Giữ hương vị rượu cần người Ve
Hơn 20 năm, kể từ khi về hưu, ông Zơrâm Pháo (81 tuổi, dân tộc Ve, ở thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) chuyên tâm sưu tầm và chế biến rượu cần truyền thống. Với ông, đó cũng cách gìn giữ và quảng bá nét văn hóa độc đáo của đồng bào Ve.
Ông Zơrâm Pháo xếp ngay ngắn từng ché rượu cần chuẩn bị bán ra thị trường. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Đau đáu với rượu cần
Ở thị trấn Thạnh Mỹ, có lẽ ông Pháo là người Ve duy nhất còn gắn bó với nghề làm rượu cần truyền thống. Qua thời gian, hương vị rượu cần của đồng bào vùng cao ngày càng phai nhạt và “vắng bóng” dần. Hồi còn làm lãnh đạo huyện, những chuyến đi cơ sở, nhận thấy văn hóa rượu cần ít được đồng bào gìn giữ nên ông mang nhiều trăn trở trong lòng. Bao chính sách hỗ trợ được triển khai, nhưng việc khôi phục cũng chỉ duy trì trong thời gian ngắn khiến văn hóa rượu cần dần rơi vào quên lãng của nhịp sống hiện đại. Trăn trở trước sự mai một về văn hóa ẩm thực của cha ông, năm 1995, sau khi nghỉ hưu theo chế độ, ông Pháo bắt tay vào công việc khôi phục nghề làm rượu cần truyền thống. Nhưng làm ra một ché rượu thơm ngon, đúng theo hương vị đặc trưng đâu phải dễ. Thế là ông đi đến các bản làng tận biên giới, nơi có đồng bào Ve sinh sống để tìm “bí kíp gia truyền”. Men rừng, lá cây và cả những thứ làm ống vít rượu cần… được ông chuẩn bị thật kỹ trước khi quyết định mở lò rượu cần ngay trong căn nhà mình đang sinh sống.
Từ một vài ché, qua thăm dò thị trường, thấy được nhiều người đón nhận nên ông Zơrâm Pháo mở hướng phát triển. Ông Pháo nói, ngoài kiếm thêm chút tiền cải thiện đời sống lúc tuổi già, động lực để vợ chồng ông gắn bó với nghề này, còn là để thực hiện lời hứa với ông bà, tổ tiên ngày trước, cùng giữ hương vị rượu cần người Ve cho con cháu. Kể từ khi vợ chồng ông mở lò rượu cần, thỉnh thoảng nhiều người tìm đến mua làm quà biếu, nhất là các dịp lễ tết và các sự kiện trọng đại của địa phương. “Đợt làm rượu vào dịp tết đã bán hết sạch, giờ tui làm thêm những ché rượu này để bán theo đơn đặt hàng của khách. Thỉnh thoảng có người đến mua. Họ khen ngon, càng cho mình có niềm vui để làm, để quảng bá nét văn hóa độc đáo mà ông bà, tổ tiên đã để lại” - ông Pháo bộc bạch.
“Giữ hồn” văn hóa cha ông
“Để làm ra một ché rượu thơm ngon ưng ý nhất thì tốn công sức và thời gian lắm. Nếu trộn men đậm quá thì vị rượu sẽ bị đắng, ít quá thì rượu rất nhạt. Bởi thế, hương vị rượu cần gia truyền của người Ve thường phải có đủ vị đắng, ngọt, chát và chút mùi thơm giống mật ong rừng, càng để lâu uống càng ngon và bổ dưỡng”.(ông Zơrâm Pháo) |
Già Pháo ngồi trong căn nhà, đôi tay thoăn thoắt với công đoạn trộn men rượu với nồi cơm nếp vừa mới để nguội. Xong xuôi, ông quay sang nói với chúng tôi, phải mất nhiều công đoạn mới làm ra một ché rượu cần đúng chất theo hương vị đặc trưng của đồng bào Ve. Những chiếc ché lần lượt được ông rửa sạch, rồi xếp đầy nguyên liệu vào trong để ủ lên men. Loại men ông dùng để ủ rượu được làm từ 12 thứ lá, củ, vỏ cây rừng theo phương thức của người Ve. Vì thế, thông thường mỗi ché rượu mất 2 - 3 tuần hoặc lâu hơn nữa để ủ lên men mới cho ra được thứ rượu cần thơm nồng làm say đắm lòng người.
Ông Pháo kể, ngày trước gia đình ông thường ủ rượu cần bằng nguyên liệu sắn được đào về từ nương rẫy. Cách làm này khá nhiều công đoạn, từ lột vỏ, rồi ngâm sắn dưới vòi nước suối suốt nhiều giờ đồng hồ để loại bớt độc tố, cho đến luộc chín, làm nguội và ủ lên men, trước khi trộn vỏ trấu để chưng cất. Cũng có một thời gian dài, đồng bào Ve ở các xã biên giới Đắc Pre, Đắc Pring… cũng sử dụng hạt kê để làm nguyên liệu nấu rượu cần thơm ngon. Kê trở nên hiếm, sắn rẫy cũng không còn nhiều nên ông chọn nếp rẫy làm nguyên liệu chế biến. Khoảng 30kg nếp rẫy có thể nấu được gần 10 ché rượu cần, mỗi ché khoảng 10 lít. Hương vị gốc, đặc trưng luôn được ông chú trọng. Đây cũng là cách để ông giữ được thương hiệu với du khách, bạn hàng và những người từng quan tâm, yêu thích văn hóa rượu cần vùng cao này, từ nhiều năm qua. “Bây giờ, phải làm sao đưa cho được rượu cần này ra thị trường rộng lớn để nhiều người cùng biết đến, chứ không phải chỉ gói gọn trong cộng đồng nhỏ bé của mình. Như thế mãi, biết bao giờ họ mới biết đến văn hóa rượu của mình” - ông Pháo tâm sự.
Bà Võ Thị Tịnh (63 tuổi, vợ ông Pháo) cho hay, trung bình mỗi đợt nấu rượu, gia đình ông bà có thể làm 20 - 30 ché rượu cần, khi nào bán hết thì tiếp tục làm để cung ứng nhu cầu của khách. Mỗi ché rượu được bán với giá 500 nghìn đồng, tùy theo từng thời điểm cụ thể. Bà Tịnh nhẩm tính, mỗi năm nhà bà bán 80 - 150 ché rượu, chủ yếu cho khách hàng quen ở địa phương, các vùng lân cận và một số ít ở TP.Đà Nẵng, Hà Nội, Huế, TP.Hồ Chí Minh,...
ALĂNG NGƯỚC