Gập ghềnh gạo hữu cơ
Dù mới bắt đầu vụ thứ hai làm lúa hữu cơ nhưng con đường đưa sản phẩm gạo an toàn ra thị trường của ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Công ty CP Giống nông nghiệp Điện Bàn xem ra còn nhiều gập ghềnh phía trước.
Nông dân thôn Đông Hòa, Điện Thọ đã tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ.Ảnh: KHÁNH LINH |
Gạo quê Phong Thử
Theo ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Công ty CP Giống nông nghiệp Điện Bàn, từ vụ hè thu 2017, công ty đã tổ chức liên kết với nông dân thôn Đông Hòa (xã Điện Thọ, Điện Bàn) triển khai mô hình trồng lúa hữu cơ trên diện tích 3ha. Đây là mô hình hoàn toàn mới, lần đầu tiên xuất hiện tại Điện Bàn. So với canh tác lúa truyền thống, quy trình sản xuất lúa hữu cơ chỉ sử dụng phân bón hữu cơ qua tinh chế (chất dinh dưỡng từ bùn mùn và các loại vi sinh, không dùng chất hóa học), dù năng suất chỉ đạt khoảng 70 - 80% nhưng bù lại giá thu mua cao hơn. “Công ty thuê đất của người dân và tổ chức theo chuỗi như cung cấp giống, tổ chức máy cấy, khi có sâu bệnh thì mình hỗ trợ thuốc trừ sâu sinh học… Người dân bón phân chăm sóc, thu hoạch lúa theo quy trình, công ty mua về sấy chế biến đóng bao bì thành gạo hữu cơ, đây là chuỗi khép kín. Với mô hình này nông dân có lợi. Thứ nhất là họ có tiền và làm công cho doanh nghiệp, họ bán cái rủi ro (chuột cắn, mất mùa, thiên tai…) cho doanh nghiệp, giá lúa mình mua cũng cao gấp 1,5 lần so với mức giá cao nhất lúa thông thường” - ông Thiện nói.
Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, mô hình sản xuất của ông Nguyễn Phước Thiện chính xác là theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, hiện nay quy chuẩn như thế nào là sản xuất hữu cơ, kể cả sản xuất theo hướng hữu cơ thì Bộ NN&PTNT chưa ban hành, tỉnh cũng chưa ban hành, có chăng thị xã cũng chỉ xác nhận đây là mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ không bơm thuốc, không sử dụng phân hóa học. “Theo tôi biết, hiện nay ở Quảng Nam, Đà Nẵng chưa có ai sản xuất lúa hữu cơ nên rất khó, nhưng nếu ông Thiện cần thì chúng tôi sẽ tham mưu UBND thị xã Điện Bàn xác nhận sản phẩm theo hướng hữu cơ để tiêu thụ trên thị trường” - ông Chơi nói. |
Vụ xuân hè năm nay công ty tiếp tục liên kết thuê 20ha đất ruộng của 130 hộ dân thôn Đông Hòa để mở rộng quy mô canh tác. Ông Mai Phước Chiến (thôn Đông Hòa, Điện Thọ) cho biết, vụ này ông cho công ty thuê 3 sào đất ruộng để làm lúa hữu cơ, dù chưa biết kết quả thế nào nhưng so với làm lúa truyền thống, canh tác lúa hữu cơ khỏe hơn. “Cái tốt đầu tiên là không phải dùng thuốc trừ sâu hay phân hóa học bón lúa, phân hữu cơ cũng rẻ hơn. Thuận lợi thứ hai là công ty thu mua ngay tại ruộng sau thu hoạch, nên tôi làm thử một năm xem sao” - ông Chiến chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Phước Thiện, ý tưởng sản xuất gạo hữu cơ bên cạnh xu hướng người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng những thực phẩm an toàn thì một lý do khiến ông và những cộng sự quyết tâm làm chính là muốn vực dậy thương hiệu “Gạo quê Phong Thử” của địa phương. “Bình quân mỗi héc ta công ty đầu tư 40 triệu đồng gồm đầu tư giống, cung cấp phân, thuốc, tập huấn, hướng dẫn người dân quy trình sản xuất… Trong khi giá gạo bán ra không cao hơn gạo bình thường do thị trường chưa quen mà mình cũng chưa có giấy tờ gì xác nhận nên trước mắt chỉ cần hạn chế lỗ. Tôi tin tưởng khi gạo đã có thương hiệu và được cấp xác nhận giá gạo phải 40 - 50 nghìn đồng/kg” - ông Thiện cho biết.
Gian nan gạo hữu cơ
Không phủ nhận những lợi ích của gạo hữu cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng, kể cả nông dân cũng được hưởng lợi từ mô hình này thông qua mối liên kết với doanh nghiệp. Tuy vậy, mô hình gạo hữu cơ cũng đang đối diện nhiều khó khăn, nhất là vướng về mặt pháp lý. Tháng 5.2017, công ty đã gửi văn bản đến Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh xin cấp giấy chứng nhận sản phẩm được sản xuất theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ nhưng được chi cục trả lời không thể cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ do Bộ NN&PTNT chưa có văn bản quy định. Ngoài ra, việc thuê đất của nông dân cũng gặp nhiều khó khăn khiến mô hình sản xuất lúa hữu cơ càng thêm trắc trở. “Ý định của công ty là thuê đất của nông dân để tổ chức sản xuất lâu dài nhưng hiện nay việc thuê đất đang trở ngại nên phải liên kết với nông dân cùng sản xuất, nhưng việc liên kết này khó đảm bảo vì làm lúa hữu cơ phải qua 4 - 5 vụ khi các tồn dư của phân bón, thuốc trừ sâu trong đất đã giảm hết, lúc đó việc sản xuất lúa hữu cơ mới đảm bảo đạt tiêu chuẩn hoàn toàn. Chưa kể, khi người dân làm vụ đầu thấy lúa phát triển không giống bình thường, cây cằn cỗi, năng suất thấp thì bỏ làm, khiến mô hình không thể duy trì vì trên diện tích trồng lúa hữu cơ mà có một đám làm vô cơ thì không được, sẽ ảnh hưởng đến các đám ruộng hữu cơ. Do đó, muốn làm thì phải thuê đất tập trung để quản lý, mà cái này thì vướng” - ông Thiện bộc bạch.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Kiệt - Trưởng thôn Đông Hòa, đất đai của thôn không thiếu để công ty thuê, hiện toàn thôn có khoảng 60ha đất trồng lúa, con số 20ha chỉ chiếm 1/3 diện tích hiện có. “Thu nhập từ mô hình lúa hữu cơ cao hơn lúa thường nên ai cũng thích, sở sĩ dân không tham gia nhiều vì thị trường đầu ra còn hạn chế khiến doanh nghiệp dè dặt. Nói chung đất không thiếu nhưng doanh nghiệp chỉ làm chừng đó vì phụ thuộc vào sản lượng tiêu thụ nên không thể mở rộng diện tích canh tác được” - ông Kiệt lý giải.
Ông Lê Hữu Ái - Chủ tịch UBND xã Điện Thọ nhìn nhận đây là mô hình rất tốt và triển vọng, nên xã luôn ủng hộ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Ngoài ra, mô hình này cũng phù hợp với chủ trương của xã là thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của thị xã, trong đó việc dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, ứng dụng cơ giới hóa, đưa tiến bộ khoa học vào đồng ruộng luôn là ưu tiên. Trong đó, việc đưa những cây mới, giống có chất lượng, hiệu quả năng suất cao vào đầu tư sản xuất là đúng theo tinh thần của đề án nên xã hoàn toàn nhất trí. “Quan điểm của xã là ủng hộ mô hình này nên đã chỉ đạo thôn tuyên truyền người dân đồng thuận. Riêng việc thuê đất, nếu người dân xét thấy đảm bảo về mặt kinh tế thì sẽ thống nhất với doanh nghiệp và xã cũng sẽ ủng hộ”- ông Ái nói.
KHÁNH LINH