảy về diện tích đất ở cuối kênh bị hạn chế rất nhiều.
Nhiều điểm trên đoạn kênh chính bị đục khoét khá to với đường kích gần 20cm. Ảnh: PHAN VINH |
“Với khoảng gần 10 điểm bị đục phá trên toàn tuyến kênh dài hơn 4km thì lượng nước bị thất thoát, thấm xuống đất trên đường chảy ra ruộng mất khoảng 25% dung tích chúng tôi xả phục vụ người dân. Ngoài ra, tại khu vực ruộng tổ 7, thôn 2, xã Bình Lãnh, hợp tác xã địa phương làm được đường kênh nhưng lại bỏ lửng giữa ruộng, cuối kênh, nước chảy tự do tràn ra khoảng 6ha gây lãng phí vô cùng. Đến hiện tại, hồ chứa nước Việt An vẫn đang tích đủ nước để phục vụ cho bà con vụ hè thu, tuy nhiên, diễn biến thời tiết khô hạn bất thường, cộng với sự lãng phí nói trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phục vụ bà con của hồ Việt An” - anh Thuấn cho biết thêm.
Rác thải gây tắc nghẽn kênh
Bà Trương Thị Thơ - Cán bộ quản lý, vận hành hồ chứa nước Cao Ngạn thông tin, hồ có dung tích chứa hơn 3,6 triệu mét khối nước, đảm bảo cung ứng nước tưới cho gần 200ha đất sản xuất nông nghiệp của xã Bình Lãnh và xã Bình Trị (Thăng Bình) thông qua các đường kênh chính có tổng chiều dài khoảng 6km. Tuy nhiên, việc phục vụ nước tưới cho người dân đang gặp nhiều khó khăn. Hệ thống kênh mương được xây dựng vào năm 1977 và được sửa chữa vào năm 2000 đến nay đã xuống cấp, những tấm đanh qua thời gian bị bong tróc gây thất thoát nước.
Nhất là tình trạng người dân vứt rác bừa bãi xuống kênh mương gây tắc nghẽn dòng chảy nên khó đưa đúng và đủ lượng nước theo lịch thời vụ xuống đồng. Dọc kênh chính, tại những điểm có rào chắn, do lượng rác thải tụ về khá nhiều nên lượng nước đáng lý ra phải được lưu thông thì lại tràn ra ngoài gây lãng phí.
“Người dân cứ xem kênh là nơi để vứt rác, chỉ cần rác chảy đi khỏi nơi cư trú của họ là xong việc. Nhiều địa phương, các cán bộ thủy lợi, thủy nông viên nhiệt tình thường xuyên tổ chức dọn rác thì không sao. Nhưng có những nơi gọi là “điểm nóng”, nước chậm xuống đồng, bản thân tôi phải đi vớt rác. Nhưng đó là biện pháp tạm thời, còn lâu dài phải thay đổi được nhận thức trong nhân dân” - bà Thơ nói.
Cán bộ quản lý hồ chứa nhiều lúc phải đi vớt rác để thông kênh đưa nước xuống đồng.. Ảnh: PHAN VINH |
Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, để hạn chế tình trạng rác thải của người dân chảy xuống đồng ruộng và gây tắc nghẽn kênh mương nội đồng, thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo cho các địa phương lập những rào chắn rác. Tuy nhiên, những điểm có rào chắn lại thành điểm nóng về rác thải.
“Không riêng gì vụ hè thu năm nay mà trước mỗi vụ, phòng cũng chỉ đạo các địa phương quan tâm việc người dân tự ý đục phá kênh, đổ rải rác xuống kênh làm ảnh hưởng việc dẫn nước về đồng. Đồng thời, trong những lớp tập huấn cho bà con nông dân, chúng tôi cũng lồng ghép tuyên truyền nhận thức về những vấn đề này, phòng còn tổ chức tuyên truyền qua loa, tờ rơi để nâng cao ý thức của người dân. Đây là chuyện nhỏ nhưng ảnh hướng lại rất lớn. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các phòng ban, mạnh tay hơn nữa, áp dụng các chế tài để tạo tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm tác động kênh mương thủy lợi” - ông Khiết nói.
Phạt tiền lên dến 30 triệu đồng hành vi xâm hại công trình thủy lợi Theo Nghị định số 139/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão Điều 6. Vi phạm quy định về đổ rác thải, chất thải; xả nước thải vào công trình thủy lợi Khoản 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 250 - 500 nghìn đồng đối với hành vi đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi với khối lượng dưới 1m3. Khoản 2. Phạt tiền từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng đối với hành vi đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi với khối lượng từ 1m3 đến dưới 5m3. Khoản 3. Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi với khối lượng từ 5m3 trở lên. Điều 9. Vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi Khoản 4, điểm a: Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi xây dựng trái phép đường ống dẫn dầu, cấp thoát nước, hệ thống cáp điện, cáp thông tin và các công trình khác trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. |
PHAN VINH