Đòn bẩy phát triển kinh tế nông thôn
Thời gian qua nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh nỗ lực thực hiện đề án phát triển sản xuất, đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giúp người dân nông thôn nâng cao nguồn thu nhập…
Được tham gia các lớp đào tạo nghề, nhiều lao động nông thôn có việc làm ổn định. Ảnh: N.PHƯƠNG |
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết, nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía, đầu năm 2017 đến nay nhiều địa phương của tỉnh tiếp tục thực hiện công tác dồn điền đổi thửa trên đất nông nghiệp, thí điểm mô hình tích tụ ruộng đất để tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết sản xuất. Đặc biệt, đề án phát triển sản xuất của các xã tham gia xây dựng nông thôn mới đã được bổ sung nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thúc đẩy hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và phát triển ngành nghề nông thôn. Theo ông Muộn, các phương án phát triển sản xuất đã thể hiện rõ quy mô sản xuất của từng loại cây, con và sản phẩm trên từng địa bàn cụ thể gắn với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và liên kết với một số doanh nghiệp nhằm bảo đảm tiêu thụ sản phẩm bền vững, góp phần sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Ông Muộn nói: “Trong năm 2017 vừa qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện liên kết với hơn 46 doanh nghiệp tổ chức sản xuất không dưới 5.200ha cây trồng các loại như lúa giống, bắp, đậu xanh, đậu phụng, ớt, dưa hấu..., tăng 850ha so năm 2016.
Đồng thời chính quyền cơ sở cùng các đơn vị liên quan đứng ra làm khâu trung gian để người dân hợp tác với Công ty CP chăn nuôi và Công ty TNHH Thái Việt xây dựng hơn 60 trang trại, gia trại chăn nuôi heo hướng nạc, gà thịt theo hướng an toàn dịch bệnh với quy mô lớn. Nhìn chung, hầu hết mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Hiện nay, có 39 doanh nghiệp đã và đang nghiên cứu, xúc tiến đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi thông qua các dự án trọng điểm, trong đó chủ yếu là chăn nuôi heo và bò. Năm 2017, UBND tỉnh cũng đã hỗ trợ thực hiện 5 chuỗi sản phẩm an toàn gồm thịt heo, nước mắm, rau củ quả, thịt gà, trứng gà. Đến nay, các sản phẩm đã được kết nối tiêu thụ tại TP.Đà Nẵng và Quảng Nam, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”.
Cùng với việc tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất, thời gian qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được các địa phương chú trọng triển khai theo phương thức gắn với địa chỉ sử dụng hoặc hướng phát triển các loại cây trồng, con vật nuôi hàng hóa của địa phương. Theo số liệu thống kê, năm 2017 các ngành chức năng đã tuyển mới 35.573 lao động học nghề, bồi dưỡng, tập huấn nghề nghiệp. Trong đó, số lao động được hỗ trợ học nghề theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 3.147 người (phi nông nghiệp 958 người, nông nghiệp 2.189 người), số lao động được đào tạo theo Nghị quyết số 12/2016/NQ-HĐND (ngày 19.7.2016) của HĐND tỉnh và Quyết định số 3577/QĐ-UBND (ngày 14.10.2016) của UBND tỉnh là 1.554 người. Thực tế cho thấy, sau khi đào tạo, số lao động có việc làm chiếm tỷ lệ khoảng 70%. Năm 2017 ngành nông nghiệp tỉnh cũng tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ đề nghị và UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận làng nghề cho làng nghề trồng cây ăn trái Đại Bình (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn), làng nghề chế biến nước mắm Tam Ấp (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ). Như vậy, đến nay toàn tỉnh có tổng số 44 làng có nghề, trong đó 28 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận.
Theo ông Lê Muộn, thời gian qua chương trình khoa học - công nghệ cũng đã tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách trong sản xuất và đời sống, góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sản phẩm, tăng năng suất và chất lượng một số sản phẩm. Trong đó, các đề tài, dự án khoa học – công nghệ cấp huyện đã giải quyết nhiều vấn đề có tính ứng dụng cao trong thực tế sản xuất ở địa phương như đề tài khảo nghiệm tính thích nghi của cây bưởi da xanh tại huyện Bắc Trà My, xây dựng mô hình nuôi cá chình trong bể xi măng tại xã Quế Phú (huyện Quế Sơn), xây dựng mô hình trồng và phát triển nấm lim xanh tại huyện Đông Giang, xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi cá diêu hồng trong lồng trên sông tại huyện Duy Xuyên… Ông Lê Muộn chia sẻ: “Nhờ ngành liên quan, chính quyền các địa phương nỗ lực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất và thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề nên những năm gần đây đời sống của cư dân nông thôn đã chuyển biến rõ nét. Qua khảo sát cho thấy, năm 2017 thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn Quảng Nam đạt 27,6 triệu đồng, tăng 3,6 triệu đồng so với năm 2016 và hiện nay tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 9,28%, giảm 1,85% so với năm 2016”.
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến triển khai những nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm tập trung hoàn thiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030 trình UBND tỉnh ban hành để làm cơ sở triển khai các định hướng, dự án trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời xây dựng đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cũng lưu ý: “Thời gian tới, việc hỗ trợ phát triển sản xuất bằng giống cây trồng, con vật nuôi, công cụ sản xuất… phải nằm trong các mô hình, dự án ứng dụng khoa học - công nghệ và có liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn và theo hướng hữu cơ ở những nơi có điều kiện”.
NHÃ PHƯƠNG