Dưa hấu rớt giá, bế tắc đầu ra
Những ngày này, trên nhiều cánh đồng dưa hấu của huyện Phú Ninh, cảnh thu hoạch dưa hấu không còn rộ lên như thời điểm đầu vụ bởi dưa đang ở thời điểm rớt giá nặng, bế tắc đầu ra.
Xót xa khi những ruộng dưa hấu chín bị bỏ không thu hoạch. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Giữa cái nắng đầu hè rát mặt, ông Nguyễn Thìn (thôn Trung Định, xã Tam Đàn) chở những bao dưa tại ruộng về nhà chất đống bán lẻ cho bà con trong xã và cũng chờ người tới thu gom. Ông Thìn cho biết, vụ này, ông trồng 2 sào dưa, tương đương hơn 3 tấn dưa. Khi thấy dưa tại đồng ruộng tới kỳ thu hoạch không có người tới thu gom, điện thoại cũng chẳng thấy ai tới nên ông đành chở cả xe dưa lên vùng Tiên Phước, Hiệp Đức bán cho các chủ đại lý và chợ nông sản để vớt vát. “Cây dưa hấu vốn là cây trồng chính ở vùng đất này, giúp nông dân cải thiện đời sống nhưng vì sản xuất không có liên kết, không có ai đứng ra bao tiêu sản phẩm nên đầu ra và giá cả khá bấp bênh. Mấy năm trước cũng gặp khó khăn, nhưng vụ này khiến nông dân lao đao nhất” - ông Thìn nói. Cũng theo ông Thìn, năm 2017, cũng nhờ cây dưa hấu, 2 sào dưa của ông cho thu nhập 30 triệu đồng, trừ chi phí ông lãi ròng 20 triệu đồng; nhưng năm nay, cũng cùng diện tích và năng suất, ông chỉ thu được 3 - 4 triệu đồng. Còn ông Võ Thanh Trường (trú cùng thôn) trồng 3 sào dưa ngoài đồng, nhưng không có ai tới mua, lại không có nhân công thu hái, chở đi bán lẻ, nên đành bỏ dưa phơi khô giữa đồng. “Nhìn ruộng dưa xót xa quá nhưng chẳng biết làm sao. Với giá này coi như bán tháo bán đổ bởi chi phí đầu tư mỗi sào đã lên tới 3 triệu đồng rồi, trong khi thu hoạch chỉ được 2 triệu đồng, nếu kêu người thu hoạch chẳng đủ tiền để trả công nên đành bỏ mặc ngoài đồng” - ông Trường nói.
Theo nhiều người trồng dưa ở thôn Trung Định, xã Tam Đàn, cả thôn có khoảng chục hộ trồng dưa, người ít thì 1 - 2 sào, nhiều lên tới 6 - 7 sào. Mấy năm trước, dù dưa hấu ở các vùng có sức tiêu thụ kém thì dưa hấu Kỳ Lý vẫn có đầu ra tốt, nhất là khi nhãn hiệu “dưa hấu Kỳ Lý” đã được bảo hộ ở Việt Nam. Nguyên nhân khiến vùng trồng dưa gặp bế tắc ở thời điểm này, theo nông dân và tiểu thương trong vùng, là do nhiều vùng trên cả nước phát triển cây dưa hấu, nhất là Quảng Ngãi nên nguồn cung quá lớn. Thứ hai là do thị trường không tiêu thụ, phía Trung Quốc cũng đã chủ động về nguồn dưa hấu nên đã ngưng nhập khẩu ở thời điểm này.
Trên các cánh đồng dưa thuộc vùng chuyên canh của xã Tam Phước, tình hình chẳng mấy khả quan. Bà Nguyễn Thị Hà (thôn Cẩm Khê, xã Tam Phước) trồng 7 sào dưa hắc mỹ nhân, đầu vụ, bà Hà bán được 2 lứa dưa với giá 6.000 đồng/kg tại ruộng, sau còn 3.500 đồng/kg, bà thu về 30 triệu đồng. Nhưng từ đó tới nay, dưa liên tục rớt giá, hiện chỉ còn 1.200 đồng/kg. “Cũng may tôi bán được lứa dưa đầu vụ có giá nên cũng đỡ ít nhiều, chứ lứa nào cũng như thời điểm này thì coi như thua lỗ trắng tay” - bà Hà nói. Bà Lương Thị Mười (xã Tam Phước) chuyên thu gom dưa để bán lại cho các tiểu thương lớn cũng cho biết: “Nếu chỉ trông cậy vào sức tiêu thụ nội địa thì không giải quyết hết, trong khi Trung Quốc thì không ăn hàng nữa. Cái giá các tiểu thương lớn xuất khẩu đưa ra cũng quá thấp, chúng tôi chỉ gom rồi bán lại kiếm công, cũng cố gắng tiêu thụ cho bà con được đồng nào hay đồng đó. Hiện giá mỗi ký dưa bên Trung Quốc từ 8 hào tới 1 đồng NDT, tương đương với 3.500 - 3.800 đồng tiền Việt Nam” - bà Mười nói.
TRIÊU NHAN