Thích ứng với tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia mới
Bộ KH&CN ban hành Bộ tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia mới tuy có nhiều quy định khắt khe nhưng giúp nông dân Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung vững tâm hơn trên con đường sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Nông dân ở làng rau Thanh Đông (xã Cẩm Thanh) chỉ sử dụng chế phẩm sinh học và thảo mộc trừ côn trùng gây hại. Ảnh: Q.T |
Hài hòa với quốc tế
Bộ tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia với tên gọi TCVN 11041-2:2017 chính thức có hiệu lực từ ngày 29.12.2017 là bộ tiêu chuẩn đầu tiên dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ. Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, nông sản hữu cơ là xu hướng tiêu dùng tất yếu để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, một số nước trong khu vực ASEAN đã có khung pháp lý cho hoạt động sản xuất, tiêu thụ. Trong khi đó, nhiều năm nay ở nước ta chưa có một bộ tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia thực thụ dẫn đến nhiều nông sản bị mập mờ, lợi dụng “mác” nông sản hữu cơ để tiêu thụ trên thị trường. Được biết, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn này được thực hiện trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ, quy định và tiêu chuẩn khu vực (EU, ASEAN)… đảm bảo hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế khu vực; bên cạnh khảo sát, khảo nghiệm tại một số cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở nước ta để phù hợp với thực tế sản xuất.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện nay trên cả nước mới chỉ có hơn 4 nghìn héc ta diện tích trồng trọt hữu cơ phân bố ở 15 tỉnh, thành trong đó có Quảng Nam. Diện tích nông nghiệp hữu cơ đúng tiêu chuẩn ở Quảng Nam hiện chỉ khoảng vài héc ta phân bố rải rác ở TP.Hội An, thị xã Điện Bàn… chủ yếu canh tác các loại rau, củ, quả ngắn ngày. Hiện nay, vùng rau hữu cơ Thanh Đông (TP.Hội An) đã được cấp chứng nhận hữu cơ PGS. Chứng nhận hữu cơ PGS không chỉ áp dụng với Việt Nam mà còn được chấp nhận ở nhiều nước phát triển trên thế giới như: Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan... Tuy nhiên, không phải vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ nào cũng có được chứng nhận này và việc ban hành một bộ tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia là đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Tân - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật, cho hay: “Bộ tiêu chuẩn thì có rồi, hướng dẫn cũng có rồi nhưng tổ chức, trung tâm chứng nhận liên quan hiện nay ở phạm vi Quảng Nam lại không có. Chi cục đang cố gắng kết nối, cập nhật xem đơn vị nào ở TP.Đà Nẵng có cấp chứng nhận này để giới thiệu cho bà con trong thời gian sớm nhất”.
Vì sức khỏe cộng đồng
So với tiêu chuẩn TCVN 11041:2015 đã bị hủy bỏ khi ra đời, Bộ tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia mới, canh tác, sản xuất, chế biến nông nghiệp hữu cơ có những quy định khắt khe hơn tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những tiêu chí “mở” hơn để phù hợp với điều kiện sản xuất ở nước ta. Ở thôn Thanh Đông (xã Cẩm Thanh) việc tuân thủ các quy định khi sản xuất rau hữu cơ vẫn được đảm bảo. Ông Phạm Mèo (trưởng nhóm sản xuất) cho biết, vào đầu năm 2015 khi mới chuyển sang canh tác hữu cơ, do chưa có kinh nghiệm một số nông dân đã bón dư đạm hữu cơ (khoảng 40kg/luống rau 30kg) nhưng các đơn vị đã nhanh chóng kiểm tra, khắc phục và từ đó đến nay không còn để tái diễn. Ông Mèo cũng cho biết thêm, việc khoan đất, lấy mẫu nước để kiểm tra giới hạn kim loại nặng, giới hạn hóa chất bảo vệ thực vật được thực hiện từ năm 2013 và đến nay vẫn thường xuyên được kiểm tra và cho ra các chỉ số đạt ngưỡng an toàn tuyệt đối. Ông Mèo cho biết thêm, một trong những rào cản lớn nhất trong việc đáp ứng các tiêu chí mới về nông nghiệp hữu cơ tại vườn rau chính là côn trùng, cụ thể là con bọ nhảy. “Do chỉ được phép dùng các biện pháp như cơ học, chế phẩm sinh học… để xua đuổi nên nông sản bị phá hại khá nhiều. Tuy nhiên các hộ sản xuất ở đây vẫn chấp nhận và cố gắng luân canh, xen canh chứ không sử dụng các sản phẩm trừ côn trùng bị cấm trong danh sách” - ông Mèo nói.
Ra đời trong bối cảnh Bộ tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia vừa được ban hành, vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở thôn Trung Hà (xã Cẩm Kim,TP.Hội An) đã nhanh chóng bắt nhịp được với các quy định và hiện trong thời gian cuối của giai đoạn chuyển đổi. Theo quy định mới của Bộ tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia, giai đoạn chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang canh tác hữu cơ có thể rút xuống ít nhất 6 tháng nếu có bằng chứng về việc không sử dụng các chất cấm làm vật tư đầu vào nên vùng rau tại thôn Trung Hà bắt đầu chuyển đổi từ tháng 11.2017 có thể hoàn thành việc chuyển đổi vào cuối tháng 4 này qua sự kiểm tra kỹ lưỡng của các chuyên gia. Tuy nhiên, ông Phan Công Thiệu, một nông dân tham gia dự án trên diện tích khoảng 7.000m² này thừa nhận, các hộ dân đang nỗ lực để hoàn thành việc xây dựng hàng rào sinh thái và một số tiêu chí khác để tách bạch hoạt động sản xuất hữu cơ với sản xuất truyền thống, nếu không sẽ không kịp được công nhận vào tháng 5 tới. Còn theo bà Trần Thị Hải Yến - Đại diện Phòng Kinh tế Hội An, hiện nay sản phẩm từ vùng rau hữu cơ Trung Hà chỉ mới được sử dụng tem và túi màu cam (rau hữu cơ trong thời gian chuyển đổi) để phân biệt với sản phẩm đóng gói theo tem, túi màu xanh (rau hữu cơ).
QUỐC TUẤN