Tìm đầu ra cho nông sản

HOÀNG LIÊN 02/05/2018 08:54

Nhằm khắc phục tình trạng được mùa mất giá đối với dưa hấu và các mặt hàng nông sản khác, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh ưu tiên đầu tư sản xuất phục vụ cho các hợp đồng siêu thị lớn.

Dưa hấu thuộc nhóm sản phẩm có lãi cao nhưng thị trường tiêu thụ bất ổn. Ảnh: H.L
Dưa hấu thuộc nhóm sản phẩm có lãi cao nhưng thị trường tiêu thụ bất ổn. Ảnh: H.L

Quảng Nam có diện tích dưa hấu khoảng trên dưới 1.500ha, năng suất bình quân 25 - 30 tấn/ha. Theo ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), diện tích dưa hấu trồng vụ đông xuân năm 2018 khoảng 733ha tập trung tại Đại Lộc, Điện Bàn, Núi Thành, Phú Ninh và một số địa phương khác. Giá dưa dao động 7 - 10 nghìn đồng/kg. Bên cạnh yếu tố thuận lợi của vùng sản xuất dưa hấu và các loại nông sản, việc trồng dưa hấu ở các địa phương cũng gặp khó khăn không ít như sản xuất còn manh mún, tự phát, chưa hình thành vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường tiêu thụ, đầu ra sản phẩm gặp khó; sự liên kết giữa người sản xuất, thương nhân chưa chặt chẽ, chưa hình thành mạng lưới gắn kết với nhau trong tiêu thụ. Việc sản xuất, tiêu thụ dưa hấu và các mặt hàng nông sản còn bị động, lặp lại mang tính chu kỳ. Dưa hấu bà con không kịp xuất khẩu mắc kẹt tại cửa khẩu, trong khi đó công tác bảo quản kém, gây thiệt hại rất lớn. Phương thức mua bán quá đơn giản, không có hợp đồng liên kết hoặc mua bán rõ ràng nên người nông dân phụ thuộc thương lái, thương lái hoàn toàn phụ thuộc vào đối tác tiêu thụ nông sản...

Ông Nguyễn Quang Lâm cho rằng, để phát triển bền vững, Quảng Nam cần có sự quy hoạch vùng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ nhằm lựa chọn các sản phẩm nông sản mà thị trường trong và ngoài nước có nhu cầu, đồng thời liên kết với các vùng khác, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất theo quy hoạch. Ưu tiên đầu tư sản xuất phục vụ cho các hợp đồng siêu thị lớn (Co.op mart - Tam Kỳ, Metro - Đà Nẵng…) hoặc theo hướng xuất khẩu khi có điều kiện tiêu thụ, tập trung diện tích vùng nhân dân đã có tập quán, kết hợp chuyển giao công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đảm bảo việc giám sát việc thực hiện ký kết giữa doanh nghiệp và hộ gia đình. Ngành công thương cần nắm bắt thông tin chính xác nhu cầu thị trường và khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước làm cơ sở cho việc sản xuất nội địa. Tăng cường cảnh báo về cung - cầu và biến động về sản xuất và giá cả thị trường, cũng như những chính sách về xuất nhập khẩu để nhà quản lý và người sản xuất có sự chủ động.

Chia sẻ về định hướng phát triển dưa hấu và các loại rau củ quả (cây thực phẩm) của Quảng Nam, ông Lê Muộn - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, đây là nhóm lãi cao nhưng bất ổn định về thị trường, vì thế, trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh định hướng không mở rộng diện tích. Ông Muộn cũng cho biết, ngành nông nghiệp cũng tích cực tìm kiếm doanh nghiệp liên kết sản xuất nhưng còn hạn chế về số lượng và quy mô diện tích được liên kết. “Phần lớn các sản phẩm thuộc nhóm này tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tiểu ngạch. Dưa hấu hoặc rau VietGap cũng khó mở rộng quy mô, đặc biệt chưa tìm được doanh nghiệp nào liên kết sản xuất ổn định. Những năm gần đây, dưa hấu trồng trên đất lúa chuyển đổi (Phú Ninh) rất được mùa, được giá (dưa hấu đất bãi bồi thường rẻ hơn) do thời vụ lệch trễ so với các tỉnh duyên hải nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhưng không có gì chắc chắn nếu thu hoạch của tỉnh khác cũng trùng” - ông Muộn nói.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN