Cần giám sát chặt nguồn khoáng sản cải tạo đồng ruộng
(QNO) - Ngày 20.4, Sở NN&PTNT có chuyến kiểm tra thực địa và làm việc với thị xã Điện Bàn để đánh giá về quá trình thực hiện dự án cải tạo đồng ruộng tại một số địa phương trên địa bàn.
Nguồn đất dư thừa trong dự án cải tạo đồng ruộng ở xã Điện Thắng Bắc (Điện Bàn). Ảnh: H.P |
Theo UBND thị xã Điện Bàn, giai đoạn 2014-2017, địa phương xây dựng 29 phương án cải tạo chỉnh trang đất sản xuất nông nghiệp để phục vụ dồn điền đổi thửa, với diện tích được phê duyệt hơn 492ha. Đến nay diện tích đất đã cải tạo được 225,4ha, trong đó đã bàn giao cho nhân dân sản xuất 172,2ha.
Cánh đồng lúa xã Điện Thọ (Điện Bàn) sau khi cải tạo đồng ruộng. Ảnh: H.P |
Ngành nông nghiệp của địa phương này cũng đánh giá, hầu hết các phương án đã cải tạo đồng ruộng đã được mặt ruộng bằng phẳng, thuận lợi cho áp dụng cơ giới hóa. Nhiều nơi dự án tao sự đồng thuận cao trong nhân dân. Tuy vậy, các phương án đều không thực hiện cắm mốc các điểm khép góc khu vực cải tạo; chính quyền một số địa phương chưa giám sát quá trình thực hiện dự án thường xuyên; cải tạo đất không được bằng phẳng gây khó khăn cho sản xuất.
Dự án cải tạo đồng ruộng tại xã Điện Thắng Nam (Điện Bàn). Ảnh: H.P |
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, phần lớn các cánh đồng sau cải tạo đất đã phục hồi, sản xuất ổn định sau từ sau vụ canh tác lúa thứ 2. Nhiều nơi đã thực hiện được chủ trương dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa đồng ruộng và có điều kiện đầu tư đường giao thông nội đồng… Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển đất chưa đảm bảo môi trường, gây bức xúc cho người dân, một số địa phương chưa minh bạch hóa trong sử dụng nguồn đất sét dư thừa trong quá trình cải tạo đồng ruộng.
H.PHÚC