Nông Sơn đẩy mạnh diệt chuột bảo vệ lúa đông xuân
(QNO) - Nhờ đẩy mạnh phong trào diệt chuột nên từ đầu vụ đông xuân 2017 - 2018 đến nay, diện tích lúa trên địa bàn huyện Nông Sơn được duy trì ổn định, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Cây lúa tại Nông Sơn đang phát triển tốt. Ảnh: THÔNG VINH |
Ngay từ đầu vụ, ông Nguyễn Bảy (thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung) đã triển khai nhiều biện pháp diệt chuột để bảo vệ 6 sào lúa của gia đình. Những vụ trước, diện tích này bị chuột cắn phá rất nặng vì nằm gần chân đồi. Năm nay, nhờ chủ động bảo vệ nên diện tích lúa bị hại giảm hẳn.
Ông Bảy chia sẻ: “Được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, ngay từ đầu tháng 11.2017 khi chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân, gia đình tôi đã ra đồng đặt bẫy ở những nơi kín đáo, chuột hay đi lại. Đối với những chân ruộng đã bị hư hại, tôi bỏ hẳn phần này, tập trung đặt bẫy bảo vệ diện tích lúa còn lại. Từ đầu vụ đến nay tôi bắt được hơn 20 con chuột”.
Không chỉ ông Bảy mà hầu hết nông dân trên địa bàn huyện Nông Sơn cũng đã và đang tích cực ra quân diệt chuột. Bà Phan Thị Hường (thôn Dùi Chiêng 2, xã Phước Ninh) chia sẻ, theo sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, ngay đầu vụ gia đình đã phát sạch cỏ bờ, đặt bẫy diệt chuột từ đồng ruộng vào đến tận trong vườn nhà. Nhờ đó, toàn bộ diện tích lúa của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Theo ông Đoàn Ngọc Kim - Trưởng ban nhân dân thôn Dùi Chiêng 2, ngay từ đầu vụ thôn đã tổ chức họp dân, phát động phong trào ra quân diệt chuột; đồng thời thường xuyên thông báo trên loa phóng thanh để tuyên truyền, vận động nhân dân diệt chuột, bảo vệ cây lúa vụ đông xuân. Trước mắt, mỗi con chuột bà con bắt được, huyện hỗ trợ 8.000 đồng, xã trích ngân sách hỗ trợ thêm 2.000 đồng.
Tình trạng chuột cắn phá lúa giảm nhiều so với mọi năm. Ảnh: THÔNG VINH |
Vụ đông xuân 2017 - 2018, nông dân toàn huyện triển khai sản xuất hơn 1.100ha lúa. Hiện nay, cây lúa đang giai đoạn đứng cái, làm đòng. Tình trạng chuột cắn phá có xu hướng giảm so với cùng kỳ các năm trước.
Ông Nguyễn Thanh Định - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quế Trung cho biết, trên các cánh đồng, chuột gây hại chủ yếu ở các chân ruộng gò đồi, khe suối khoảng 0,2ha. Nếu vụ đông xuân 2015 - 2016, diện tích hư hại do chuột gây ra chiếm khoảng 25%, thì năm nay tính đến thời điểm này giảm chỉ còn 0,2 - 0,5%. Để tiếp tục bảo vệ cây lúa và hoa màu vụ đông xuân 2017 - 2018 và những năm tiếp theo, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Đoàn thanh niên xã tiếp tục ra quân diệt chuột. Đồng thời sẽ mua 100 cái bẫy bán nguyệt để cấp cho người dân trên địa bàn.
Theo ông Lê Quốc Sỹ - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn, người dân địa phương thường có tâm lý chủ quan, năm nào có lũ lụt thì nghĩ ít có chuột gây hại. Tuy nhiên, lũ lụt không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của chuột. Thường thì cuối tháng 3 này là giai đoạn chuột bước vào sinh sản, khoảng 15 - 20 ngày sau bắt đầu gây hại trở lại.
Nông dân Nông Sơn đẩy mạnh phong trào diệt chuột và chăm sóc lúa. Ảnh: THÔNG VINH |
Ông Sỹ thông tin, ngay khi triển khai sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018, ngành nông nghiệp huyện đã triển khai phong trào diệt chuột xuống các địa phương, thôn, xóm và từng hộ dân; hướng dẫn người dân đồng loạt diệt chuột, tập trung vào biện pháp dân gian, cơ học như: đào bắt, đặt bẫy, dùng bẫy dính… và dùng thuốc diệt chuột sinh học. Đồng thời hạn chế tối đa việc dùng các loại thuốc hóa học độc hại cho người, vật nuôi và môi trường để diệt chuột; thực hiện diệt chuột cả ngoài đồng và trong khu dân cư.
“Những năm trước đây, tình hình chuột phá hoại trên đồng ruộng ở Nông Sơn là vấn đề nhứt nhối và đáng lo ngại, nhất là vào thời điểm lúa đẻ nhánh, làm đòng, tỷ lệ gây hại phổ biến 20 - 25%; nhiều diện tích lúa sát khu dân cư, gò đồi, khe suối bị chuột phá thiệt hại nặng. Nhưng năm nay, nhờ triển khai sớm phong trào diệt chuột và người dân hưởng ứng mạnh mẽ nên đã hạn chế thiệt hại do chuột cắn phá, vụ đông xuân này chỉ bị 2 - 3%, nơi cao nhất cũng chỉ chiếm 10%/dãnh” - ông Sỹ cho biết thêm.
MINH THÔNG - PHAN VINH