Lợi ích liên kết sản xuất

PHAN VINH 16/04/2018 08:36

Từ một địa phương chỉ canh tác lúa để làm lương thực (thóc thịt), chấp nhận cảnh đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh, đến nay xã Bình Chánh (Thăng Bình) đã có gần 1/2 diện tích sản xuất lúa giống cho doanh nghiệp, thu nhập của người nông dân tăng cao.

Khi liên kết với doanh nghiệp người dân được tiếp cận với nguồn giống tốt và được bao tiêu nông sản đầu ra. Ảnh: P.V
Khi liên kết với doanh nghiệp người dân được tiếp cận với nguồn giống tốt và được bao tiêu nông sản đầu ra. Ảnh: P.V

Ông Lê Xuân Hoàng (64 tuổi, thôn Ngũ Xã, xã Bình Chánh) có 2,5ha đất canh tác lúa. Những năm trước đây, ông Hoàng chỉ sản xuất lúa để làm lương thực, năng suất thấp do người dân trong vùng ai cũng trồng và thương lái chỉ mua một loại cho đồng giá. Vụ mùa vừa rồi, khi được Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Chánh giới thiệu, ông Hoàng đã liên kết với Công ty Giống cây trồng trung ương sản xuất lúa giống trên tất cả diện tích của mình. “Họ cam kết bao tiêu sản phẩm khi tôi thu hoạch, trong hợp đồng còn ghi rõ là thu mua cao hơn với giá thị trường ở thời điểm thu hoạch 20%. Nếu trước đây mỗi hecta chỉ lãi chưa đến 4 triệu thì nay liên kết với công ty tôi thu tổng 2,5ha của mình được gần 15 triệu đồng” - ông Hoàng nói. Không chỉ vậy, liên kết sản xuất với các công ty giống uy tín, người dân còn được hưởng nhiều quyền lợi khác. Đối với những hộ dân liên kết với Công ty Giống cây trồng trung ương, đơn vị này sẽ cung cấp giống cho người dân canh tác, sau khi thu hoạch, công ty chỉ thu lại giống gấp đôi chứ không lấy tiền hoàn trả của người dân. Ông Tông Hùng (45 tuổi, thôn Ngũ Xã) có 1,5ha diện tích lúa sản xuất giống liên kết với công ty, cho hay: “Việc giống đổi giống tuy có gấp đôi cũng chênh lệch không bao nhiêu đồng, chúng tôi thấy lợi là làm thôi”.

Theo thông tin từ UBND xã Bình Chánh, trên địa bàn hiện có hơn 220ha diện tích sản xuất lúa giống liên kết với các doanh nghiệp trên tổng số gần 560ha diện tích canh tác lúa toàn xã. Nhiều năm trước, UBND xã cũng đã đứng ra làm hợp đồng trung gian giữa các công ty và người dân, tuy nhiên việc liên kết này chỉ tự phát, nhỏ lẻ. Bắt đầu giữa năm 2017, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Chánh được thành lập, UBND xã Bình Chánh đã giao hợp tác xã chủ động tìm kiếm doanh nghiệp giống cây trồng để về liên kết với người dân. Ông Hồ Chí Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho biết, đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp xã trong công tác thương mại hóa nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Các công ty đang liên kết với người dân trên địa bàn xã sẵn sàng cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật, theo dõi đồng ruộng và bao tiêu toàn bộ nông sản đầu ra với giá cao hơn thị trường ở thời điểm thu hoạch 20%.

“Trong thời gian tới, để thu hút thêm doanh nghiệp về đầu tư liên kết ở địa phương chúng tôi cũng phải chỉnh trang, sắp xếp lại cơ sở vật chất. Trong đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, UBND xã Bình Chánh chú trọng phần việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để đẩy mạnh cơ giới hóa đồng ruộng. Tiếp tục nhân rộng diện tích, xây dựng cánh đồng mẫu rộng lớn còn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, tăng năng suất cây trồng. Qua đó, góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân một cách hiệu quả nhất” - ông Dũng nói.

PHAN VINH

PHAN VINH