HTX nuôi heo khi chưa hoàn thiện các thủ tục: Tạm đình chỉ, chờ xử lý
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Hưng Phát (xã Đại Sơn, Đại Lộc) đã thả nuôi hơn 1.300 con heo gia công trong khi chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định. Chính quyền địa phương tạm đình chỉ hoạt động và yêu cầu HTX lập tức hoàn thành các thủ tục cần thiết.
Khu vực chăn nuôi heo gia công với Cipi có tổng diện tích 1,3ha thuộc đất của ông Dương Mười - Giám đốc HTX. Ảnh: H.L |
Cầm đèn chạy trước...
HTX Nông nghiệp Tân Hưng Phát có trụ sở trên tổng diện tích 1,3ha, đi vào hoàn thành sơ bộ vào cuối năm 2017 với tổng vốn đầu tư 2,3 tỷ đồng. Theo ông Lê Văn Tuân - Bí thư Đảng ủy xã Đại Sơn, HTX có tiền thân là tổ hợp tác chăn nuôi do ông Dương Mười (một nông dân xã Đại Sơn) đứng đầu. Từ sự tư vấn, hỗ trợ từ cơ chế cho vay ưu đãi của Liên minh HTX, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam, tổ hợp tác này mở rộng quy mô và tổ chức sản xuất, trở thành HTX Nông nghiệp Tân Hưng Phát hiện nay. HTX do ông Dương Mười làm Giám đốc, trụ sở xây dựng trên khuôn viên đất rừng của ông Mười với diện tích 1,3ha, có “bìa đỏ” 50 năm, thuộc vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung của tỉnh.
Về những tồn tại của HTX Tân Hưng Phát, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ, có thể nói, chủ trương thành lập HTX, phát triển chăn nuôi thuộc vùng quy hoạch chăn nuôi của tỉnh rất đáng nhận được sự ủng hộ, quan tâm của tỉnh, các sở ban ngành. Tuy nhiên, dù là ủng hộ thì HTX cũng cần phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Để xảy ra sai sót này, cũng có một phần trách nhiệm của các phòng ban liên quan trong việc hướng dẫn HTX làm theo đúng thủ tục, quy trình. Trước mắt, chỉ có thể yêu cầu HTX dừng hoạt động, chờ hoàn thiện xong các thủ tục liên quan rồi mới tính đến việc cho phép hoạt động trở lại hay không. |
Không chỉ ông Dương Mười mà một số hộ dân khác cũng hăm hở vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, chuồng trại tại HTX, trong đó có một số cán bộ xã Đại Sơn. Tính tới thời điểm đầu năm 2018, khoản vốn đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất tại HTX đã hơn 2,3 tỷ đồng. Sự việc sẽ chẳng có gì đáng nói khi đầu năm 2018, các thành viên HTX bắt đầu thả nuôi 1.300 con heo thịt gia công với Cipi trong khi chưa hoàn thành các thủ tục cần thiết như: báo cáo đánh giá tác động môi trường, quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch tổng thể HTX chỉ mới đang trong giai đoạn hoàn thiện… Trước sự việc này, các ngành chức năng của huyện đã yêu cầu dừng hoạt động chăn nuôi tập trung của HTX để kiểm tra, làm rõ.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Ngô Vinh - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết, triển khai mô hình, mục tiêu của xã muốn khuyến khích phát triển chăn nuôi, vận động người dân hưởng ứng, tham gia nhưng vốn đầu tư đòi hỏi quá lớn, nên không có hộ dân nào hưởng ứng. Chỉ có ông Dương Mười, nhưng với quy mô một HTX, chi phí đầu tư phải lên tới tiền tỷ, bản thân ông Mười cũng không có điều kiện và năng lực. Thế là cán bộ xã và một số hộ hùn nhau, thế chấp nhà cửa bỏ vốn vào để tạo động lực tinh thần cho ông Mười và HTX. “Suốt 2 năm, HTX và chính quyền địa phương cũng chịu nhiều áp lực, nhất là các thủ tục pháp lý quá nhiều và gặp nhiều vướng mắc chứ không đơn giản như tưởng tượng. Vốn vay hơn 2 tỷ đồng của HTX sắp đến kỳ trả lãi lẫn gốc. Chưa kể áp lực từ hợp đồng liên kết với công ty Cipi. Việc HTX thả nuôi heo 1,5 tháng rồi trong khi một vài thủ tục vẫn chưa xong, địa phương cũng có trách nhiệm. Xã cũng sẽ sát cánh với HTX cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, xã nghèo miền núi cũng mong các cấp hỗ trợ, giúp đỡ để mô hình này được tồn tại” - ông Vinh nhấn mạnh. Còn ông Dương Mười cho rằng, trong suốt thời gian hoạt động, HTX hoàn tất các nghĩa vụ đối với Nhà nước, chỉ có cái sai là chưa hoàn thiện mấy thủ tục theo quy định. “Phía HTX sẽ nỗ lực sửa sai, hoàn thiện các thủ tục còn lại. Mong các cấp quan tâm, tạo điều kiện để chúng tôi duy trì mô hình” - ông Mười nói.
Yêu cầu lập tức hoàn thành các thủ tục
Đề cập hướng giải quyết vụ việc, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, trước mắt cho phép HTX tiếp tục nuôi lớn lứa heo đầu tiên theo hợp đồng với Cipi tới thời điểm xuất chuồng. Song song với thời gian này, HTX này phải lập tức hoàn thành các thủ tục cần thiết theo quy định. Riêng đối với các cán bộ xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc sẽ yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm liên quan để làm rõ. Ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, trước mắt địa phương tạm đình chỉ, chờ đến thời điểm HTX xuất chuồng lứa heo, huyện sẽ đình chỉ và tiếp tục có biện pháp xử lý tiếp theo. Huyện cũng cử lực lượng chức năng gồm Phòng TN-MT, Phòng NN&PTNT và Công an huyện vào cuộc làm rõ, tham mưu huyện để có cơ sở xử lý tiếp theo.
Theo Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam, đơn vị đã cho HTX Tân Hưng Phát vay 2 tỷ đồng trong thời gian 5 năm, mỗi năm thu hồi cả gốc lẫn lãi khoảng 500 triệu đồng. Đây là hình thức cho vay ưu đãi với mục đích khuyến khích phát triển mô hình HTX miền núi, xã thuộc chương trình 135 của huyện Đại Lộc. Trước câu hỏi quỹ có “ưu ái” cho HTX vay vốn trong khi chưa hoàn tất các hồ sơ, thủ tục, ông Phạm Thành Tuấn - Phó Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX giải thích, tất cả cá nhân, tổ chức đảm bảo các điều kiện, yêu cầu của quỹ thì sẽ được giải ngân. HTX và các thành viên HTX Tân Hưng Phát đều vay theo hình thức thế chấp tài sản (quỹ không cho vay tín chấp). Để được vay tiền, các thành viên sáng lập HTX đã thế chấp đất rừng và nhà đất của họ. Chỉ riêng ông Dương Mười đã thế chấp 10ha rừng và được định giá hơn 1,9 tỷ đồng, trong khi các thành viên khác thế chấp đất đai, nhà cửa. Nếu dự án không khả thi, thì tất cả thành viên mang tài sản thế chấp, bảo lãnh cho quỹ sẽ trả nợ.
HOÀNG LIÊN